Nhiều loại vũ khí trong số này được lấy từ các kho dự trữ từ thời Liên Xô – vốn không được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua. Một số do các đối tác nước ngoài cung cấp cho Nga và Ukraine.

Súng máy Pulemyot Maxima 1910
Pulemyot Maxima 1910 là súng máy có từ Thế chiến thứ nhất, hiện vẫn nằm trong tay quân đội Ukraine. Súng máy này lần đầu tiên được sản xuất dưới thời Sa hoàng Nicholas II. Đây là bản sao của súng máy Hiram Maxim do nhà phát minh người Mỹ Hiram Stevens Maxim chế tạo vào những năm 1880. Hiram Maxim được coi là loại vũ khí mạnh nhất trong Thế chiến thứ nhất với khả năng sát thương khủng khiếp và cũng là súng máy hoàn toàn tự động đầu tiên trên thế giới.
Hơn một thế kỷ sau, Ukraine đã đưa vũ khí này ra khỏi kho để tái triển khai, đặc biệt quanh khu vực Bakhmut. M1910 có kích thước khá cồng kềnh so với hầu hết súng máy hiện đại, nặng tới 68kg và có tốc độ bắn chậm hơn nhiều (chỉ 600 phát/phút). Ưu điểm là súng sở hữu hệ thống làm mát bằng nước - hệ thống này đặc biệt phù hợp cho tác chiến thời hiện đại và vẫn bắn được đạn 7,62×54mmR.
Theo các chuyên gia quân sự, sở dĩ Ukraine vẫn sử dụng loại vũ khí này là vì nó vẫn hiệu quả. Maxima được làm mát bằng nước do đó nó không quá nóng như súng làm mát bằng không khí hiện đại trong các cuộc giao tranh kéo dài. Loại vũ khí này dễ bảo trì và có thể sử dụng đạn đã lưu hành. Trong hoạt động phòng thủ như giữ chiến hào hoặc củng cố cứ điểm, loại súng này có thể giúp các binh sỹ Ukraine hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài ra, một số đơn vị phòng thủ của Ukraine được cho là khá linh hoạt khi sử dụng Súng máy Pulemyot Maxima 1910. Họ đã dựng các bệ đỡ gắn bốn khẩu súng Maxim cạnh nhau, quay ra 4 phía, tất cả đều bắn đồng bộ. Cách thiết kế này giúp họ có thể quan sát 360 độ, với chế độ vận hành từ xa hoặc bằng các nút điều khiển cơ bản, biến một khẩu súng máy có từ thế kỷ trước thành một loại pháo phòng không tự chế.
Súng trường Mosin-Nagant
Súng trường bắn tỉa Mosin-Nagant, ra mắt lần đầu tiên vào năm 1891, được coi là một trong những trụ cột chính trong kho vũ khí của Sa hoàng và Liên Xô. Hơn một thế kỷ sau, vũ khí này vẫn được sử dụng trên chiến trường ở Ukraine. Lực lượng Nga cũng sử dụng khẩu súng này trong chiến đấu như một loại vũ khí tạm thời.

Nhiều tân binh mới chưa có kinh nghiệm chiến đấu đã được trang bị súng trường Mosin-Nagant thay vì Kalashnikov tiêu chuẩn. Theo giới phân tích, điều này có thể cho thấy kho dự trữ quân sự của Nga đang cạn kiệt và họ phải triển khai bất cứ loại vũ khí nào vẫn còn sử dụng được. Một số báo cáo cho biết, binh sỹ Nga đã tấn công vào các vị trí của Ukraine bằng súng trường Mosin–Nagant hồi tháng 7/2023.
Súng máy Type 73
Ngoài súng trường Mosin-Nagant, quân đội Nga được cho là cũng sử dụng súng máy Type 73 của Triều Tiên. Được thiết kế vào những năm 1970, Type 73 là một trong những vũ khí ít được biết đến nhất của Bình Nhưỡng. Vũ khí này là một sự kết hợp khác biệt: nó có thể nạp đạn từ cả băng đạn 100 viên hoặc hộp tiếp đạn kiểu AK, và bắn loại đạn vành 7,62×54mmR. Các loại đạn dược này tương thích với loại đạn mà súng trường PKM và Dragunov của Nga sử dụng.

Súng máy Type 73 khá cồng kềnh, cũ kỹ và chưa từng được sử dụng ở tuyến đầu ngay cả ở Triều Tiên kể từ những năm 1980. Nhưng nó đã bất ngờ xuất hiện trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
UNITED24 Media đưa tin vào đầu năm 2025 rằng quân đội Ukraine đã thu hồi được một số Type 73 gần Avdiivka. Các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng Triều Tiên đã cung cấp loại súng này cho Nga thông qua Iran.
Súng tiểu liên Thụy Điển
Súng tiểu liên Thụy Điển, tên chính thức là Carl Gustaf m/45, không phải là loại vũ khí phù hợp với cuộc xung đột trong thế kỷ 21. Nhưng nó đã xuất hiện ở Ukraine. Súng tiểu liên 9mm này được Thụy Điển phát triển vào những năm 1940 và trở nên nổi tiếng khi được lực lượng SEAL của Hải quân Mỹ sử dụng. Nó đơn giản, bền bỉ và nhỏ gọn. Đây là những tính năng rất quan trọng, ngay cả trong thời đại mà máy bay không người lái và vũ khí công nghệ cao chiếm ưu thế.
Vào đầu năm 2024, một số hình ảnh trên chiến trường cho thấy vũ khí này đang nằm trong tay quân đội Ukraine. Không rõ liệu vũ khí này được cung cấp chính thức hay thông qua các kênh bí mật, nhưng sự xuất hiện trở lại của nó cho thấy Ukraine và các đối tác đang đào sâu kho dự trữ để trang bị cho các đơn vị chiến đấu của nước này.
Các loại vũ khí khác
Vào tháng 7/2023, một video xuất hiện từ khu vực Luhansk cho thấy binh sỹ dự bị Nga sử dụng các loại vũ khí như súng tiểu liên PPSh-41, PPS-43, súng carbine SKS và thậm chí cả úng tiểu liên M1 Thompson.
PPSh-41 có băng đạn hình trống và tốc độ bắn cao, là một trong những loại vũ khí được Hồng quân sử dụng rộng rãi nhất trong Thế chiến II. Nó bắn đạn Tokarev 7,62×25mm, được thiết kế để chiến đấu cận chiến trong chiến hào và trên đường phố. Mặc dù có hiệu quả, nhưng loại súng này nặng, gây tiếng ồn và không phù hợp với các cuộc đấu súng trong xung đột hiện đại.
PPS-43 là phiên bản khác của PPSh, có cấu tạo đơn giản và nhỏ gọn hơn. PPS-43 có khoang đạn 7,62×25mm, rất dễ sử dụng. Nó không có hộp tiếp đạn dạng trống như phiên bản trước mà sử dụng hộp tiếp đạn dạng thanh tiện dụng hơn.
Súng carbine SKS, được phát triển vào cuối những năm 1940, là một loại súng trường bộ binh Liên Xô tồn tại trong thời gian ngắn, bắn loại đạn cỡ 7,62×39mm. Phương tiện có hộp tiếp đạn cố định và không có khả năng bắn tự động. Dù được xuất khẩu rộng rãi trong Chiến tranh Lạnh, nhưng nó đã nhanh chóng bị loại biên.
Cuối cùng, súng tiểu liên M1 Thompson là vũ khí Mỹ, được cung cấp cho Liên Xô theo chương trình Cho thuê-Cho mượn trong Thế chiến II. Tiểu liên Thompson M1A1 từng được lính Mỹ ưa chuộng bởi độ ổn định, khả năng bắn liên thanh và diệt địch hữu hiệu trong chiến hào. Tuy nhiên, nó nhanh chóng bị thay thế do chi phí chế tạo tốn kém và thời gian xuất xưởng lâu.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vov.vn
Tham gia bình luận