Hệ thống Vòm sắt Israel hoạt động ra sao trong cuộc tấn công của Hamas?

Hệ thống Vòm sắt Israel hoạt động ra sao trong cuộc tấn công của Hamas?

Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel được đánh giá là một trong những hệ thống tốt nhất thế giới, nhưng nó dường như đã không thể vô hiệu hóa hoàn toàn cuộc tấn công tên lửa của Hamas hôm 7/10.

Nhược điểm của hệ thống Vòm Sắt

Bình luận về hiệu quả của hệ thống Vòm Sắt, nhà sử học quân sự và Giám đốc Bảo tàng Lực lượng Phòng không Nga, Yuri Knutov cho hay, mặc dù đây là một hệ thống phòng không tiên tiến và tinh vi nhưng nó cũng có những nhược điểm có thể bị đối phương khai thác.

Đầu tiên, một khẩu đội Vòm Sắt chỉ có thể bảo vệ một khu vực tương đối nhỏ, khoảng 150km2. Thứ hai, Vòm Sắt cực kỳ hiệu quả khi đối phó với một số lượng ít các mục tiêu đang lao tới, tất cả đều tiếp cận từ cùng một hướng.

“Trong trường hợp có một cuộc tấn công dữ dội hơn, với ít nhất khoảng 100 quả tên lửa, Vòm Sắt thường không hiệu quả như kỳ vọng và có tới 90% số tên lửa vượt qua nó và tấn công các mục tiêu đã định”, ông Knutov nêu quan điểm.

Nhà sử học người Nga cho rằng các chiến binh Hamas đã cố tình phóng nhiều loạt tên lửa từ nhiều hướng khác nhau để áp đảo hệ thống Vòm Sắt của Israel.

“Khi hệ thống Vòm Sắt chặn loạt đạn đầu tiên, nó không thể đối phó với loạt đạn thứ hai được bắn sau loạt đạn đầu tiên gần một phút. Do đó, tên lửa từ loạt thứ hai, thứ ba và thứ tư sẽ tiếp cận mục tiêu của chúng mà không bị cản trở” ông nói, đồng thời lập luận rằng chiến thuật này về cơ bản tận dụng “lỗ hổng” của Vòm Sắt.

Hơn nữa, một tên lửa đánh chặn của Vòm Sắt có giá ít nhất 20.000 USD trong khi tên lửa mà Hamas sử dụng – mối đe dọa mà các hệ thống Vòm Sắt thường xuyên phải đối phó - chỉ có giá khoảng 2.000-3.000 USD mỗi quả.

Dù vậy, ông Knutov đánh giá cao khả năng của đơn vị radar của Vòm Sắt và tên lửa đánh chặn mà hệ thống phòng không này sử dụng, cho rằng cả 2 đều “khá thú vị”.

Ông cũng lưu ý rằng, Vòm Sắt có thể xác định liệu một tên lửa đang bay tới có gây ra mối đe dọa cho khu vực đông dân cư hoặc cơ sở quân sự hay không và tránh lãng phí đạn vào một quả đạn có thể rơi xuống khu vực hoang vắng.

Chiến thuật tấn công áp đảo khiến Vòm Sắt bị quá tải

Được nhà thầu quốc phòng Rafael Advanced Defense Systems của Israel phát triển vào cuối những năm 2000, Vòm Sắt được triển khai lần đầu tiên vào năm 2011 và kể từ đó được Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tích cực sử dụng để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa.

 

Vòm Sắt được thiết kế để đánh chặn và tiêu diệt tên lửa đạn đạo và đạn pháo bắn từ khoảng cách 4-70 km. Một khẩu đội Vòm Sắt thường bao gồm một vài đơn vị phóng (mỗi đơn vị có khoảng 20 tên lửa đánh chặn), một đơn vị radar và một đơn vị điều khiển.

Quân đội Israel cho biết 90% tên lửa bay tới không phận Israel đã bị Vòm Sắt phá hủy, tuy nhiên, còn 10% đã vượt qua nó.

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng số lượng lớn đạn pháo, rocket bắn vào Israel có thể khiến hệ thống Vòm Sắt bị quá tải.

Trong nhiều năm, Hamas đã cố gắng tìm ra điểm yếu trong hệ thống Vòm Sắt. Trong cuộc tấn công mới nhất, lực lượng này đã áp đảo Vòm Sắt bằng một cuộc tấn công tên lửa Salvo (nhiều tên lửa được phóng trong một khoảng thời gian ngắn), khiến hệ thống này không thể đánh chặn tất cả các mục tiêu.

Đại sứ Israel tại Mỹ Michael Herzog ngày 8/10 cho hay, lực lượng Hamas đã bắn hơn 4.000 quả rocket vào Israel, nhiều hơn số lượng họ đã bắn trong 10 ngày của đợt xung đột hai năm trước.

Trong khi đó, phía Hamas nói rằng, hơn 5.000 tên lửa và đạn pháo đã được bắn đi trong khoảng 20 phút.

Việc Hamas ồ ạt phóng tên lửa và bắn đạn pháo trong khoảng thời gian ngắn dẫn đến việc hệ thống Vòm Sắt bị choáng ngợp sau khi xả hết đạn trong loạt bắn chặn đầu tiên và để mở hệ thống phòng thủ khi bắt đầu nạp loạt đạn tiếp theo. Do vậy, nhiều tên lửa của Hamas đã bắn trúng mục tiêu.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận