Đằng sau việc Ukraine tích hợp vũ khí phương Tây với máy bay từ thời Liên Xô

Đằng sau việc Ukraine tích hợp vũ khí phương Tây với máy bay từ thời Liên Xô

Sức mạnh của tên lửa Hydra

Trong một đoạn video xuất hiện gần đây, một chiếc trực thăng Mi-24V Hind của Ukraine được trang bị tên lửa Hydra 70mm không có hệ thống điều khiển do Mỹ sản xuất. Đoạn video được quân đội Ukraine công bố cho thấy các tên lửa Hydra được lắp vào cụm bệ phóng M261 gắn trên trực thăng Mi-24 thông qua một bộ chuyển đổi. Theo Eurasiantimes, đây dường như là một trong những tên lửa Cộng hòa Séc gửi cho Ukraine.

Ngoài bộ chuyển đổi trên giá treo vũ khí, hiện vẫn chưa rõ những sửa đổi nào khác được yêu cầu để tích hợp tên lửa Hydra vào trực thăng Mi-24. Ukraine cũng không tiết lộ những trực thăng khác như Mi-8/Mi-17 Hip có thể sử dụng bộ chuyển đổi này hay không.

Tên lửa Hydra có thiết kế dạng mô-đun, bao gồm động cơ tiêu chuẩn có thể gắn nhiều đầu đạn khác nhau. Tên lửa mà Ukraine sử dụng có thể là mẫu không có hệ thống điều khiển và được trang bị đầu đạn nổ mạnh. Công ty quốc phòng General Dynamics cho rằng, tên lửa Hydra là một hệ thống vũ khí nhẹ và hiệu quả với khả năng đa nhiệm.

Theo các nhà quan sát, Ukraine sử dụng tên lửa Hydra để tiến hành các cuộc tấn công tầm thấp. Tầm bắn hiệu quả của tên lửa khi bắn từ trực thăng Mi-24 đạt từ 3-4km.

Theo thông báo trước đó của Bộ Ngoại giao Mỹ, tính đến ngày 7/7, các gói viện trợ của nước này cho Ukraine bao gồm hơn 7.000 tên lửa Hydra-70.

Kể từ năm 1996, General Dynamics đã sản xuất số lượng lớn tên lửa Hydra 70mm, khoảng hơn 4 triệu quả. Điều này cho thấy khả năng triển khai rộng rãi của loại vũ khí này.

Tên lửa Hydra có tầm bắn khoảng 10.500m tùy vào việc mang đầu đạn nào cũng như lắp từ bệ phóng trực thăng hay máy bay phản lực. Loại tên lửa này có thể được nâng cấp thành đạn dẫn đường chính xác với sự hỗ trợ của hệ thống rocket điều khiển laser thế hệ mới (APKWS) II mà Ukraine đã nhận được. Tuy nhiên, nguồn tin hiện tại cho rằng trực thăng Mi-24V Hind của Ukraine không sử dụng APKWS.

Tên lửa Hydra có thể được triển khai từ các loại trực thăng như UH-60 Black Hawk, Eurocopter Tiger, cũng như các máy bay F-16 Fighting Falcon, F/A-18 Hornet.

Được thiết kế với tính linh hoạt, loại vũ khí này cung cấp 9 tùy chọn đầu đạn khác nhau, cho phép người điều khiển điều chỉnh cách tiếp cận dựa trên các yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.

Theo General Dynamics, khả năng linh hoạt của tên lửa Hydra đảm bảo kết quả tối ưu khi tấn công các mục tiêu khác nhau trên chiến trường. Ngoài ra, chi phí hợp lý giúp loại tên lửa này trở thành lựa chọn thiết thực để giải quyết các mối đe dọa có nguy cơ thấp hơn trong các hoạt động quân sự.

Chiến lược mới của Ukraine?

Việc sửa đổi trực thăng Mi-24V Hind để phù hợp với các tên lửa do Mỹ sản xuất đã thu hút sự quan tâm và thảo luận của nhiều chuyên gia, trong đó nhiều người ca ngợi những nỗ lực của Ukraine trong việc tích hợp hiệu quả vũ khí phương Tây vào máy bay thời Liên Xô.

Một ví dụ về vũ khí phương Tây tích hợp với máy bay thời Liên Xô được sử dụng thành công trên chiến trường ở Ukraine là việc sử dụng tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM), mà Kiev đã điều chỉnh để hoạt động với các máy bay cũ.

Ngoài ra, các máy bay từ thời Liên Xô của Ukraine cũng sử dụng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Storm Shadow tiên tiến do Anh cung cấp và bom dẫn đường chính xác JDAM-ER.

Theo các chuyên gia quân sự, trong cuộc xung đột hiện tại, các máy bay trực thăng Ukraine áp dụng kỹ thuật bắn gián tiếp, phóng loạt tên lửa không điều khiển về phía lực lượng Nga. Các máy bay tấn công mặt đất Su-25 của Ukraine cũng áp dụng một chiến thuật tương tự. Trong các cuộc tấn công gần đây, các máy bay phản lực này đã sử dụng tên lửa Zuni 5 inch không điều khiển do Mỹ cung cấp.

Kể từ khi xung đột nổ ra, hệ thống phòng không của Nga luôn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Ukraine. Điều này còn trở nên đáng lo ngại hơn trong bối cảnh cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra. Do đó, việc sử dụng kết hợp tên lửa vào trực thăng vũ trang phục vụ mục đích chiến lược, nhằm giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương của máy bay trước hệ thống phòng không của đối phương.

Mặc dù những tên lửa này có thể có độ chính xác và kết quả không quá cao trong việc bắn trúng các mục tiêu cụ thể, nhưng việc triển khai chúng giúp tạo ra hỏa lực áp chế, ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng từ đối phương.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận