Cuộc cải tổ mang tính bước ngoặt của quân đội Đức

Cuộc cải tổ mang tính bước ngoặt của quân đội Đức

Tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu

Ngày 4-4, Bộ Quốc phòng Đức đã công bố cơ cấu chỉ huy mới của lực lượng quân đội nhằm nâng cao khả năng tác chiến và phòng thủ của lực lượng này. “Đây là một cuộc cải tổ mang tính bước ngoặt đối với Bundeswehr. Mục tiêu là tái cơ cấu theo cách để Bundeswehr có vị trí tối ưu ngay cả trong trường hợp khẩn cấp, phòng thủ hay chiến tranh”, ông Pistorius nói.

Điểm nhấn trong đợt cải tổ lần này là việc quân đội Đức sẽ được tổ chức lại thành 4 nhánh thay vì 3 nhánh như trước kia, gồm: Lục quân, không quân, hải quân, không gian mạng và thông tin. Nhánh không gian mạng và thông tin là nhánh mới thành lập, thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về chiến tranh điện tử và các hoạt động mạng, trinh sát và bảo vệ cơ sở hạ tầng điện tử.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius (bên phải) khẳng định quân đội Đức có trách nhiệm đặc biệt ở châu Âu. Ảnh: EPA 

Theo cơ cấu mới, quân đội Đức sẽ có Bộ chỉ huy tác chiến thống nhất và Bộ chỉ huy hỗ trợ chung. Bộ trưởng Pistorius cho biết, trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine và các mối đe dọa hiện tại, phòng thủ quốc gia và phòng thủ liên minh phải là trọng tâm của Bundeswehr. Bundeswehr phải có khả năng sẵn sàng chiến đấu. Điều đó đòi hỏi quá trình ra quyết định và phối hợp phải được thực hiện một cách nhanh chóng, thông tin thông suốt và khả năng ứng phó tốt. Do đó, quân đội Đức cần một cơ cấu chỉ huy mới.

Bộ chỉ huy tác chiến thống nhất có lợi thế lớn là các quyết định có thể được ban hành nhanh hơn, trực tiếp hơn, thông tin thông suốt hơn. Đây cũng là đầu mối liên lạc trung tâm của Bundeswehr trong phối hợp với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời tập trung tất cả các thỏa thuận về nhiệm vụ quốc gia và quốc tế.

Về cơ bản, Bộ chỉ huy tác chiến của Bundeswehr được thiết lập trên cơ sở hợp nhất Bộ chỉ huy lãnh thổ và Bộ chỉ huy tác chiến hiện tại. Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ chỉ huy tác chiến thống nhất sẽ ban hành và ưu tiên các mệnh lệnh triển khai lực lượng cho 4 nhánh của quân đội.

Bộ trưởng Pistorius cũng tiết lộ rằng ông đang cân nhắc liệu có nên tái áp đặt nghĩa vụ quân sự bắt buộc ở Đức, vốn đã được đình chỉ vào năm 2011.

Nhánh quân thứ tư

Theo opex360.com, ý tưởng thành lập đội quân “không gian mạng” từng được ông Jean-Yves Le Drian, khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp đưa ra vào tháng 10-2014. “Tôi nói về đội quân thứ tư vì tôi cho rằng vấn đề an ninh mạng rất quan trọng. Tôi tin rằng, trong những năm tới, lực lượng an ninh mạng sẽ mạnh như một đội quân”, ông Le Drian từng nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu lực lượng phòng thủ mạng của Pháp vào thời điểm đó, Chuẩn đô đốc Arnaud Coustillière cảm thấy rằng, việc thành lập một “đội quân mạng” là một ý tưởng tồi bởi điều này làm mất sự gắn kết, gây ra sự rạn nứt giữa các chuyên gia an ninh trong quân đội.

Cùng năm đó, Bộ Quốc phòng Đức cũng thành lập “Bộ chỉ huy thông tin và không gian mạng” (KdoCIR), tập hợp một số đơn vị chuyên môn, đặc biệt là những đơn vị liên quan đến chiến tranh điện tử và đường truyền với nhiệm vụ bảo đảm thông suốt đường truyền mạng trên máy tính và hệ thống vũ khí của Bundeswehr, hoặc thậm chí thực hiện các hành động tấn công... Nhưng phải đến gần 10 năm sau, KdoCIR mới thực sự trở thành nhánh quân thứ tư của Bundeswehr. Bộ trưởng Pistorius cho biết, ước tính lực lượng này có khoảng 16.000 người.

Theo trang mạng euractive.fr, với cơ cấu tổ chức mới của quân đội Đức, vai trò và nhiệm vụ của các chủ thể trong quản lý tác chiến được xác định rõ ràng; bộ máy chỉ huy được tinh gọn, hiệu quả hơn. Cuộc cải cách này đánh dấu một sự khởi đầu nhằm bảo đảm quân đội Đức của thời đại mới được đặt ở vị trí tốt nhất có thể trong các trường hợp khẩn cấp. Cuộc cải cách dự kiến sẽ được thực hiện trong vòng 6 tháng tới.

BÌNH NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận