Lầu Năm Góc thông báo ngày 21/10 rằng, Mỹ đã triển khai các hệ thống phòng không tầm cao và tầm trung mới tới Trung Đông, báo cáo này được đưa ra 14 ngày sau khi bùng phát các cuộc xung đột toàn diện giữa Israel với nhóm dân quân Palestine và đảng chính trị Hamas.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố quân đội đã “kích hoạt việc triển khai khẩu đội phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cũng như các tiểu đoàn Patriot bổ sung”, tại một số địa điểm không được tiết lộ ở Trung Đông để tăng cường bảo vệ lực lượng Mỹ.
Hành động của Mỹ
Quyết định này được đưa ra sau “các cuộc thảo luận chi tiết” với Tổng thống Mỹ Joe Biden “về những leo thang gần đây của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này trên khắp Trung Đông”. Đây được xem là nỗ lực toàn diện nhằm cung cấp sự hỗ trợ lớn hơn cho Israel, trong khi các lực lượng tiếp theo của Mỹ cũng đã được lệnh sẵn sàng triển khai “như một phần của kế hoạch dự phòng thận trọng”.
Mỹ ồ ạt mở rộng hiện diện quân sự trong khu vực chỉ mười ngày sau khi bùng nổ chiến sự, bao gồm việc triển khai hai nhóm tấn công tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Lực lượng phản ứng nhanh trên biển cũng được huy động đến khu vực cùng với máy bay tấn công A-10 và máy bay chiến đấu F-15E. Máy bay ném bom B-1B cũng được triển khai tới Vương quốc Anh, với phạm vi hoạt động lên tới 9.400km, đủ để tiếp cận các mục tiêu tại Trung Đông một cách nhanh chóng.
Lực lượng phòng không của Israel đã phải đối mặt với áp lực lớn chưa từng có sau khi bị Hamas tấn công và luôn trong tình trạng căng thẳng suốt hai tuần qua. Quân đội Mỹ phải bổ sung thêm tên lửa đất đối không cho hệ thống Vòm Sắt và tặng hai đơn vị Vòm Sắt duy nhất của nước này cho Lực lượng Phòng vệ Israel.
Sự lo ngại này là cần thiết, bởi hệ thống pháo tên lửa được Hamas sử dụng vẫn còn rất hạn chế về năng lực nhưng cũng gây ra thiệt hại lớn cho Israel. Trong khi đó, phía Israel cũng lo ngại về khả năng đụng độọ với nhóm bán quân sự Hezbollah và các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn, những lực lượng này có khả năng chiến đấu mạnh hơn rất nhiều so với Hamas, đặc biệt là họ sở hữu nhiều loại tên lửa hiện đại.
Không chỉ riêng Israel, các cơ sở quân sự của Mỹ ở Syria và Iraq cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng do các cuộc tấn công lẻ tẻ được tiến hành bởi các nhóm dân quân địa phương, nhiều nhóm trong số đó cũng có quan hệ với Iran hoặc Hezbollah. Nhiều chuyên gia dự đoán về khả năng xảy ra một cuộc chiến với phạm vi rộng lớn hơn, điều này sẽ khiến Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cùng tham chiến để chống lại Iran và các đồng minh, đồng thời khi đó các căn cứ của Mỹ trong khu vực cũng sẽ phải hứng chịu các cuộc tấn công với quy mô lớn hơn nhiều.
Một ví dụ điển hình, Iran đã tiến hành các cuộc tấn công hạn chế nhằm vào một cơ sở quân sự của Mỹ ở Iraq vào ngày 8/1/2020, để trả đũa việc CIA ám sát tướng Qasem Solemani, cuộc tấn công này đã khiến 109 người Mỹ thương vong.
Mối lo từ tên lửa của Iran
Hệ thống THAAD được thiết kế đặc biệt để chống lại các tên lửa đạn đạo tầm cao như Khorramshahr và Shahab-3 của Iran, trong khi Patriot được tối ưu hóa với vai trò đánh chặn các mục tiêu bay ở độ cao thấp hơn như những tên lửa có trong kho vũ khí của Hezbollah và Syria.
Các chuyên gia quân sự chỉ ra rằng, Iran đã xây dựng được một lực lượng tên lửa hùng mạnh là nhờ sự hỗ trợ của Triều Tiên. Từ đầu những năm 1980, Triều Tiên và Iran đã bắt đầu kí kết các thỏa thuận xuất khẩu tên lửa, sau đó là tiến hành chuyển giao công nghệ và giấy phép chế tạo tên lửa cho Iran.
Hiện tại, không quốc gia nào ở Trung Đông sở hữu những hệ thống tên lửa có thể so sánh với KN-23 của Triều Tiên hoặc Iskander của Nga, đây là những tên lửa đạn đạo chiến thuật sử dụng quỹ bay bán đạn đạo bất thường, khiến chúng gần như không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống như THAAD và Patriot.
Tuy nhiên, Iran cũng đã phát triển một loạt các biện pháp cải tiến cần thiết để tăng khả năng sống sót cho những tên lửa của mình. Vào tháng 6/2023 vừa qua, nước này cũng đã công bố tên lửa đạn đạo đầu tiên tích hợp phương tiện lướt siêu thanh, loại tên lửa này rất giống với tên lửa siêu thanh của Triều Tiên.
Những vũ khí mới này, kết hợp với số lượng tên lửa khổng lồ trong kho của Iran và các đồng minh của họ được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các lực lượng Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Bên cạnh đó là sự thiếu tin cậy của hệ thống Patriot, minh chứng rõ nét nhất là trên chiến trường Ukraine, những điều này cho thấy rằng Mỹ và các đồng minh đang ngày càng gặp khó khi tiếp tục hiện diện tại khu vực nóng bỏng này.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vtc.vn
Tham gia bình luận