ICBM 'nguy hiểm nhất thế giới' của Nga sẵn sàng chiến đấu

ICBM 'nguy hiểm nhất thế giới' của Nga sẵn sàng chiến đấu

Ngày 2/9, Giám đốc cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga, ông Yury Borisov cho biết tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat, được mệnh danh là “tên lửa nguy hiểm nhất thế giới” đã được đưa vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Quyết định này được đưa ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin từng thông báo vào tháng 6/2023 rằng Nga sẽ sớm triển khai hệ thống tên lửa này, đây là loại tên lửa mà nhà lãnh đạo Nga mô tả là "siêu vũ khí" và khiến đối phương phải "suy nghĩ thật kỹ trước khi hành động".

Trước đó, vào tháng 4/2022, Giám đốc điều hành của Roscosmos tuyên bố, Nga đã thử nghiệm thành công tên lửa Sarmat. Đây là lần đầu tiên Nga phóng thử tên lửa Sarmat hoàn chỉnh với tầm bắn tối đa, trong khi các cuộc thử nghiệm trước đây chỉ nhằm kiểm tra một phần tên lửa.

Đến tháng 11/2022, Nga thông báo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat đã được đưa vào sản xuất hàng loạt. Ngày 21/6/2023, Tổng thống Vladimir Putin cho biết tổ hợp chiến lược Sarmat sẽ sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu “trong tương lai gần”. 

Tên lửa RS-28 Sarmat.

Tên lửa RS-28 Sarmat.

RS-28 Sarmat là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được thiết kế để thay thế hệ thống ICBM R-36M2 Voyevoda hoạt động từ năm 1988. RS-28 Sarmat đóng vai trò là thành phần quan trọng trong hệ thống răn đe chiến lược của Nga.

RS-28 Sarmat, được NATO định danh là “Satan 2”, là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nổi tiếng nhất của Nga. Tên lửa có chiều dài 36 m, đường kính 3 m, trọng lượng 208,1 tấn, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn lên đến 18.000 km RS-28 có thể vươn tới mọi nơi trên Trái đất.

RS-28 Sarmat có thể mang đồng thời 15 đầu đạn hạt nhân, các đầu đạn có tốc độ tối đa 24.900 km/h, sử dụng hệ thống dẫn đường độc lập để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, cũng như có thể tự chuyển hướng trong quá trình bay, kèm theo nhiều loại mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng không đối phương.

Tên lửa RS-28 Sarmat nổi bật nhờ tốc độ và tầm bắn vượt trội, độ chính xác cao, có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương và rất khó bị đánh chặn.

Các chuyên gia quân sự nhấn mạnh thêm, RS-28 Sarmat có khả năng bay lên với vận tốc rất lớn, rút ngắn thời gian bị các vệ tinh có cảm biến hồng ngoại của đối phương theo dõi, khiến cho đối phương có ít thời gian phản ứng.

Ban đầu, Moskva đã đề ra kế hoạch hoàn thành các cuộc thử nghiệm tên lửa Sarmat vào năm 2021, với mục tiêu sau đó là nhanh chóng đưa nó vào trong biên chế của quân đội Nga. Tuy nhiên, một số vụ phóng thử nghiệm, đặc biệt là quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối đã bị trì hoãn cho đến năm 2022. 

Tên lửa Sarmat rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Plesetsk.

Tên lửa Sarmat rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Plesetsk.

Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng, RS-28 Sarmat sẽ tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của lực lượng hạt nhân chiến lược. Giới chuyên gia nhận định, một khi Sarmat được triển khai, hệ thống này sẽ trở thành một lá chắn đáng tin cậy cho Nga trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, việc đưa RS-28 Sarmat vào hoạt động đã làm gia tăng sự chênh lệch giữa lực lượng tên lửa chiến lược của Nga và Mỹ. Sự phát triển này đã khiến kho vũ khí tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ bị tụt hậu đáng kể, vì nó chủ yếu được cấu thành từ các tên lửa Minuteman III đã cũ và tương đối thô sơ, có từ những năm 1970. 

Tiềm năng hủy diệt của một tên lửa RS-28 Sarmat là vô cùng lớn, nó có thể tàn phá một khu vực có diện tích tương đương nước Pháp hoặc bang Texas của Mỹ. Với khả năng như vậy, RS-28 Sarmat thực sự là vũ khí răn đe quan trọng của Nga, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng với NATO như hiện nay.

Lê Hưng(Nguồn: Bulgarian Military)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận