Vậy các chuyên gia Nga đã khám phá những gì khi nghiên cứu những mẫu vật còn khá nguyên vẹn từ ATACMS và liệu điều này có giúp nâng cao hiệu quả đánh chặn loại tên lửa đạn đạo này hay không? Theo các nguồn tin công khai, các chuyên gia vũ khí hàng đầu của Nga đã nghiên cứu cấu trúc bên trong của đạn tên lửa và nguyên tắc hoạt động của đạn chùm trên tên lửa ATACMS.
Đạn con có khả năng xuyên thủng phương tiện bọc thép hạng nhẹ
Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn báo cáo của các chuyên gia quân sự nghiên cứu tên lửa ATACMS bị thu giữ cho biết, đạn con M74 trong cơ cấu đạn chùm của tên lửa ATACMS có kích thước như quả bóng tennis và được xếp theo trục dọc phía trong thân tên lửa. Mỗi tên lửa ATACMS mang theo 275 đạn con M74.
Khi tên lửa ATACMS tiếp cận mục tiêu, cảm biến cận đích được kích hoạt để giải phóng đạn con M74 ở độ cao 200m. Sau khi được giải phóng, trục quay đặt ở đuôi đạn con M74 bắt đầu xoay để tính thời gian kích nổ khi chạm mục tiêu.
Chuyên gia vũ khí Nga nghiên cứu các mảnh vỡ và khối dẫn đường của tên lửa ATACMS. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Một điểm đáng chú ý là kể cả khi đạn chùm không được giải phóng ở độ cao quy định, cơ chế an toàn của đạn con M74 đã bị ngắt và bất kỳ va chạm nào với chúng đều có khả năng phát nổ.
“Mỗi đạn con M74 được cấu tạo từ trục kim loại làm từ vonfram với cấu trúc hạt lựu để tăng khả năng sát thương. Kết cấu này bao quanh đầu đạn với kíp nổ dạng xoay. Các đạn chùm của Nga cũng có kết cấu tương tự, nhưng khác biệt ở vật liệu chế tạo mảnh văng là thép gia cường thay vì vonfram”, chuyên gia vũ khí Nga tham gia phân tích tên lửa ATACMS cho biết.
Trong thực tế chiến trường, các mảnh văng vonfram có gia tốc cao do tỷ khối nặng hơn thép. Chúng có tầm sát thương khoảng 20m. Tuy nhiên, một số mảnh văng vẫn còn đủ động năng để xuyên giáp nhẹ ở khoảng cách 50m.
“Sức mạnh gây chết người của các mảnh văng từ đạn chùm là rất lớn. Mỗi quả đạn chùm của ATACMS tạo ra khu vực sát thương rộng 400x400m với cự ly rơi của mỗi quả đạn con là khoảng 5m”, chuyên gia quân sự Nga cho biết thêm.
Nắm được công nghệ, Nga có thể vô hiệu hóa ATACMS?
Ngày 1-7, truyền thông Nga và các diễn đàn quân sự quốc tế đã đăng tải hình ảnh chuyên gia Nga đang tháo và phân tích hệ thống dẫn đường và hiệu chỉnh quỹ đạo của tên lửa ATACMS.
Các hình ảnh được công bố cho thấy, chuyên gia quân sự Nga đang nghiên cứu khối dẫn đường quán tính sử dụng con quay hồi chuyển hiệu chỉnh bằng tia laser và module dẫn đường vệ tinh. Cả hai khối thiết bị trên của ATACMS còn khá nguyên vẹn giúp Quân đội Nga có khả năng phân tích và nắm được nguyên tắc dẫn đường của tên lửa Mỹ.
Tên lửa ATACMS là vũ khí đạn đạo lợi hại được Mỹ cung cấp cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ảnh: Topwar |
Chuyên gia quân sự, Đại tá Quân đội Nga đã nghỉ hưu Viktor Litovkin đánh giá, bằng cách tiếp cận hệ thống dẫn đường ATACMS, các chuyên gia Nga sẽ có thể tìm hiểu về những đặc điểm dễ bị tổn thương nhất của tên lửa trong quỹ đạo bay của nó để lên phương án ngăn chặn.
“Chúng ta có thể cấu hình lại các tổ hợp tên lửa phòng không và tác chiến điện tử có nhiệm vụ bắn hạ hay gây nhiễu tên lửa đạn đạo ATACMS. Chúng ta cũng có thể tìm hiểu thêm nhiều điều thú vị khác như nó được chế tạo như thế nào, làm từ hợp kim gì? Ngoài ra, quan trọng hơn là quá trình phân tích giúp tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của loại vũ khí này phục vụ nghiên cứu trong tương lai”, chuyên gia quân sự Victor Litovkin cho biết.
Trong quá khứ, đã có không ít trường hợp các loại vũ khí Mỹ và phương Tây rơi vào tay Liên Xô và Nga và ngược lại. Chúng đã được phân tích để tìm ra phương án đối phó hiệu quả, cũng như tích hợp những công nghệ ưu việt để cải thiện khả năng chiến đấu của các loại vũ khí của Liên Xô và Nga.
Không khó để nhận ra đưa ra những ví dụ cụ thể về vấn đề này như việc Liên Xô chế tạo tên lửa không đối không Vympel K-13 (tên định danh NATO AA-2 Atoll) trên cơ sở mẫu tên lửa AIM-9 của Mỹ hay việc Mỹ và đồng minh đã nghiên cứu máy bay chiến đấu Mig-25 tại Nhật Bản. Gần đây nhất là việc quân đội Nga đã tìm ra cách hạn chế các loại vũ khí do Mỹ và phương Tây viện trợ cho Ukraine như tổ hợp pháo phản lực HIMARS hay tên lửa hành trình không đối đất Storm Shadow do Anh cung cấp.
Tên lửa ATACMS đã xuất hiện tại Ukraine từ năm 2023
ATACMS là tên lửa đạn đạo chiến thuật có thể phóng từ nhiều bệ phóng lục quân khác nhau, trong đó có M142 HIMARS. Nó được phát triển bởi Lockheed Martin. Theo thông tin từ Quân đội Nga, tên lửa ATACMS bắt đầu xuất hiện tại Ukraine từ năm 2023 và được sử dụng từ tháng 10 cùng năm.
“Chúng được thực hiện rất chính xác. ATACMS đã chứng tỏ là vũ khí lợi hại”, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tuyên bố hồi tháng 10-2023.
Với nền tảng công nghệ quốc phòng mạnh mẽ, Nga có đủ khả năng nghiên cứu phát hiện các công nghệ lõi ứng dụng trên tên lửa ATACMS để tìm ra phương án đối phó hiệu quả, cũng như hấp thụ chúng. Ảnh: Topwar |
Đầu năm 2024, tờ The New York Times của Mỹ đăng tải, Ukraine đã được chuyển giao hơn 100 tên lửa ATACMS và đã sử dụng chúng trên chiến trường.
Về vấn đề này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, việc cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Kiev là một sai lầm khác của Mỹ.
TUẤN SƠN (tổng hợp theo Lenta, Topwar)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Tham gia bình luận