Tại sao T-34 là xe tăng huyền thoại trong Thế chiến II?

Tại sao T-34 là xe tăng huyền thoại trong Thế chiến II?

Xe tăng có thiết kế vượt trội so với xe tăng cùng thời của phát xít

Thực tế, các nhà thiết kế xe tăng Liên Xô không ngay lập tức đi đến kết luận quan trọng rằng khí tài chiến tranh cần càng đơn giản, càng tốt. Vào thập niên 1930, xe tăng T-28 và T-35 với nhiều tháp pháo đã được chấp nhận vào trang bị. Tuy nhiên, trong quá trình chiến đấu, những mẫu xe tăng trên quá thất thường, phức tạp và dễ hỏng hóc.

Một điểm quan trọng khác là xe tăng Liên Xô thời điểm đó thường có giáp mỏng và thiết kế phòng thủ kém. Hầu hết các xe tăng được phát triển trong thập niên 1930 đều bị các loại pháo chính trên xe tăng hạng trung PzKW III và PzKW IV của Đức xuyên thủng.

Lắp ráp xe tăng T-34 tại Nhà máy xe tăng Ural số 183 (nay là Uralvagonzavod) ở Nizhny Tagil. Ảnh: RIAN 

Nhưng có một ngoại lệ là xe tăng T-34. Nó được trang bị pháo chính F34 cỡ 76,2mm có sức xuyên phá mạnh mẽ. Ở giai đoạn đầu của chiến tranh, đạn xuyên giáp bắn ra từ pháo chính của T-34 đã xuyên thủng mặt trước của xe hạng trung Đức. Khả năng tương thích với đạn pháo cùng cỡ, 76,2mm giúp bắn nhiều loại đạn phân mảnh có sức công phá mạnh.

Một xạ thủ xe tăng giỏi có thể tiêu diệt các xe tăng Đức ở khoảng cách hơn 1 km ở bất kỳ góc bắn nào. Xe tăng Panzer phải tiếp cận cách xe T-34 trong phạm vi 500m mới có cơ hội thành công. Một ưu điểm nữa của xe tăng T-34 là lần đầu tiên áp dụng giải pháp giáp nghiêng. Thiết kế giáp đặc biệt này có thể khiến các viên đạn bắn tới bị trượt khỏi giáp hoặc bị đổi hướng và mất khả năng xuyên giáp.

Lớp giáp trước dày 45mm, khi nghiêng 60 độ, sẽ trở thành lớp giáp dày 90mm trúng đạn. Để hạ gục một chiếc T-34, cần phải bắn gần như trực diện và bắn chính xác vào những khu vực dễ tổn thương. Khi T-34 mới xuất hiện, chỉ có pháo phòng không 88mm của Đức mới có thể vô hiệu hóa xe tăng Liên Xô từ xa.

“Sinh tồn” trong chiến tranh

Những chiếc T-34 đầu tiên, giống như bất kỳ loại vũ khí mới nào, cũng mắc phải những “căn bệnh thời thơ ấu” và thường bị hỏng hóc. Động cơ diesel 12 xi-lanh B-2 kết hợp với bánh xích rộng mang lại khả năng cơ động và khả năng vượt địa hình tuyệt vời.

Tuy nhiên, do điều kiện sơ tán và thiếu thiết bị chính xác trong các nhà máy nên các nhà máy Liên Xô không thể sản xuất được bộ phận quan trọng này với chất lượng lý tưởng. Kết quả là, tình trạng hỏng động cơ thường xuyên xảy ra. Những bánh xích đúc rộng 550mm dễ dàng bị hỏa lực của đối phương xé toạc. Chúng sau đó được thay thế bằng rộng 500mm hiệu quả hơn.

Một nhược điểm đáng kể khác là vấn đề với hộp số 4 cấp cơ khí rất nặng và khó chuyển số. Để đạt được tốc độ cần thiết đòi hỏi phải có nỗ lực thể chất rất lớn. Người lái xe-thợ máy thường phải nhờ đến sự trợ giúp của người điều khiển vô tuyến-xạ thủ ngồi cạnh. Vào cuối năm 1942, hộp số 5 cấp cải tiến mới đưa vào trang bị đã cải thiện khả năng cơ động của T-34.

