Hôm nay, 29/10/2023, tròn 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, một chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà chính trị, quân sự song toàn xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo PGS-TS, Đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng, hơn 30 năm gắn bó với chiến trường Quân khu 5 trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Đại tướng Đoàn Khuê là người đã khởi xướng những “quả đấm” chủ lực trên chiến trường này. Đây là một trong những dấu ấn nổi bật của Đại tướng Đoàn Khuê.
PV: Đại tá có thể chia sẻ rõ hơn về dấu ấn nổi bật của Đại tướng Đoàn Khuê trong khoảng thời gian này?
Đại tá Trần Ngọc Long: Đại tướng Đoàn Khuê đã có hơn 30 năm gắn bó máu thịt với Chiến trường Khu 5. Trong khoảng thời gian đó, ông đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều dấu ấn quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn Quân khu 5 nói riêng, cũng như nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam nói chung.
Ngay từ khi vào Chiến trường Khu 5, sau khi tìm hiểu phân tích tình hình thực tế, Đại tướng Đoàn Khuê đã có chủ trương phải nhanh chóng thành lập các đơn vị chủ lực. Trên cương vị là Phó Chính ủy, ông đã cùng Thường vụ Khu ủy, Quân khu ủy kiên trì với chủ trương đó.
Năm 1965, Quân khu 5 thành lập Sư đoàn 2 và Sư đoàn 3, được đánh giá là hai "quả đấm" chủ lực. Trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ, gần như hai sư đoàn chủ lực này tung hoành ngang dọc trên địa bàn chiến trường khu 5, lập được rất nhiều chiến công. Dấu ấn sâu đậm đó xuất phát từ tư duy quân sự trong tầm nhìn chiến lược của Phó Chính ủy Đoàn Khuê lúc bấy giờ.
PV: Trên cương vị là Phó Chính uỷ, Bí thư Khu uỷ Khu 5, Đại tướng Đoàn Khuê cũng là người sáng tạo ra nhiều cách đánh mới?
Đại tá Trần Ngọc Long: Đúng vậy, Khu 5 là nơi phát tích của phương châm 2 chân, 3 mũi, là nơi phát tích của “vành đai diệt Mỹ”, là nơi phát tích cụ thể hóa phương châm “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”. Phó Chính ủy Đoàn Khuê là người có nhiều dấu ấn đậm nét, cùng với tập thể Khu ủy, Quân khu uỷ triển khai thực hiện, sáng tạo nhiều cách đánh, nhiều phương châm tác chiến rất hay.
PV: Những năm tháng hoạt động sôi nổi trên chiến trường Khu 5, Đại tướng Đoàn Khuê đã đúc kết “Xây dựng ý chí là bảo đảm cho bộ đội quyết đánh, còn xây dựng tư tưởng chiến thuật để đánh thắng địch”. Theo Đại tá, đúc kết này có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm lúc bấy giờ?
Đại tá Trần Ngọc Long: Đọ sức với đế quốc Mỹ là đọ với đối thủ có tiềm lực kinh tế, quân sự và trình độ khoa học kỹ thuật vượt trội hơn chúng ta rất nhiều lần. Đó là thực tế chúng ta phải thừa nhận. Thế thì đương đầu với một đối thủ như vậy, chúng ta chỉ đánh bằng ý chí, bằng tinh thần và quyết tâm thôi thì chưa đủ, chưa thể giành thắng lợi được. Mà phải có vũ khí, trang bị kỹ thuật, có cách đánh, nghệ thuật tác chiến phù hợp để đánh bại những thủ đoạn chiến thuật của đối phương.
Cho nên, ngay từ khi vào chiến trường Khu 5, Đại tướng Đoàn Khuê đã xác định ngay, đó là: Không xây dựng được ý chí cách mạng kiên định cho cán bộ, chiến sĩ thì sẽ tạo nên những chiến sĩ cầm súng không có linh hồn. Thế nhưng ngoài việc phải xây dựng bản lĩnh, ý chí chiến đấu cho bộ đội thì phải huấn luyện cho họ về kỹ thuật, chiến thuật để tìm ra cách đánh, hạn chế điểm mạnh, khoét sâu điểm yếu của đối phương. Như vậy chúng ta mới có thể giải quyết và giành thắng lợi trong từng trận đánh cụ thể.
Phải nói, đó là kết luận rất hay và mang tính định hướng rất rõ. Ông đã nói rất rõ, đánh Mỹ thì không chỉ bằng quyết tâm, ý chí được, mà phải đánh bằng tài nghệ, kỹ năng sáng tạo và trình độ làm chủ khoa học kỹ thuật. Nên nhớ là bằng trình độ làm chủ khoa học kỹ thuật. Bởi trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã sử dụng mọi loại vũ khí công nghệ cao, cho nên theo ông, chúng ta phải đánh bằng kỹ năng sáng tạo và cả trình độ làm chủ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, ông nhấn mạnh khả năng tổ chức chặt chẽ để tạo ra được nhiều cách đánh có hiệu quả nhất.
PV: Tháng 7/1974 trong trận đánh Nông Sơn - Trung Phước, Đại tướng Đoàn Khuê chỉ đạo thực hiện chiến thuật “bao vây đánh lấn, tấn công dứt điểm”. Đây có thể được coi là một sáng tạo điển hình của ông trong việc xác định đúng, trúng chiến thuật đánh Mỹ?
Đại tá Trần Ngọc Long: Đầu năm 1974, Phó Chính ủy Đoàn Khuê được Thường vụ Quân khu ủy phân công trực tiếp chỉ đạo khối chủ lực của Quân khu. Với trọng trách này, ông đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong việc chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề về chiến lược, đặc biệt là trong chỉ đạo cách đánh của lực lượng vũ trang quân khu, đặc biệt là lực lượng chủ lực của quân khu thời kỳ này. Ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề chiến thuật vây lấn, và sử dụng hỏa lực pháo binh trong các trận đánh, cứ điểm quan trọng. Trận Nông Sơn - Trung Phước diễn ra vào tháng 7/1974 là một trong những trận điển hình.
PV: Chiến thuật bao vây, đánh lấn đã tạo thuận lợi cho bộ đội ta giải quyết trận đánh này như thế nào?
Đại tá Trần Ngọc Long: Trong trận Nông Sơn - Trung Phước, Đại tướng Đoàn Khuê đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Chiến dịch Thượng Đức xây dựng kế hoạch tác chiến làm 2 bước. Bước 1 là tiêu diệt địch ở vòng ngoài rồi hình thành thế bao vây cứ điểm và ngăn chặn không cho quân địch ở các điểm gần đấy kéo đến giải vây. Bước 2 là vây lấn và tiến công liên tục cứ điểm Nông Sơn, sử dụng lực lượng binh chủng hợp thành để tiến công liên tục cứ điểm Nông Sơn. Chính trong trận đánh này, ông là người đặc biệt quan tâm đến chiến thuật vây lấn và đã chỉ đạo đưa pháo nòng dài lên để bắn thẳng vào căn cứ điểm.
Cách đánh này sau được đúc kết thành khẩu hiệu kéo pháo lên cao vào gần bắn thẳng. Cách đánh hết sức táo bạo, bất ngờ của hỏa lực pháo binh ta đã nhanh chóng phá hủy được lô cốt và kiềm chế tối đa hỏa lực pháo binh của địch, khiến hàng ngũ quân địch trở nên hỗn loạn.
PV: Theo Đại tá, những phát hiện và sáng tạo của Đại tướng Đoàn Khuê về nghệ thuật quân sự Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, khi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra cho Quân đội ta những thách thức mới, nhất là chiến tranh công nghệ cao đã trở nên phổ biến?
Đại tá Trần Ngọc Long: Có thể nói những kinh nghiệm hay đúc kết được của Đại tướng Đoàn Khuê để lại cho chúng ta đến ngày nay vẫn có thể tiếp tục phát huy và học tập. Rõ ràng yếu tố hàng đầu vẫn là con người quyết định. Tức là phải xây dựng nhân tố chính trị tinh thần cho bộ đội. Đây là điều mà Đại tướng Đoàn Khuê luôn đặc biệt quan tâm ở tất cả các cương vị ông đã trải qua.
Trong tư duy của ông, trước hết phải xây dựng yếu tố chính trị, tinh thần, phải tạo cho bộ đội được sự tin tưởng và tinh thần quyết đánh và quyết thắng bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Đối với chiến tranh hiện đại, còn một điều không kém phần quan trọng là cần phải bồi dưỡng, giáo dục, huấn luyện, đào tạo cho bộ đội một tinh thần học hỏi nghiên cứu nắm vững trình độ khoa học kỹ thuật, và phải luôn luôn sáng tạo để tìm ra nhiều cách đánh mới, để ứng phó hiệu quả với các loại vũ khí hiện đại. Hay nói cách khác phải huấn luyện quân đội từng bước hoàn thiện kỹ chiến thuật, thích nghi với môi trường chiến tranh hiện đại.
Một điều quan trọng nữa là cần phải có đầu tư nhất định cho quân đội nói riêng, cho lực lượng vũ trang nói chung, đầu tư cả về mặt tài chính, đầu tư để mua sắm trang bị phù hợp với điều kiện tác chiến hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của cuộc chiến tranh công nghệ cao.
PV: Vâng, xin cảm ơn Đại tá Trần Ngọc Long.
Đại tướng Đoàn Khuê sinh ngày 29/10/1923. 16 tuổi, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, 17 tuổi bị địch bắt giam tù đày. Trong suốt 60 năm hoạt động cách mạng, dù trên cương vị nào, Đại tướng Đoàn Khuê, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đều tỏ rõ tấm lòng kiên trung, son sắt với sự nghiệp cách mạng.
Trong thời gian công tác trên địa bàn Quân khu 5, Đại tướng đã đề xuất, sáng tạo nhiều cách đánh mới, góp phần làm thất bại các loại hình chiến thuật của đế quốc Mỹ. Những cống hiến của ông đã góp phần quan trọng vào kho tàng lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam, để chúng ta nghiên cứu, kế thừa, vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vov.vn
Tham gia bình luận