Theo một số nguồn thạo tin được Hãng thông tấn Nga RIA Novosti trích dẫn, Nga dự kiến sẽ tăng gấp đôi số lượng hệ thống trinh sát tiên tiến Penicillin trong khu vực tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối năm nay. Điều này sẽ giúp Nga gia tăng hiệu quả tấn công nhằm đối phó pháo binh Ukraine.
Theo RIA Novosti, Nga đã sử dụng hệ thống Penicillin không lâu sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt và vũ khí này đã chứng minh hiệu quả trong các cuộc giao tranh khi có thể xác định chính xác mục tiêu pháo binh của Ukraine. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ quân đội Nga đã sử dụng bao nhiêu hệ thống này tại Ukraine.
Trước đó, vào tháng 12/2022, truyền thông Nga đưa tin quân đội nước này đang chuẩn bị đưa hệ thống trinh sát hồng ngoại và âm thanh tiên tiến hoàn toàn mới tới vùng chiến sự Ukraine, với nhiệm vụ quan trọng là chống pháo binh đối phương.
Hệ thống 1B76 Penicillin do hãng Vektor thuộc công ty cổ phần quốc doanh Ruselectronics của Nga tạo ra và sản xuất, được đặt tên theo một loại thuốc kháng sinh. Theo nhiều nguồn tin quân sự, Penicillin cho phép các lực lượng Nga tấn công chính xác pháo binh Ukraine từ khoảng cách xa.
Nga có thể bảo vệ các lực lượng pháo binh ở tiền tuyến trong thời gian ngắn bằng cách sử dụng các hệ thống phòng không có khả năng gây nhiễu và tác chiến điện tử để ngăn chặn radar phản pháo của Ukraine do Mỹ cung cấp. Với Penicillin, Nga vừa có khả năng làm tiêu hao các hệ thống pháo binh lại vừa có thể tập trung vào nhiệm vụ làm suy giảm sức mạnh không quân của đối phương.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Nga chưa chính thức xác nhận, nhưng các báo cáo trên được đưa ra vào thời điểm quân đội của cả Nga và Ukraine đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đạn dược và thương vong gia tăng do các trận đánh ác liệt tại Bakhmut. Để thực hiện các cuộc tấn công chính xác, quân đội Nga cần phải theo dõi sát sao các vị trí của đối phương trong bối cảnh Mỹ và NATO ngày càng cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí hiện đại hơn.
Lợi thế của Penicillin
Penicillin được phát triển để theo dõi, giám sát các vị trí bắn pháo và tên lửa, tìm kiếm mọi loại đầu đạn, từ đạn cối, đạn pháo, đạn pháo phản lực cho đến tên lửa phòng không và tên lửa chiến thuật của đối phương. Do đó, nó được coi là câu trả lời của Moscow đối với hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Theo nhà sản xuất, Penicillin có thể hoạt động hiệu quả trong điều kiện nhiệt độ từ -40 đến 50 độ C vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Khung gầm KamAZ, có mô đun quang điện tử trinh sát, được lắp đặt trên đó hệ thống được lắp đặt. Để xác định vị trí của pháo binh địch, tổ hợp Penicillin hoạt động bằng cách so sánh âm thanh của các loại đạn pháo và dữ liệu thu thập được từ mô đun điện tử. Đối phương không có thời gian tập trung lực để đáp trả vì toàn bộ quá trình chỉ mất 5 giây.
Hệ thống sử dụng máy dò địa chấn và cảm biến âm thanh, được triển khai trên mặt đất cách xa hệ thống chính và camera quang học, camera hồng ngoại gắn trên một cột có thể gập gọn lại. Khi hoạt động, cảm biến sẽ phát hiện sóng âm và sóng nhiệt từ vụ khai và các camera sẽ xác định đường bay của đầu đạn. Trong phạm vi 40 km, hệ thống Penicillin có thể hoạt động độc lập.
Ưu điểm của Penicillin là nó không sử dụng sóng vô tuyến khi hoạt động, giống như radar phản pháo AN/TPQ-36 của Mỹ, nên tổ hợp rất khó bị thiết bị định vị vô tuyến của đối phương phát hiện hoặc bị các hệ thống tác chiến điện tử chế áp.
Nga đã chế tạo 1B76 Penicillin vào năm 2017, thử nghiệm vào năm 2018 và chính thức biên chế cho quân đội vào năm 2023. Penicillin có thể là một lựa chọn hiệu quả và có giá trị đối với Moscow để đối phó với những cuộc tấn công này trong bối cảnh Ukraine tăng cường sử dụng các bệ phóng tên lửa và máy bay không người lái hiện đại do NATO cung cấp để tấn công các vị trí của Nga./.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vov.vn
Tham gia bình luận