Xe tăng T-34-85 ra trận. Ảnh: Rian 

Ngoài ra, những vấn đề về hệ thống điện đài, thiết bị quang học kém khiến thành viên kíp lái T-34 phải lộ diện trên tháp pháo để quan sát chiến trường. Điều này khiến nhiều thương vong không đáng có cho kíp điều khiển.

Ở nửa sau của cuộc chiến, với sự ra đời của xe tăng hạng nặng Tiger, xe tăng hạng trung Panther, pháo tự hành Ferdinand của Đức, cũng như xe tăng PzKW III và PzKW IV có lớp giáp được tăng cường, pháo 76,2mm của xe tăng T-34 không còn hiệu quả nữa. Điều này được chứng minh rõ ràng qua kết quả của trận chiến Kursk, trong đó Hồng quân mất 6.000 xe tăng, phát xít Đức chỉ thiệt hại khoảng 3.000 phương tiện.

Xe tăng tốt nhất mọi thời đại

Phiên bản xe tăng T-34-85 đã khắc phục được những nhược điểm của các phiên bản tiền nhiệm. Từ năm 1944, đây là xe tăng hạng trung chủ lực của Hồng quân và theo một số nhà sử học, đây là xe tăng tốt nhất mọi thời đại.

Pháo D-5 85mm (sau này là ZIS-S-53) có thể xuyên thủng lớp giáp phía trước của xe tăng Panther và Tiger từ khoảng cách hơn 1 km. Khả năng cơ động cao mang lại lợi thế chiến thuật cho xe tăng T-34-85. Xe tăng Liên Xô nhờ khả năng cơ động đã phục kích để bắn vào sườn và tiêu diệt 3 xe tăng King Tiger đầu tiên của phát xít Đức ở Ba Lan vào tháng 8-1944.

Cùng với đó không dễ để xuyên thủng xe tăng T-34-85 từ phía trước. Các nhà thiết kế đã thiết kế lại tháp pháo để nó rộng rãi hơn với độ dày lớp giáp phía trước là 90mm. Ngoài ra, việc tăng thêm 1 thành viên kíp điều khiển và triển khai rộng rãi các thiết bị liên lạc vô tuyến cũng giúp tăng khả năng chiến đấu của xe tăng.

Một đơn vị T-34 chuẩn bị chiến đấu. Ảnh: RIAN 

"Sức mạnh của xe tăng T-34 là bao nhiêu? Thực tế chiến đấu đã chứng minh một cách thuyết phục, loại xe tăng này đã kết hợp thành công nhất các thông số chính quyết định giá trị của xe tăng: Hỏa lực, giáp và khả năng cơ động... Tất nhiên, cả quân phát xít và quân đồng minh đều có xe tăng có giáp đủ dày, hoặc có súng tốt, hoặc có khả năng cơ động cao. Tuy nhiên, xe tăng chỉ tốt khi kết hợp được những phẩm chất này. Không ai trước chúng ta thành công trong việc kết hợp thành công vũ khí và giáp mạnh mẽ với khả năng cơ động tốt trong một chiếc xe tăng...”, Tổng công trình sư Alexander Morozov, người kế nhiệm nhà thiết kế Mikhail Koshkin, viết trong hồi ký cá nhân.

Tổng cộng đã có 35.330 xe tăng T-34-76 và 30.500 xe tăng T-34-85 được chế tạo (bao gồm cả những xe được sản xuất theo giấy phép ở Tiệp Khắc và Ba Lan). T-34 là được cho là loại xe tăng được sản xuất rộng rãi nhất trong Thế chiến thứ 2. Điều này đạt được một phần là nhờ vào tính đơn giản của thiết kế giúp xe tăng được sản xuất trong thời gian ngắn nhất có thể. Bảy nhà máy sản xuất xe tăng hàng đầu của Liên Xô làm việc theo 3 ca liên tục ở Nizhny Tagil, Kharkov, Stalingrad, Gorky, Chelyabinsk, Sverdlovsk và Omsk để chế tạo xe tăng T-34.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận