Binh sỹ Morocco và một số đội cứu hộ quốc tế tích cực hoạt động bằng xe tải và trực thăng, nhưng nhiều người lo ngại việc tiếp cận các ngôi làng miền núi xa xôi cộng với với việc chính phủ trì hoãn chấp nhận viện trợ quốc tế đang cản trở nỗ lực cứu hộ.
Dân làng ở vùng Al Haouz hẻo lánh cho biết họ đã đào bới bằng tay không để giải cứu những người hàng xóm bị mắc kẹt và nhiều trường hợp đã quá muộn dể cứu người. Bị mất nhà cửa hoặc lo sợ dư chấn, nhiều cư dân ở các vùng núi xa xôi vẫn “màn trời chiếu đất”, thậm chí trên đường phố ở Marrakech, nhiều người đã qua 3 đêm ngoài trời.
“Bây giờ chúng tôi cần lều bạt để mọi người tạm trú vì hầu hết người dân đã mất nhà cửa hoặc nhà cửa bị hư hại. Sau đó, chúng tôi cần nơi trú ẩn cho phụ nữ và trẻ em, nhất là cần những vật liệu chắc chắn. Nhiều người vẫn ngủ ngoài trời’, một người dân chia sẻ.
Đến nay, mới có các đội cứu của 4 quốc gia là Tây Ban Nha, Qatar, Anh và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất được phép đến thực địa vì Morocco muốn đánh giá cẩn thận các nhu cầu thực tế. Một số quốc gia và tổ chức quốc tế đang chờ được cấp phép. Lực lượng Cứu hộ Không biên giới (trụ sở ở Pháp) cho biết khoảng 100 đội với tổng cộng 3.500 nhân viên cứu hộ của họ vẫn mắc kẹt ở Paris và sẽ sẵn sàng triển khai tới Morocco nếu được yêu cầu. 3 máy bay quân sự của Séc chở khoảng 70 nhân viên cứu hộ cũng đang chờ chính phủ Morocco bật đèn xanh. Nhiều thành phố ở Pháp, quốc gia có 4 công dân thiệt mạng trong trận động đất đã đề nghị viện trợ hơn 2 triệu euro (2,1 triệu USD).
Quốc vương Mohammed VI đã ra lệnh phân phối nước uống, thực phẩm và lều bạt cho những người mất nhà cửa cũng như lập quỹ hỗ trợ đền bù để giúp dân xây dựng lại nhà cửa.
Thủ tướng Morocco Aziz Akhanouch cho biết: “Chính phủ sẽ hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng. Việc hỗ trợ sẽ được áp dụng để cho phép người dân xây dựng lại nhà cửa của họ. Theo chỉ thị của Quốc vương Mohammed VI, Morocco bước vào một giai đoạn mới, đó là tái thiết những gì đã bị trận động đất phá hủy và cung cấp tài chính để thực hiện công cuộc tái thiết”.
Đây là trận động đất mạnh nhất tấn công quốc gia Bắc Phi trong hơn 120 năm, nhưng chưa phải là trận động đất chết chóc nhất. Năm 1960, một trận động đất xảy ra gần thành phố Agadir, khiến ít nhất 12.000 người thiệt mạng.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vov.vn
Tham gia bình luận