Khám phá xe tăng hiện đại mới của Triều Tiên

Khám phá xe tăng hiện đại mới của Triều Tiên

Chú thích ảnh
Xe tăng của Triều Tiên trong cuộc diễn tập kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Triều Tiên mới đây đã trình làng xe tăng chiến đấu chủ lực M2024, phiên bản nâng cấp so với M2020 trước đó, trong cuộc diễn tập hiệp đồng chiến đấu giữa xe tăng và các đơn vị cơ giới của quân đội nước này. Xe tăng chiến đấu chủ lực M2024 được tích hợp một số tính năng nhằm nâng cao khả năng hoạt động, đồng thời cho thấy nguyên tắc thiết kế xe tăng của Triều Tiên.

Hiện tại, xe tăng mới của Triều Tiên chưa có tên chính thức nên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng kí hiệu chung. Phiên bản đầu tiên của chiếc xe tăng này, M2020, lần đầu được tiết lộ vào tháng 10/2020 trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (WPK).

Sau đó, Triều Tiên tăng tốc sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực mới. Nhà máy xe tăng Kusong ở Triều Tiên đã tăng gấp đôi quy mô khi có thêm xưởng sản xuất mới và các cơ sở sản xuất từ tháng 10/2022 đến tháng 6/2023.

Tháp pháo của M2024 được thiết kế lại một chút so với M2020, có vẻ rất giống với tháp pháo xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ. M2024 được trang bị 21 khối giáp phản ứng nổ (ERA) ở phía trước, nhằm chống lại tác động của đạn, tên lửa tấn công. Bên cạnh đó, M2024 có 6 súng phóng lựu khói được thiết kế để tạo ra màn khói, có khả năng ngụy trang xe tăng khỏi tầm quan sát của đối phương.

Ngoài ra, có một lỗ đáng chú ý ở phía bên trái của tháp pháo, được cho là dùng để bố trí thiết bị quan sát. Tháp pháo cũng bao gồm hai hộp hình chữ nhật giống các bộ phận của hệ thống bảo vệ chủ động (APS), thường được sử dụng để chặn đạn, tên lửa đang bay tới trước khi chúng chạm vào xe tăng.

Phía bên phải của tháp pháo được lắp bệ phóng cho hai tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM), có khả năng xoay tròn giống như bệ phóng TOW trên xe Bradley của Mỹ, cho thấy khả năng tấn công các loại mục tiêu khác nhau mà các nhà quan sát tin là Tên lửa Bulsae-3 - bản sao của tên lửa chống tăng Kornet do Nga sản xuất.

Đỉnh tháp pháo được trang bị thiết bị khí tượng, có lẽ là máy đo gió, cùng với hai ăng-ten để liên lạc và hai hệ thống quan sát nhằm tăng cường khả năng giám sát chiến trường.

M2024 dường như có kíp lái 3 người, trong đó người lái ngồi ở chính giữa phía trước thân xe tăng cùng với 1 chỉ huy và 1 kíp thủ. Vũ khí chính của xe tăng (nòng pháo) rất giống với loại 125mm do Liên Xô sản xuất và có thể là phiên bản của pháo nòng trơn 2A46 thời Liên Xô.

Giống như xe tăng M2020, vũ khí thứ hai của M2024 bao gồm một súng máy đồng trục 7,62 mm gắn bên trái vũ khí chính. Hai bên thân xe tăng, trông giống xe tăng T-14 Armata của Nga, mỗi bên có 10 khối ERA. Mặt trước xe tăng gồm hai kính tiềm vọng, giúp nâng cao tầm nhìn của người lái. Phía sau thân xe tăng có hai lưới tản nhiệt lớn để tản nhiệt động cơ.

Lớp bảo vệ của M2024 còn bao gồm tấm lưới sắt ở phía sau tháp pháo và hai bên, tương tự như một số xe tăng mới nhất của Nga, giúp tăng cường khả năng bảo vệ, đặc biệt là chống lại vũ khí bộ binh chống tăng.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận