Iskander-M là một trong những tên lửa đạn đạo nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Nga. Moscow đã được sử dụng tên lửa này để tấn công các thành phố của Ukraine trong hơn 3 năm qua. Theo nghiên cứu của Hội đồng An ninh Kinh tế Ukraine (ESCU), việc sản xuất tên lửa này phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ phương Tây và các hợp chất nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó máy điều khiển số bằng máy tính (CNC) có nguồn gốc từ Mỹ, Châu Âu và Châu Á và hợp chất natri perchlorat dùng để sản xuất nhiên liệu rắn.

Natri perchlorat là thành phần chính của nhiên liệu đẩy ở dạng rắn, được sử dụng để tạo lực đẩy trong tên lửa, rocket và các phương tiện hàng không vũ trụ khác. Dựa trên việc phân tích xác tên lửa Iskander-M trên chiến trường, các chuyên gia Ukraine cho rằng, tên lửa này sử dụng một biến thể của nhiên liệu rắn Opal, trong đó amoni perchlorat chiếm từ 45% đến 52,55% hỗn hợp.
“Trong số tất cả các chất oxy hóa trong nhiên liệu tên lửa, amoni perchlorat được đánh giá cao, nhờ sự kết hợp giữa mật độ năng lượng cao, tính ổn định và khả năng sản xuất tương đối dễ dàng, khiến nó trở thành lựa chọn ưu tiên cho hầu hết các hệ thống tên lửa. Các giải pháp thay thế hợp chất này thường chỉ giới hạn ở những dự án thử nghiệm vì có nhiều nhược điểm chẳng hạn như chi phí cao, phức tạp hoặc các vấn đề về an toàn”, báo cáo của ESCU nêu rõ.
Tình hình sản xuất nhiên liệu tên lửa tại Nga
Nga chỉ có một nhà sản xuất amoni perchlorat là Doanh nghiệp Nhà nước ANOSIT, trước đây gọi là “Nhà máy Hóa chất Kuybyshev”. ANOSIT sản xuất amoni perchlorat và hydro peroxide điện hóa chủ yếu cho ngành công nghiệp quân sự của Nga.
ANOSIT đảm bảo nguồn cung cấp ổn định các nguyên liệu thô quan trọng về mặt chiến lược cho các đối tác của họ. Trong thập kỷ qua, nhà máy Bột Perm - nhà sản xuất thuốc nổ lớn, là khách hàng chính của công ty này, với 5 hợp đồng trị giá tổng cộng 850 triệu rúp. Ngoài ra, còn nhiều khách hàng khác, trong đó có GosNIIMash (nhà sản xuất Iskander chuyên chế tạo đầu đạn chùm), GosNII Kristall (sản xuất octogen và hexogen-các hợp chất thiết yếu cho đạn dược cấp quân sự) và Hiệp hội Sản xuất Cheboksary-chế tạo tên lửa chống mưa đá và các thành phần của pháo hoa có thể dùng trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự.
ANOSIT đã công bố tăng gấp ba lần sản lượng amoni perchlorat vào năm 2024. Công ty cũng có cả kế hoạch xuất khẩu perchlorat sang Iran để sản xuất nhiên liệu rắn cho tên lửa Zolfagar của Iran.
Nga lộ “gót chân Asin”
Tuy vậy, việc sản xuất hợp chất amoni perchlorat sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu natri clorat. Nga đã mất khả năng sản xuất natri clorat trong nước sau khi Liên Xô tan rã và phải phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc và Uzbekistan.
ESCU đưa tin trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã phụ thuộc rất nhiều vào EU về nguồn cung cấp natri clorat. Kể từ năm 2022, các chuyến hàng xuất khẩu từ EU đã ngừng lại và Moscow phải chuyển hướng sang Trung Quốc và Uzbekistan.
Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu chính natri clorat sang Nga vào năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc chiếm 70% tổng nguồn cung natri clorat của Nga, còn Uzbekistan chiếm 29%.
Các nhà nhập khẩu natri clorat của Nga cung cấp mặt hàng này cho nhiều tập đoàn quân sự, trong đó có cả các nhà sản xuất tên lửa Iskander-M. Ngoài ra, sau khi Nga chuyển đổi chất này thành amoni perchlorat, họ có thể xuất khẩu sang Iran.
Nhận thức được sự phụ thuộc khá lớn vào hoạt động nhập khẩu natri clorat trong chế tạo nhiên liệu tên lửa, Nga đang cố gắng thiết lập dây chuyền sản xuất trong nước bằng cách mở các nhà máy mới và đầu tư vào các dự án mới.
Vào tháng 4/2022, tập đoàn Khimprom PJSC của Nga đã công bố dự án mở một nhà máy natri clorat mới có công suất 50.000 tấn mỗi năm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025. Vào tháng 6/ 2022, Tập đoàn Orgsintez của Nga đã xác nhận khoản đầu tư vào dự án tương tự là 5,7 tỷ rup, với kế hoạch công suất tối đa vào năm 2027. Công ty hóa chất EuroChem cũng ký một thỏa thuận vào năm 2023 để thành lập cơ sở mới sản xuất natri clorat và hydro peroxide tại nhà máy hóa chất Novomoskovsk Chlorine ở vùng Tula.
ESCU đánh giá: “Các công ty Nga đang tích cực đẩy mạnh năng lực sản xuất natri clorat trong nước. Tuy nhiên, điều này không làm giảm sự phụ thuộc của Moscow vào việc nhập khẩu natri clorat trong những năm tới, vì hầu hết các cơ sở sản xuất mới dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025-2027. Châu Âu có thể lợi dụng điểm yếu này và sự phụ thuộc của Nga vào nguồn cung cấp nguyên liệu trên từ bên ngoài để gây sức ép đối với chuỗi sản xuất vũ khí Nga”.
Trước đó vào năm năm 2023, các đối tác của Ukraine đã tăng cường nỗ lực cắt đứt quyền tiếp cận của Nga với máy CNC nhập khẩu từ châu Âu. EU áp đặt lệnh cấm nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu và tái xuất các thiết bị như vậy sang Nga. Tuy nhiên, Moscow vẫn tiếp tục tìm ra những phương pháp mới để có thể sở hữu các công cụ sản xuất tên lửa quan trọng. Moscow được cho là sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, từ mua thiết bị đã qua sử dụng đến việc tìm kiếm nguồn cung trực tiếp, chủ yếu từ các nước châu Á.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vov.vn
Tham gia bình luận