Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 F-47 của Mỹ có gì đặc biệt?

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 F-47 của Mỹ có gì đặc biệt?

Trong suốt quá trình phát triển dòng máy bay chiến đấu được coi là thuộc thế hệ thứ 6 này, các chuyên gia đặt ra những câu hỏi: Hình dáng của máy bay chiến đấu, khả năng và chất lượng bay của nó sẽ như thế nào? Ngoài ra, việc giao hợp đồng tỷ đô này cho Boeing cũng tạo ra nhiều hoài nghi, khi tập đoàn này chưa phát triển sản phẩm hàng không quân sự nào có tính đột phá tương tự.

Tương lai thay thế “Chim ăn thịt” F-22

Có một điều khá ngạc nhiên là việc ra mắt máy bay F-47 không được thực hiện công khai, mà được thực hiện trong cuộc họp kín cuối tháng 3-2025 tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng dưới sự chủ trì của Tổng thống Donald Trump.

Phiên bản có người lái của NGAD đã chính thức nhận tên gọi kỹ thuật là F-47 và sẽ thay thế máy bay chiến đấu F-22 Raptor trong tương lai. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, F-47 sẽ có "công nghệ tàng hình tiên tiến nhất để khiến nó thực sự vô hình"; khả năng phối hợp với nhiều tổ hợp máy bay không người lái (UAV) để tăng khả năng thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là chương trình CCA (máy bay chiến đấu phối hợp liên quân). Theo đánh giá của hãng tin Anh Reuters, tổng giá trị của chương trình phát triển F-47 ước khoảng 20 tỷ USD.

F-47 được kỳ vọng thay thế cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22 Raptor (trong ảnh) vốn không được Mỹ xuất khẩu. Ảnh: Defense News 

"Đây là điều mà chưa ai từng thấy trước đây. Mọi thứ liên quan đến đặc điểm của máy bay chiến đấu, từ tốc độ và khả năng cơ động đến tải trọng mà nó có thể mang theo, chưa từng có bất kỳ tiền lệ trong quá khứ. Quá trình phát triển vũ khí mới được thực hiện trong thời gian dài. Đối thủ của nước Mỹ không biết điều gì đang chờ đợi họ", ông Donald Trump nhận xét về máy bay chiến đấu tương lai.

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Trung tướng David Allwin tuyên bố rằng, F-47 sẽ là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất về mặt công nghệ, hiệu quả nhất và đa chức năng nhất từng được phát triển. "Chúng tôi không chỉ chế tạo một máy bay chiến đấu đơn thuần. Chúng tôi đang phát triển các phương pháp và chiến thuật chiến tranh hoàn toàn mới và chúng tôi đang cảnh báo đối thủ của mình về điều này", ông David Allwin nhấn mạnh.

Nhận xét về máy bay F-47, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết, máy bay chiến đấu F-47 sẽ là một món quà tuyệt vời cho các thế hệ tương lai của người Mỹ khi tạo ra khoản đầu tư có ý nghĩa vào ngành sản xuất công nghệ cao trên nước Mỹ.

"Tôi tự hào về F-47, đây là một nền tảng rất quan trọng", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói. 

Điểm đặc biệt theo lời chia sẻ của Tổng thống Donald Trump là máy bay F-47 không chỉ được sản xuất cho Không quân Mỹ, mà còn được xuất khẩu sang các quốc gia đồng minh của Washington.

"Các đồng minh của chúng tôi liên tục gọi điện, họ cũng muốn có chúng. Và chúng tôi sẽ bán chúng cho một số đồng minh nhất định. Có lẽ là các phiên bản ít tiên tiến hơn. Chúng tôi có thể cắt giảm tính năng của phiên bản xuất khẩu khoảng 10% để tránh trường hợp công nghệ quan trọng rơi vào tay đối phương", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Hình ảnh đồ họa của máy bay F-47. Ảnh: Topwar 

Trung tâm “hệ thống của hệ thống” tác chiến trên không

Theo Tạp chí quân sự Topwar, máy bay chiến đấu F-47 dự kiến sẽ trở thành thành phần trung tâm của "hệ thống các hệ thống" mà NGAD được định hướng. Các thành phần khác của tổ hợp hàng không là UAV CCA đã đề cập, trang bị điện tử tiên tiến, vũ khí và các công nghệ khác sẽ cung cấp cho NGAD khả năng trao đổi dữ liệu với các nền tảng hàng không khác và vệ tinh trinh sát.

Chuyên gia Andrew Latham của tờ 19FortyFive cho biết: “F-47 có thể không chỉ đóng vai trò là máy bay chiến đấu mà còn là trung tâm chỉ huy-bộ não trên bầu trời điều khiển UAV, tích hợp dữ liệu cảm biến và chiến đấu ở những vùng chiến sự mà khả năng kết nối và tự động tác chiến với tốc độ bay lớn và khả năng tàng hình”. Theo đó, F-47 không nên lặp lại sai lầm của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-22 và F-35.

Trước đó, chuyên gia phân tích Harrison Kass của tờ The National Interest nhận xét, F-47 đang được Boeing phát triển có thể trở thành máy bay chiến đấu có người lái cuối cùng của Không quân Mỹ.

Hình ảnh máy bay F-47 được giới thiệu tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

Phiên bản có người lái của NGAD được trang bị động cơ phản lực thích ứng NGAP, có khả năng thay đổi hiệu suất tùy vào nhiệm vụ chiến đấu để tối ưu lực đẩy và tầm hoạt động. Các nguyên mẫu NGAP đang được cạnh tranh bởi General Electric Aerospace và Pratt & Whitney. Đối với UAV CCA là cuộc cạnh tranh giữa Gambit và Fury từ General Atomics Aeronautical Systems, Inc. (GA-ASI) và Anduril Industries. Một số nguồn tin từ Không quân Mỹ cho rằng, giới chức Mỹ đã lựa chọn các mẫu UAV YFQ-42A và YFQ-44A của Gambit và Fury.

Không quân Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng, NGAD sẽ cần thiết cho Mỹ trong cuộc đối đầu với một đối thủ mạnh và tiên tiến về mặt công nghệ, nhưng vũ khí mới cần có mức giá cạnh tranh để sẵn sàng sản xuất quy mô lớn nếu xảy ra xung đột.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận