Không quân Ấn Độ (IAF) là một trong những nước sử dụng máy bay chiến đấu MiG-21 lớn nhất và lâu nhất trên thế giới. Quốc gia này có lịch sử lâu dài trong việc huấn luyện phi công Iraq trên những chiếc MiG-21 của họ. Các phi công Iraq đã triển khai một số chiến thuật của Ấn Độ để chống lại Lực lượng Không quân Iran trong Chiến tranh vùng Vịnh.
Các giáo sĩ Iran và Iraq đã có nhiều năm chung lịch sử tôn giáo và văn hóa. Tuy nhiên, Cách mạng Hồi giáo năm 1979 đã mở ra những con đường riêng cho cả hai nước. Năm 1980, Iraq xâm chiếm Iran, Mỹ và các nước phương Tây khác đã hỗ trợ Iraq trong cuộc xung đột kéo dài 8 năm.
Sự giúp đỡ của Ấn Độ
IAF (Không quân Ấn Độ) đã cử các huấn luyện viên bay của mình đến đào tạo học viên Iraq tại học viện bay ở Tikrit từ năm 1958 đến năm 1989, để huấn luyện họ về các hoạt động chiến đấu, vận tải và trực thăng.
Các chuyên gia IAF đã đóng quân ở Iraq trong hai năm. Các huấn luyện viên Ấn Độ đã dạy cho học viên Iraq cách sử dụng những chiếc MiG-21 ở mức độ thấp, do đó các phi công Iraq ít phụ thuộc hơn vào việc chỉ huy từ mặt đất. Các chuyên gia Ấn Độ cũng dạy kỹ thuật ném bom và tấn công tên lửa tầm thấp, giúp Iraq phát triển chiến thuật khi chiến đấu bằng MiG-21.
IAF đã sử dụng MiG-21 từ năm 1963 và thực hiện sứ mệnh chiến đấu đầu tiên trong cuộc chiến chống lại Pakistan năm 1965. Ấn Độ đã phát triển thêm các vũ khí chiến đấu để bổ sung cho MiG-21 và họ đã triển khai chúng với thành công đáng kể trước Lực lượng Không quân Pakistan (PAF) trong cuộc chiến năm 1971.
Những chiếc MiG-21 của Ấn Độ tiêu diệt mục tiêu bằng pháo hai nòng GSh-23 23 mm. Khi chiến sự chấm dứt, các máy bay MiG-21FL của IAF được ghi nhận là đã bắn hạ 4 chiếc F-104, 2 chiếc F-6 Thẩm Dương, một chiếc F-86 Sabre và một chiếc C-130 Hercules của Pakistan.
Ngoài các huấn luyện viên của IAF, Không quân Iraq còn có các huấn luyện viên từ Pháp và Liên Xô. Tuy nhiên, quá trình đào tạo của họ phần lớn được giám sát bởi các giảng viên của IAF.
Khoảng 120 giảng viên đã được cử đến Iraq để dạy các bài học bay cơ bản và huấn luyện đánh chặn cho các học viên không quân. Một số phi công và kỹ thuật viên người Iraq cũng được cử tới Ấn Độ để đào tạo.
Trong suốt những năm 1970, Không quân Iran với sự hỗ trợ của Mỹ, đã vượt qua sức mạnh không quân của Iraq. Sau khi Cách mạng Hồi giáo nổ ra, Lực lượng Không quân Cộng hòa Hồi giáo Iran đã chịu nhiều ảnh hưởng, hai phần ba sĩ quan không quân của nước này đã bị bị bắt hoặc nghỉ sau cuộc cách mạng.
Lực lượng Không quân Iran vận hành 5 phi đội máy bay chiến đấu F-5E/Fs Tiger và một phi đội RF-5A được tối ưu hóa cho vai trò trinh sát. Chúng được trang bị biến thể AIM-9J của tên lửa Sidewinder do Mỹ sản xuất. Các phi công Iran được đào tạo ở Mỹ và một số thậm chí ở Pakistan.
