Trung Quốc sắp có tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân

Trung Quốc sắp có tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân

Chú thích ảnh
Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo một phân tích mới về hình ảnh vệ tinh và tài liệu của chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh đã xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nguyên mẫu trên đất liền cho tàu chiến mặt nước cỡ lớn. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang tiến gần hơn tới việc sản xuất tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên.

Hải quân Trung Quốc hiện đã là lực lượng lớn nhất thế giới về số lượng và đang được hiện đại hóa nhanh chóng. Việc bổ sung tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân vào hạm đội sẽ là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện tham vọng xây dựng lực lượng "hải quân viễn dương" thực sự, có khả năng hoạt động ở vùng biển xa Trung Quốc, tạo ra thách thức ngày càng lớn đối với Mỹ.

Ông Tong Zhao, nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Washington, D.C nhận định tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ đưa Trung Quốc vào hàng ngũ các cường quốc hải quân hạng nhất, một nhóm hiện chỉ giới hạn gồm Mỹ và Pháp. Ông cho rằng, đối với lãnh đạo Trung Quốc, sự phát triển này sẽ tượng trưng cho uy tín quốc gia, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc trong nước và nâng cao hình ảnh toàn cầu của đất nước như một cường quốc hàng đầu.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California cho biết họ đã phát hiện ra điều này khi điều tra một địa điểm trên núi bên ngoài thành phố Lạc Sơn ở tỉnh Tứ Xuyên, phía tây Nam Trung Quốc. Ban đầu họ nghi ngờ Trung Quốc đang xây dựng một lò phản ứng để sản xuất phóng xạ hoặc đồng vị phóng xạ cho vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, họ kết luận rằng Trung Quốc đang xây dựng một lò phản ứng nguyên mẫu cho tàu chiến cỡ lớn. Dự án ở Lạc Sơn được đặt tên là Dự án Long Vệ (Sức mạnh Rồng) và còn được gọi là Dự án Phát triển Năng lượng Hạt nhân.

Từ lâu đã có tin đồn Trung Quốc đang lên kế hoạch đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng nghiên cứu của nhóm Middlebury là nghiên cứu đầu tiên xác nhận Trung Quốc đang phát triển hệ thống đẩy hạt nhân cho tàu chiến mặt nước cỡ tàu sân bay.

Jeffrey Lewis, giáo sư tại Middlebury và một trong những nhà nghiên cứu của dự án, cho biết lò phản ứng nguyên mẫu ở Lạc Sơn là bằng chứng chắc chắn đầu tiên cho thấy Trung Quốc thực sự đang phát triển tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và Trung Quốc có vẻ sẽ “sớm gia nhập các nước sở hữu và vận hành loại tàu này".

Dựa trên hình ảnh vệ tinh và tài liệu công khai bao gồm hồ sơ đấu thầu dự án, hồ sơ nhân sự, nghiên cứu tác động môi trường - và thậm chí cả đơn khiếu nại của người dân về tiếng ồn xây dựng và bụi quá mức - họ kết luận một lò phản ứng nguyên mẫu cho động cơ hải quân đang được xây dựng tại vùng núi thuộc thị trấn Mục Thành, cách thủ phủ Thành Đô của Tứ Xuyên khoảng 112 km về phía tây nam.

Theo phân tích, lò phản ứng này, mà tài liệu đấu thầu cho thấy sẽ sớm đi vào hoạt động, được đặt trong một cơ sở mới xây dựng tại địa điểm được gọi là Căn cứ 909. Nơi đây có sáu lò phản ứng khác đang hoạt động, đã ngừng hoạt động hoặc đang xây dựng. Địa điểm này nằm dưới sự kiểm soát của Viện Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc, một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, chuyên nghiên cứu và thử nghiệm lò phản ứng.

Các tài liệu cho thấy Viện 701 của Trung Quốc, tên chính thức là Trung tâm Nghiên cứu và Thiết kế Tàu Trung Quốc, đơn vị phụ trách phát triển tàu sân bay, đã mua thiết bị lò phản ứng "dự định lắp đặt trên tàu chiến mặt nước cỡ lớn" trong khuôn khổ Dự án Phát triển Năng lượng Hạt nhân. Cùng với "chỉ định quốc phòng" của dự án, điều này dẫn đến kết luận rằng lò phản ứng cỡ lớn này là nguyên mẫu cho tàu sân bay thế hệ tiếp theo.

Theo các nhà nghiên cứu, hình ảnh vệ tinh từ năm 2020 đến 2023 cho thấy việc phá dỡ nhà cửa và xây dựng cơ sở hạ tầng lấy nước kết nối với địa điểm lò phản ứng. Các hợp đồng về máy phát hơi nước và bơm tuabin cho thấy dự án liên quan đến lò phản ứng nước áp lực với mạch thứ cấp - một cấu hình phù hợp với lò phản ứng động cơ hải quân. Bên cạnh đó, một báo cáo tác động môi trường gọi Dự án Long Vệ là dự án xây dựng liên quan đến quốc phòng và được phân loại "bí mật".

Các nhà nghiên cứu cho rằng Dự án Phát triển Năng lượng Hạt nhân “chắc chắn đề cập đến nỗ lực phát triển tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân". Tuy nhiên, nghiên cứu không đưa ra manh mối về thời điểm tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc có thể được đóng và đi vào hoạt động.

Ông Sarah Laderman, nhà phân tích cao cấp tại Open Nuclear Network, một chương trình của tổ chức phi chính phủ PAX sapiens của Mỹ, cho biết các phát hiện được thực hiện cẩn thận và nghiên cứu kỹ lưỡng. Với những bằng chứng được phát hiện, ông nhận định Trung Quốc dường như đang tiến tới việc xây dựng hệ thống đẩy hạt nhân cho tàu chiến mặt nước (có thể là tàu sân bay). 

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được đưa vào sử dụng năm 2012, là một tàu Liên Xô được cải tạo, và chiếc thứ hai được đóng tại Trung Quốc nhưng dựa trên thiết kế của Liên Xô. Cả hai tàu - được đặt tên là Liêu Ninh và Sơn Đông - đều sử dụng phương pháp phóng kiểu "nhảy cầu", với một đường dốc ở cuối đường băng ngắn để giúp máy bay cất cánh.

Type 003 Phúc Kiến, được hạ thủy năm 2022, là tàu sân bay thứ ba của nước này và là tàu đầu tiên được thiết kế và đóng hoàn toàn trong nước. Nó sử dụng hệ thống phóng điện từ giống như những hệ thống được Hải quân Mỹ phát triển và sử dụng. Cả ba tàu sân bay đều chạy bằng động cơ thông thường.

Phúc Kiến thậm chí chưa bắt đầu thử nghiệm trên biển vào tháng 3 khi Viên Hóa Trí, chính ủy Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), xác nhận việc đóng tàu sân bay thứ tư. Khi được hỏi liệu nó có chạy bằng năng lượng hạt nhân hay không, ông nói lúc đó rằng điều này "sẽ sớm được công bố," nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức nào được đưa ra.

Đã có suy đoán rằng Trung Quốc có thể bắt đầu sản xuất cùng lúc hai tàu sân bay mới - một chiếc thuộc Type 003 giống Phúc Kiến và một chiếc thuộc Type 004 chạy bằng năng lượng hạt nhân - điều mà họ chưa từng thử trước đây nhưng các xưởng đóng tàu của họ có đủ năng lực thực hiện.

Matthew Funaiole, nghiên cứu viên cao cấp tại Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nghi ngờ tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Thay vào đó, ông cho rằng tàu sân bay thứ tư của Hải quân PLA sẽ tập trung vào việc tối ưu hóa thiết kế hiện có của tàu sân bay Phúc Kiến với "những cải tiến từng bước".

Ông Nick Childs, nghiên cứu viên cấp cao về lực lượng hải quân và an ninh hàng hải tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết Trung Quốc "đã có cách tiếp cận từng bước trong quá trình phát triển tàu sân bay với một số tham vọng sẽ phát triển theo thời gian".

Ông Childs đồng thời nhận định phải mất nhiều năm để đóng một tàu sân bay và đưa vào hoạt động, nhưng việc phát triển hệ thống đẩy hạt nhân cho thế hệ tàu chiến tiếp theo cuối cùng sẽ giúp Trung Quốc có thêm sức mạnh để vận hành các hệ thống tiên tiến, chẳng hạn như bệ phóng điện từ, radar và vũ khí công nghệ mới. Việc bổ sung năng lượng hạt nhân sẽ là bước tiến đáng kể trong quá trình phát triển tàu sân bay của Trung Quốc với một con tàu tương đương với tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Hải quân PLA hiện là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với hơn 370 tàu chiến và tàu ngầm. Quốc gia này cũng tự hào về năng lực đóng tàu mạnh mẽ: các xưởng đóng tàu của Trung Quốc đang đóng hàng trăm tàu mỗi năm, trong khi Mỹ chỉ đóng năm tàu hoặc ít hơn.

Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc tụt hậu so với Hải quân Mỹ ở nhiều khía cạnh. Trong số những lợi thế khác, Mỹ hiện có 11 tàu sân bay, tất cả đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, cho phép họ duy trì nhiều nhóm tấn công được triển khai trên khắp thế giới mọi lúc, bao gồm cả ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng Lầu Năm Góc ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc hiện đại hóa hạm đội một cách nhanh chóng, bao gồm cả việc thiết kế và đóng tàu sân bay mới.
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận