Hệ thống phòng không Skynex Đức chuyển giao cho Ukraine mạnh cỡ nào?

Hệ thống phòng không Skynex Đức chuyển giao cho Ukraine mạnh cỡ nào?

Lực lượng Ukraine đang chuẩn bị được gia tăng đáng kể về năng lực phòng không nhờ gói viện trợ quân sự mới nhất của Đức. Theo thỏa thuận viện trợ mà chính phủ Đức công bố vào tuần trước, nước này đã quyết định cung cấp hệ thống phòng không tầm ngắn Oerlikon Skynex, do tập đoàn Rheinmetall chế tạo cho Ukraine, dự kiến bàn giao vào đầu năm nay.

Cam kết này được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Zelensky hối thúc các đối tác phương Tây cung cấp thêm hệ thống phòng thủ và vũ khí khi Nga tăng cường các cuộc không kích trên khắp Ukraine. Ngoài hệ thống Skynex, gói viện trợ mới cũng bao gồm xe bọc thép Marder, xe tăng, pháo 155 mm và đạn dược nhỏ, thiết bị rà phá bom mìn và thiết bị bắc cầu, radar giám sát mặt đất, xe tải, súng trường tấn công, 30 hệ thống phát hiện tên lửa và máy bay không người lái cho hệ thống phòng không IRIS-T.

Sức mạnh của hệ thống phòng thủ Skynex

Skynex là một trong những hệ thống phòng không tầm ngắn mới nhất trên thế giới, ra mắt lần đầu tiên vào năm 2016. Đây là hệ thống pháo phòng không di động do Tập đoàn quốc phòng Rheinmetall của Đức chế tạo. Tất cả các bộ phận của hệ thống đều được đóng gói trong container và có thể dễ dàng được đưa tới tới các vị trí bắn trên mặt đất hoặc vận hành trực tiếp trên phương tiện vận chuyển.

Hệ thống Skynex sử dụng radar phát hiện và nhận biết tình huống Oerlikon X-TAR3D, có tầm hoạt động lên tới 50 km được liên kết thông qua một trạm chỉ huy trang bị hệ thống điều khiển và thông tin Oerlikon Skymaster, liên kết với 4 khẩu pháo chính Oerlikon Mk 3. Pháo chính Oerlikon sử dụng đạn AHEAD cỡ 35mm. Mỗi khẩu pháo có thể nạp 252 quả đạn, tốc độ bắn 1.000 phát/phút, tầm bắn tối đa 3,5km với các mục tiêu trên không và khoảng 5km với mục tiêu trên mặt đất.

Skynex có thể hoạt động độc lập hoặc kết nối chặt chẽ với các hệ thống phòng không khác, từ đó có thể phát hoặc tiếp nhận thông tin về mục tiêu, cho phép nó tích hợp vào cấu trúc phòng không chính của Ukraine.

Pháo Oerlikon được đặt trong các tháp pháo, bao gồm bệ pháo, thiết bị điều khiển hỏa lực dưới dạng ống ngắm quang học và radar. Việc thu thập thông tin và bắn hạ mục tiêu được thực hiện tự động bằng bộ xử lý hỏa lực tích hợp. Hệ thống có thể được điều khiển từ xa từ bất kỳ vị trí nào, sử dụng giải pháp quản lý, chỉ huy và điều khiển linh hoạt dựa trên hệ thống quản lý chiến đấu Oerlikon Skymaster.

Theo nhà sản xuất, Skynex có hiệu quả trong việc chống lại máy bay trực thăng, tên lửa hành trình, tên lửa chống radar hay chống hạm, các phương tiện bay không người lái. Skynex có thể sử dụng nhiều loại tên lửa đối không khác nhau như ROSAM (tầm bắn 6km) hay AIM-9X Sidewinder (tầm bắn 35km). Radar X-TAR3D có thể phát hiện, theo dõi và phân loại các mục tiêu trên không trong phạm vi từ 20 đến 50km.

Việc sử dụng rộng rãi phương tiện bay không người lái trong các cuộc chiến tranh và xung đột hiện đã buộc quân đội nhiều nước trên thế giới phải tìm kiếm những cách thức hợp lý và tiết kiệm chi phí để chống lại chúng. Theo nhà sản xuất, Oerlikon Skynex sử dụng một trong những loại đạn được thiết kế đặc biệt để chống lại các máy bay không người lái lớn như UAV Shahed-136 của Iran và máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) nhỏ hơn. Đạn AHEAD có hiệu quả và tính sát thương cao, được lập trình để tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách tối ưu, được đo bằng máy đo khoảng cách laser tích hợp. Mỗi quả đạn AHEAD chứa 152 viên đạn vonfram.

Khi đạt đến tầm bắn dự đoán, AHEAD sẽ phóng ra cụm đạn phụ vonfram khí động học tạo thành một “đám mây” hình nón sẽ phá hủy bề mặt của mục tiêu và các bộ phận quan trọng khác. Điều này làm tăng đáng kể hiệu quả của hỏa lực và giảm tỷ lệ sử dụng đạn dược.

Với những tính năng ưu việt như vậy, Skynex sẽ cung cấp khả năng bảo vệ hữu hiệu cho các cơ sở hạ tầng năng lượng và chiến lược quan trọng.

So sánh với hệ thống Patriot

Skynex được cho là có tính linh hoạt hơn và giá cả cũng phải chăng hơn so với hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất. Trong khi Patriot có giá khoảng 1,1 tỷ USD mỗi hệ thống, thì Đức đã ký hợp đồng mua 2 hệ thống Skynex với giá chỉ 200 triệu USD.

“Ngoài tính linh hoạt, Skynex cũng hiệu quả hơn khi chống lại các mục tiêu nhỏ, chuyển động nhanh, chẳng hạn như máy bay không người lái. Hiện giờ, trên chiến trường Ukraine có rất nhiều máy bay không người lái”, chuyên gia quân sự Mỹ Guy McCardle nhận định.

Skynex đặc biệt phát huy tác dụng khi chống lại máy bay không người lái bầy đàn, nhờ loại đạn dược có khả năng tấn công và sát thương cao như AHEAD. Tuy vậy, Patriot lại có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm xa tốt hơn. Nga được cho là đang sắp cạn kiệt kho dự trữ tên lửa đạn đạo tầm xa.

Đáng chú ý, Skynex có thể phối hợp với các hệ thống phòng không khác như các tổ hợp Skyguard và Skyshield hiện do Rheinmetall sản xuất. Ngoài ra, hệ thống cũng có thể được sử dụng kết hợp với tổ hợp Patriot.

“Sự kết hợp giữa các hệ thống phòng không, chẳng hạn như Skynex và Patriot, cung cấp một mạng lưới bảo vệ rộng rãi chống lại các mối đe dọa trên không nhỏ như máy bay không người lái và những mối đe dọa lớn hơn như tên lửa đạn đạo dẫn đường”, chuyên gia Guy McCardle  đề cập đến cách Skynex có thể tăng cường năng lực quân sự của Ukraine.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận