Nhà Trắng cho biết, một lô đạn urani nghèo sẽ được gửi tới Ukraine như một phần của gói viện trợ quân sự trị giá 175 triệu USD. Gói này cũng bao gồm các thiết bị cho hệ thống phòng không của Ukraine và các loại đạn bổ sung HIMARS, tên lửa TOW, đạn pháo 155 mm, hệ thống chống tăng Javelin và AT-4.
Đạn urani nghèo dự kiến sẽ được sử dụng cho xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams do Mỹ sản xuất do đặc tính xuyên giáp của chúng. Lực lượng Ukraine đã sử dụng đạn urani nghèo trên xe tăng Challenger 2 do Anh cung cấp, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ cung cấp loại đạn này cho Kiev.
Quyết định của Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine được đưa ra sau khi cuộc phản công của Kiev không đạt bước tiến đáng kể như kỳ vọng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gần đây cũng cảnh báo: “Do việc cung cấp vũ khí urani nghèo có chứa phóng xạ và cực độc của Anh và Mỹ, Ukraine đang biến thành một vùng đất không thể ở được. Tình trạng ô nhiễm phóng xạ trong đất đã xảy ra và đang được ghi nhận một cách khách quan”.
Là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu urani, urani nghèo được sử dụng làm đạn dược vì độ cứng và các đặc tính vật lý khác. Đạn dược chế tạo từ urani nghèo gây tranh cãi vì tính độc hại và tính phóng xạ của nó.
Mỹ từng sử dụng số lượng lớn đạn urani nghèo trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 và 2003 cũng như khi NATO ném bom Nam Tư năm 1999.
Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cho biết các nghiên cứu ở Nam Tư, Kuwait, Iraq và Lebanon “chỉ ra rằng sự tồn tại của dư lượng urani nghèo phân tán trong môi trường không gây nguy hiểm phóng xạ cho người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng.”
Các chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng urani nghèo có thể gây ra những tác động bất lợi lớn đến sức khỏe của người châu Âu và sự màu mỡ của khu vực “đất đen”, đặc biệt là sau vụ nổ lớn tại một địa điểm ở Khmelnitsky, Ukraine, nơi lưu trữ đạn urani nghèo.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vov.vn
Tham gia bình luận