Ukraine quyết chí phát triển tên lửa đạn đạo
Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine vào tháng 2/2022, quân đội Nga thường xuyên sử dụng vũ khí tầm xa do Nga sản xuất để bắn phá các mục tiêu tại Ukraine. Trong khi đó, lực lượng Ukraine về cơ bản vẫn chưa thể đáp trả bằng vũ khí tầm xa do Ukraine tự chế. Thêm nữa, những tên lửa phương Tây viện trợ cho Ukraine có giới hạn về tầm bắn và mức độ triển khai liên quan đến lãnh thổ Nga.
Để cải thiện năng lực phòng thủ và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ bên ngoài, Ukraine đang nỗ lực tiến hành chương trình tên lửa của riêng mình.
Tên lửa Neptune dùng để tấn công cả tàu chiến và mục tiêu trên cạn
Serhiy Zgurets - Tổng giám đốc hãng truyền thông Ukraine Defense Express nói với đài Đức DW rằng Ukraine đã đạt được một số thành tựu trong chương trình tên lửa của mình những năm gần đây.
Ông nói: “Thí dụ, loạt vũ khí chống tăng như Stugna và Corsair đang được sản xuất hàng loạt. Hay như tên lửa chống hạm R-360 Neptune. Sản phẩm này, do Công ty “Cục thiết kế Kiev” Lutsch phát triển, đã phục vụ trong lực lượng vũ trang Ukraine từ năm 2020, tương tự như hệ thống tên lửa ven biển RK-360MC, được thiết kế để phát hiện và phá hủy các tàu đối phương thuộc các lớp khác nhau”.
Một quả tên lửa Neptune mang đầu đạn 150kg và có tầm bắn lên tới 300km.
Vào ngày 13/4/2022, hai quả tên lửa Neptune được cho là đánh đắm soái hạm Nga mang tên Moskva.
Năm 2023, rộ lên thông tin các nhà thiết kế Ukraine đã chỉnh sửa tên lửa Neptune thành phiên bản có khả năng đánh trúng cả chiến hạm lẫn mục tiêu trên bộ.
Một đại diện của Bộ Quốc phòng Ukraine nói với trang quốc phòng War Zone của Mỹ rằng vũ khí mới này có hệ thống dẫn đường mới nhưng vẫn được phóng từ cùng loại bệ phóng dùng cho phiên bản săn hạm. Quan chức này tiết lộ thêm rằng tên lửa Neptune chỉnh sửa có tầm bắn khoảng 400km và một đầu đạn 350kg, nặng gấp hơn hai lần phiên bản săn hạm.
Chỉnh sửa tên lửa phòng không thành tên lửa tấn công mặt đất
Theo thông tin từ truyền thông, Ukraine cũng đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-200 để tập kích sâu vào lãnh thổ Nga năm ngoái (2023).
Các tên lửa này đã được chỉnh sửa để có thể tấn công các mục tiêu trên bộ. Kiev chưa chính thức xác nhận điều này nhưng một đại diện của chính phủ Ukraine có nói với kênh BBC Ukraine rằng công việc đó đang diễn ra: “Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi phải tìm ra lối thoát. Chúng tôi đã tìm thấy giải pháp với S-200 và dường như giải pháp này vận hành trơn tru cho tới nay”.
S-200 từng được chính thức loại biên tại Ukraine vào năm 2013.
Bên cạnh đó, quân đội Ukraine cũng tận dụng các UAV trinh sát Tu-141 Strizh đã được hiện đại hóa. Những UAV này có động cơ turbo, với tốc độ có thể lên tới khoảng 1.000km/h, giúp chúng lao nhanh như những quả đạn. Theo Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, những UAV này đã gây hư hỏng cho các máy bay ném bom tầm xa Tu-95 ở Engels vào năm 2023.
Tên lửa đạn đạo bí mật của Ukraine
Cuối tháng 8/2024, Tổng thống Ukraine Zelensky ca tụng vụ thử thành công tên lửa đạn đạo đầu tiên do Ukraine tự phát triển. Ông nhấn mạnh: “Ukraine cuối cùng cần phải đạt được mức độ độc lập cao nhất về quốc phòng”. Tuy nhiên, ông không nói rõ đó là loại tên lửa gì.
Lấy lý do bí mật, Bộ Quốc phòng Ukraine từ chối bình luận với DW về chương trình tên lửa này. Họ chỉ tiết lộ là ngân sách quốc gia có dành tiền cho chương trình đó.
Tuy nhiên, trước đó người ta có biết ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine phát triển một tên lửa đạn đạo kể từ năm 2006. Đây là tên lửa tầm ngắn mang tên Sapsan, với phần thân có đường kính 0,9m và tầm bắn là 500km. Tên lửa này còn được biết đến với cái tên xuất khẩu là Hrim-2. Ukraine được cho là đã sản xuất Hrim-2 đường kính 0,6m với tầm bắn 280km để xuất khẩu sang Saudi Arabia.
Từ khi nổ ra xung đột vũ trang với Nga, Ukaine không còn bình luận công khai về việc phát triển Sapsan, mặc dù Nga thường xuyên tuyên bố đã bắn hạ những quả Hrim-2 của Ukraine.
Frank Ledwidge - nhà phân tích quân sự Anh đồng thời là cựu sĩ quan tình báo quân đội Anh, nói với DW: “Ukraine chắc chắn có khả năng sản xuất đủ lượng rocket cần thiết cho cuộc đối đầu vũ trang với Nga. Quý vị không thể đánh giá thấp Ukraine về khía cạnh công nghệ này. Trước xung đột, họ đã chắc chắn nằm trong tốp 10 cường quốc không gian hàng đầu của thế giới, bởi vì họ có kiến thức chuyên môn về chế tạo tên lửa và những thứ tương tự. Để minh họa, có thể nêu một loại rocket ưa thích của tỷ phú Elon Musk là Zenith, được chế tạo tại Ukraine”.
Xem thêm:
>> Cách Nga bẻ gãy từng lớp phòng thủ của Ukraine quanh Pokrovsk
>> Nga phản kích lớn tại Kursk, quân Ukraine rơi vào thế nguy hiểm
>> Nhân tố có thể khiến xung đột Nga - Ukraine chấm dứt ngay trong năm 2025
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vov.vn
Tham gia bình luận