Vậy động thái trên của Lầu Năm Góc có đơn giản là hỗ trợ đồng minh hay là “mũi tên trúng nhiều đích” của Mỹ?
THAAD – Một trong những vũ khí phòng thủ tên lửa đặc biệt của Quân đội Mỹ
Tổ hợp THAAD là vũ khí phòng thủ tên lửa được thiết kế cho nhiệm vụ đánh chặn mục tiêu bay đạn đạo của đối phương trên tầng cao nhất của khí quyển Trái đất. Cụ thể, THAAD có khả năng đánh chặn các mục tiêu ở độ cao 150-200km.
Điểm đặc biệt của THAAD lại dùng phương thức đánh chặn tương đối đặc biệt so với các lá chắn tên lửa chiến thuật-chiến lược. Đạn tên lửa của THAAD tiêu diệt mục tiêu bằng cách xuyên phá động năng. Đầu đạn lao thẳng vào mục tiêu và phá hủy nó bằng động năng (kinetic). Phương thức đánh chặn này phù hợp với việc đánh chặn ở độ cao lớn, khi đầu dò quang-ảnh nhiệt chủ động của đạn tên lửa bám bắt được mục tiêu ở cự ly gần.
THAAD là một trong những tổ hợp vũ khí phòng thủ tên lửa cấp chiến thuật-chiến lược hàng đầu của Quân đội Mỹ. Ảnh: Defense News |
Lợi thế của THAAD là hệ thống radar cảnh giới và giám sát cực nhạy và tầm hoạt động rộng tới 1.000km. THAAD có thể tấn công chính xác mục tiêu là nhờ hệ thống radar cung cấp thông tin mục tiêu, radar giám sát radar di động của Lục quân, Hải quân hoặc AN/TPY-2.
Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật, đánh giá ở khía cạnh giá thành, giới chuyên gia quân sự quốc tế có chung nhận xét, mỗi tổ hợp THAAD với 6 xe phóng (8 đạn/xe) có giá rất cao, tới 2,3 tỷ USD. Ngoài ra, để hệ thống hoạt động hiệu quả cần có thêm hệ thống ra-đa AN/TPY-2 trị giá 574 triệu USD.
Theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa thuộc Lầu Năm Góc, ở chế độ phòng thủ góc hẹp, radar của THAAD được cấu hình để thu thập và theo dõi mục tiêu ở phạm vi lên tới 3.000 km. Còn ở chế độ đánh chặn giai đoạn cuối, radar của tổ hợp đảm bảo khả năng phát hiện sớm mục tiêu ở cự ly 1.700km.
Nhà phân tích quân sự của hãng tin CNN, cựu Đại tá Không quân Mỹ Cedric Leighton đánh giá, THAAD sẽ không hoạt động, mà là được tích hợp và phương án dự phòng của hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel. Nó có thể đóng vai trò là “biện pháp ngăn chặn” tiếp theo trước một cuộc tấn công. “Khi được triển khai, nó thực sự sẽ bổ sung thêm một lớp cho hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không hiện có của Israel”, chuyên gia Leighton cho biết.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), trong quá trình thử nghiệm, các nguyên mẫu tổ hợp THAAD chưa bao giờ thất bại trong việc đánh chặn các mục tiêu ở giai đoạn tiếp cận.
Cơ cấu tổ hợp nhỏ gọn giúp THAAD có thể nhanh chóng được triển khai bằng đường hàng không. Ảnh: DefenseTalk |
Mũi tên trúng nhiều đích của Quân đội Mỹ
Theo đánh giá của tạp chí quân sự Topwar, việc Mỹ nhanh chóng quyết định triển khai tổ hợp THAAD tới Israel không phải là hành động vội vàng, mà đã có tính toán kỹ càng.
Đầu tiên, từ việc tăng cường viện trợ quân sự cho Israel và gây sức ép ngoại giao, nhưng không đạt hiệu quả răn đe đối với Iran. Tehran đã thực hiện 2 đợt tập kích đường không bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái tự sát nhằm vào Israel. Washington đã quyết định triển khai lực lượng quân sự, cụ thể là THAAD nhằm “hạ nhiệt” trả đũa của Iran.
Cùng với đó, sau các đòn tấn công của Iran, hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel đã lộ điểm yếu là thiếu vũ khí ngăn chặn các đầu đạn tên lửa Iran ở giai đoạn tiếp cận. Hầu hết lá chắn tên lửa của Israel như Arrow-3 hay Davis Sling được thiết kế để đánh chặn mục tiêu trước khi chúng kịp hồi quyển (thời điểm tên lửa bay với vận tốc thấp nhất). Còn khi tên lửa đã hồi quyển và tăng tốc lên siêu vượt âm tiếp cận mục tiêu, hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel gần như không thể ngăn chặn.
Bằng chứng rõ ràng nhất chính là những hình ảnh của đợt tấn công tên lửa của Iran với tên gọi True Promise II vừa diễn ra đầu tháng 10 vừa qua. Nhiều cảnh quay trên bầu trời Jordan cho thấy, hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel đã đánh chặn thành công mục tiêu ở ngoại vi khí quyển Trái đất. Tuy nhiên, khi tên lửa Iran tiếp cận mục tiêu, hệ thống phòng thủ của Israel cơ bản không có đủ khả năng đánh chặn.
Các tên lửa của Iran tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Israel mà không bị ngăn chặn. Ảnh: Defense News |
Chính vì thế, việc bổ sung thêm tổ hợp THAAD với thiết kế chuyên biệt đánh chặn mục tiêu ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu là biện pháp cần thiết giúp Israel đối phó với các đòn tấn công tên lửa từ các quốc gia đối địch trong tương lai. Cụ thể nhất chính là những thông tin về việc Iran đang chuẩn bị cho đòn trả đũa mới sau vụ tấn công tên lửa của Israel vào rạng sáng 27-10.
Yếu tố cuối cùng chính là thực chiến. Từ được chấp nhận vào trang bị của Quân đội Mỹ, THAAD chưa một lần tham chiến thực sự. Việc triển khai tới Israel chính là cơ hội tốt để vũ khí phòng thủ tên lửa này được tham gia thực chiến. Dù thành công hay thất bại thì đây cũng là điều kiện để các Lầu Năm Góc đánh giá khả năng thực sự của THAAD để chỉnh sửa và nâng cấp vũ khí này trong tương lai.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Tham gia bình luận