Để so sánh, Không quân Iraq (IrAF) vận hành 9 phi đội MiG-21. Các đơn vị tốt nhất của họ có biến thể MiG-21 BIS và được trang bị tên lửa không đối không mới nhất do Liên Xô sản xuất, AA-2C Advanced Atoll và AA-8 Aphid.
Người Iraq đã sửa đổi máy bay để mang tên lửa không đối không R.500 Magic do Pháp sản xuất. Người Pháp đã giao tên lửa cho Iraq vào năm 1980, trong khi chờ để chuyển giao máy bay đánh chặn Dassault Mirage F.1EQ cho Iraq.
Chiến thuật của Iraq là sự kết hợp giữa huấn luyện của Ấn Độ, Pháp, Liên Xô và kinh nghiệm chiến đấu của chính họ trong cuộc chiến tháng 10/1973 với Israel. Không quân Iraq tấn công Iran vào ngày 22/9/1980.
Cuộc chiến trên không giữa Iraq và Iran
Những chiếc F-5E của Iran và những chiếc MiG-21 của Iraq đã đụng độ lần đầu tiên hai ngày sau đó vào ngày 24/9/1980. Hai chiếc MiG-21 của Iraq đã lẻn vào đội hình 4 máy bay Tiger của Iran mà không bị phát hiện, khi chúng đang tiếp cận Căn cứ Không quân Rusha ở Iraq. Máy bay chiến đấu của Iran khi đó được trang bị bom Mk.82.
Một chiếc Mi-21 Iraq đã bắn tên lửa vào máy bay F-5, nhưng tên lửa đã phát nổ ngay khi được phóng ra, điều này giúp phi công Iran phát hiện ra sự hiện diện của kẻ thù. F-5 đáp trả bằng cách bắn một tên lửa Sidewinder.
Sau đó, vào ngày 26/9/1980, Không quân Iran nhắm mục tiêu vào một khu sản xuất dầu mỏ của Iraq. Tuy nhiên hai chiếc Tiger II của Iran cử đi đã bị một cặp MiG-21 Iraq đánh chặn. Người Iraq tuyên bố rằng những chiếc MIG-21 của họ đã giành được chiến thắng đầu tiên.
Trận không chiến lớn nhất diễn ra vào ngày 26/11/1980, khi 8 chiếc F-5E của Iran vượt qua biên giới Iraq để ném bom một nhà máy điện, một trạm radar và Căn cứ Không quân Rusha. Máy bay Iran đang tiến về phía nhà máy điện thì bị một cặp MiG-21 đánh chặn, máy bay Iraq bắn một quả AA-8 khiến một chiếc F-5E rơi tại chỗ.
Phi công Iran Sharifi-Ra'ad nhớ lại, “Tôi nhận thấy mục tiêu của chúng tôi không được bao vệ, tuy nhiên khi tới gần mục tiêu máy bay của tôi rung chuyển và tôi đã cảnh báo cho người điều khiển mặt đất về hỏa lực của đối phương. Sau đó tôi liếc sang bên trái và nhìn thấy một chiếc MiG-21, đó là lý do khiến máy bay của tôi rung chuyển”.
“Tôi thả bom và chuẩn bị cho trận không chiến, đồng thời giảm độ cao xuống mức rất thấp rồi bẻ lái mạnh để buộc chiếc MiG-21 phải vượt qua. Phi công Iraq đã phạm sai lầm và giảm tốc độ, trong khi tôi lại mắc một sai lầm khác khi bắn tên lửa AIM-9J vào anh ta quá sớm. Sidewinder không khóa được và trượt mục tiêu”.
Sharifi-Ra'ad nói thêm: “Tôi chuyển sang dùng súng và bắn một phát vào cánh phải của anh ta từ cự ly ngắn. Anh ấy đang quan sát tôi khi chúng tôi hạ xuống rất thấp, rồi cánh trái của anh ấy chạm đất và máy bay của anh ấy phát nổ”. Cả hai bên đều mất bốn máy bay trong trận chiến đó. Các trận không chiến giữa các máy bay chiến đấu F-5 của Iran và MiG-21 của Iraq sau đó cũng đã rơi vào bế tắc.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vtc.vn
Tham gia bình luận