Kinh tế Nga vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây

Kinh tế Nga vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga dự kiến tăng 2,8% trong năm nay – Đó là con số vừa được Bộ Ngoại giao đưa ra cuối tuần vừa qua cho thấy các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào nước này đã không thể phát huy tác dụng như mong muốn. Các chuyên gia kinh tế lạc quan rằng, nếu kinh tế Nga đạt được con số này thì sự phục hồi hoàn toàn của nước này có thể xảy ra trong tương lai gần.

Theo Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, con số này gấp đôi so với dự báo tăng trưởng được đưa ra hồi tháng 4 và  vượt ngoài kỳ vọng của giới chức Nga. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga hai lần trong năm nay.

Hiện IMF dự đoán GDP của Nga sẽ tăng 2,2% vào năm nay, tăng mạnh so với mức dự đoán vào tháng 4 là 0,7% và dự đoán vào tháng 7 là 1,5%.

Các chuyên gia nhận định, các yếu tố giúp kinh tế Nga có thể vượt qua được các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất của phương Tây là do Nga vẫn đảm bảo vận hành các hoạt động kinh tế được thông suốt. Trong đó đáng chú ý, là các hoạt động xuất khẩu trung chuyển vẫn đà tăng trưởng. Theo một báo cáo mới đây tại 3 cảng lớn nhất của Nga, hoạt động thương mại đang đạt tăng trưởng gần mức trước xung đột.

Chính phủ Nga cũng đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp sản xuất nội địa. Các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt của Nga đã bắt đầu tăng trưởng trở lại từ tháng 3 năm nay sau 11 tháng giảm liên tiếp. Nga vẫn tiếp tục tăng doanh thu từ dầu khí với giá bán cao hơn mức giá trần áp đặt của phương Tây.  Hãng tin Reuter ước tính, doanh thu từ dầu khí của Nga tăng lên xấp xỉ 733 tỷ rúp (tương đương 7,6 tỷ đôla) trong tháng 9/2023, tăng 9% so với tháng 8.

Để giải quyết vấn đề khó khăn nhất hiện nay là lạm phát, Ngân hàng Trung ương Nga đã áp dụng các biện pháp manh, trong đó có những đợt tăng lãi xuất liên tiếp.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina  cho biết: "Chúng tôi quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 15% mỗi năm. Chúng tôi cũng áp dụng việc thắt chặt chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế để tăng tiết kiệm và sự hạ nhiệt hoạt động cho vay. Tăng trưởng GDP trong quý 3 cao hơn dự kiến. Động lực chính là nhu cầu đầu tư, phần lớn được thúc đẩy bởi chi tiêu ngân sách. Trong đó nguồn tài chính tập trung vào các ngành sản xuất đang tăng trưởng với tốc độ nhanh. Để giữ chân hoặc thu hút nhân lực, các công ty tăng lương, sau đó tất yếu lại tăng giá để bù đắp chi phí tăng lương. Chính vì vậy, để ngăn chặn vòng xoáy lạm phát, chúng tôi  cần giữ lãi suất cao hơn để ổn định  nền kinh tế"

Bên cạnh điều chỉnh các chính sách nội tại, Nga cũng tìm cách xoay trục sang các mối quan hệ Nam – Nam để bù đắp sự thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Hiện Nga là quốc gia chịu nhiều lệnh áp đặt trừng phạt nhất trên thế giới. Hơn 13.000 hạn chế được áp đặt - nhiều hơn số biện pháp trừng phạt áp đặt với Iran, Cuba và Triều Tiên cộng lại. Tuy nhiên, GDP của Nga chỉ giảm 2,1% vào năm ngoái. Kém hiệu quả, đó là điều mà Điện Kremlin có thể dùng để mô tả về các biện pháp trừng phạt đó.

Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov khẳng định:“Mỹ và EU đang  thiếu ý tưởng về các biện pháp trừng phạt. Họ nên hiểu rằng các gói trừng phạt hiện tại làm tổn hại đến lợi ích không chỉ riêng của Nga và  tất cả các quốc gia. Đó là lý do tại sao họ gặp khó khăn trong việc xây dựng gói trừng phạt mới. Nhưng chúng tôi không ngần ngại và không đeo kính màuhồng. Áp lực trừng phạt chắc chắn sẽ tiếp tục và sẽ gia tăng. Song bù lại, nền kinh tế của chúng tôi đã thích ứng khá tốt với những điều kiện khắc nghiệt này. Hơn nữa chúng tôi đang cố gắng vượt qua nó và ở một khía cạnh nào đó chúng tôi đã thành công”.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thay đổi hoàn toàn phương thức hoạt động của nền kinh tế Nga, nhưng không hẳn theo chiều hướng tiêu cực nhất. Trước khi xung đột với Ukraine xảy ra, chính sách kinh tế của Nga nhìn chung hướng tới phát triển công nghệ, đa dạng hóa xuất khẩu và tương đối tự do về vốn.  

Hiện nay thay vì điều này, Chính phủ Nga kiểm soát vốn, phân chia các quốc gia thành thân thiện và không thân thiện. Điều đó giúp Nga có thể vượt qua được cú sốc của suy thoái trong dài hạn. Chỉ vài tháng trước, nhiều chuyên gia nhận định, nếu GDP của Nga vượt qua 2,5% trong năm nay, nền kinh tế Nga sẽ có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2025.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận