Cách Ukraine biến tiêm kích huấn luyện thời Liên Xô thành chiến đấu cơ đáng gờm

Cách Ukraine biến tiêm kích huấn luyện thời Liên Xô thành chiến đấu cơ đáng gờm

MiG-29UB đảm nhận vai trò mới

Một số báo cáo cho biết, những chiếc máy bay hai chỗ ngồi này, trước đây được từng sử dụng để huấn luyện phi công, đã tham gia vào các nhiệm vụ chiến đấu tích cực trên khắp không phận Ukraine. Việc chuyển đổi này cho thấy sự linh hoạt của Ukraine trong việc tận dụng tối đa các tài sản không quân hạn chế, trong bối cảnh Nga tăng cường tấn công và phương Tây chậm trễ chuyển giao viện trợ quân sự.

Việc chuyển đổi từ máy bay huấn luyện sang máy bay chiến đấu trên tiền tuyến không chỉ cho thấy tính cấp bách của tình hình mà còn thể hiện khả năng thích ứng của lực lượng không quân Ukraine trong cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm qua.

MiG-29UB ( NATO gọi là Fulcrum-B), là phiên bản hai chỗ ngồi của máy bay MiG-29 mang tính biểu tượng thời Liên Xô, cất cánh lần đầu vào tháng 4/1981. MiG-29 là máy bay chiến đấu siêu thanh hai động cơ được phát triển vào những năm 1970 để cạnh tranh với các máy bay của Mỹ như F-15 Eagle và F-16 Fighting Falcon.

MiG-29UB được thiết kế chủ yếu để huấn luyện hoạt động, cho phép các phi công thực hiện nhiều thao tác phức tạp trong những tình huống mô phỏng thực chiến. Không giống như các chiến đấu cơ một chỗ ngồi, MiG-29UB không có hệ thống radar, hạn chế khả năng phát hiện và tấn công mục tiêu độc lập ở tầm xa.

Khả năng mang vũ khí của MiG-29UB cũng bị giảm. Máy bay này thường chỉ mang các tên lửa không đối không tầm ngắn như R-73 [AA-11 Archer] và pháo GSh-301 30mm với 150 viên đạn. Khung máy bay gần giống với MiG-29A và MiG-29S, dài khoảng 17m với sải cánh 11m, được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt Klimov RD-33 cách xa nhau với lực đẩy tối đa 81,3 kN. Dù mạnh mẽ nhưng chúng lại tốn nhiên liệu và để lại vệt khói trắng.

Những động cơ này cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa Mach 2,25 và bán kính chiến đấu lên tới 692km, tùy thuộc vào từng nhiệm vụ. Thiết kế của MiG-29UB ưu tiên sự cơ động với tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao và khí động học tinh vi cho phép máy bay thực hiện các động tác phức tạp. Thiết kế này khiến MiG-29UB trở thành loại máy bay đáng gờm trong các cuộc không chiến.

Cách Ukraine chuyển đổi MiG-29UB thành máy bay chiến đấu

Trong quá trình chuyển đổi MiG-29UB, các kỹ sư Ukraine phải vượt qua những rào cản kỹ thuật đáng kể. MiG-29UB không có radar trên máy bay, chủ yếu dựa vào hệ thống dẫn đường bên ngoài, chẳng hạn như radar mặt đất hoặc hệ thống cảnh báo sớm trên không, để xác định vị trí mục tiêu.

Để tăng cường khả năng chiến đấu, Ukraine có thể đã trang bị thêm cho máy bay các hệ thống dẫn đường và liên lạc hiện đại, chẳng hạn như hệ thống GPS thương mại hoặc liên kết dữ liệu tương thích với NATO, tương tự như các phiên bản nâng cấp khác của MiG-29. Việc tích hợp vũ khí phương Tây cho các phương tiện có từ thời Liên Xô - hoạt động mà Ukraine đã thực hiện kể từ năm 2022, cũng có thể đóng vai trò quan trọng.

Trước đó, Kiev đã điều chỉnh MiG-29 để mang tên lửa chống radar AGM-88 HARM do Mỹ cung cấp và bom dẫn đường AASM Hammer của Pháp. Các kỹ sư Ukraine nhiều khả năng đã thực hiện những sửa đổi tạm thời như phát triển hệ thống nhắm mục tiêu dựa trên máy tính bảng để thu hẹp khoảng cách giữa thiết bị điện tử hàng không từ thời Liên Xô và đạn dược của NATO.

Mặc dù thông tin chi tiết cụ thể về việc chuyển đổi MiG-29UB vẫn chưa được tiết lộ, nhưng có khả năng Ukraine đã trang bị cho những chiếc máy bay này các giá treo vũ khí mang bom dẫn đường chính xác, chẳng hạn như bom lượn GBU-62. Ukraine được cho là đã sử dụng loại vũ khí này trong các cuộc không kích gần đây.

MiG-29UB có buồng lái hai chỗ và phi công phụ có thể đóng vai trò là sĩ quan hệ thống vũ khí hoặc quản lý các hoạt động của máy bay không người lái. Điều này phù hợp với chiến thuật của Ukraine sử dụng các hệ thống không người lái một cách linh hoạt trong xung đột.

Ngoài ra, do MiG-29UB có thể hoạt động từ các đường băng hoặc đường cao tốc tạm thời nên Ukraine có thể phân tán chiến đấu cơ này tại nhiều căn cứ khác nhau nhằm tránh các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.

Theo giới phân tích, quyết định triển khai máy bay huấn luyện trong chiến đấu phản ánh những thách thức lớn mà lực lượng không quân Ukraine phải đối mặt vào năm 2025. Trong bối cảnh Nga tăng cường các chiến dịch tấn công trên không, sử dụng tiêm kích Su-35S tiên tiến hoặc các loại tên lửa tầm xa, hệ thống phòng không của Ukraine đã phải gánh chịu áp lực liên tục.

Không quân Ukraine đã phải chịu tổn thất đáng kể, với ít nhất 30 máy bay bị phá hủy và 3 chiếc bị hư hại do các cuộc tấn công của Nga tính đến đầu tháng 3 năm 2025. Việc các đối tác trong đó có Ba Lan và Slovakia tăng cường chuyển giao chiến đấu cơ MiG-29 vào năm 2023, đã giúp Ukraine củng cố phi đội, nhưng tốc độ viện trợ của phương Tây không theo kịp nhu cầu của cuộc chiến.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon chậm chạp do những thách thức về hậu cần và đào tạo, khiến Ukraine phải phụ thuộc rất nhiều vào máy bay cũ từ thời Liên Xô.

Theo giới phân tích, trong vai trò chiến đấu mới, MiG-29UB có thể đảm nhận nhiệm vụ tấn công tầm thấp vào các mục tiêu trên mặt đất, tuần tra phòng không hoặc chế áp phòng không của đối phương. Chiến lược này phản ánh nỗ lực của Ukraine trong việc kết hợp thiết bị thời Liên Xô với công nghệ phương Tây để tạo ra phương tiện chiến đấu có sức mạnh vượt trội hơn.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận