
Báo The Kyiv Post ngày 1/7 cho biết các lực lượng Ukraine, đang đối mặt với mối đe dọa thường trực từ các UAV tấn công dạng góc nhìn người thứ nhất (FPV) trên chiến trường, luôn không ngừng tìm cách phát triển các biện pháp đối phó để bảo vệ bản thân.
Những nỗ lực này đã thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tác chiến điện tử, UAV đánh chặn, và gia cố bảo vệ xe bọc thép bằng các “lồng chống UAV” và giáp phản ứng nổ (ERA).
Tuy nhiên, cho đến nay, binh lính và các lực lượng hoạt động ngoài trời vẫn rất dễ bị tổn thương trước UAV. Họ phải phụ thuộc vào ngụy trang, đào hào hoặc thậm chí là đứng yên để tránh bị phát hiện, nhưng lại thiếu một loại vũ khí phòng thủ hiệu quả để tự vệ ở cự ly gần.
Mỹ, các lực lượng phương Tây khác và Ukraine đã tập trung phát triển các loại vũ khí chuyên dụng để giải quyết vấn đề này và đã đạt được một số thành công nhất định.
Tuy nhiên, nhược điểm là những vũ khí này thường là “vũ khí cấp tiểu đội”, và khả năng chặn UAV phụ thuộc vào yếu tố may rủi – tức là liệu vũ khí có mặt đúng nơi, đúng lúc khi UAV tấn công hay không, vì chúng chỉ được phân phối với số lượng hạn chế.
Giải pháp sáng tạo của Ukraine là tạo ra một loại đạn đặc biệt có thể bắn từ súng tiêu chuẩn, cho phép mỗi người lính đều có khả năng tiêu diệt UAV, thay vì phụ thuộc vào các hệ thống vũ khí hiếm.
Giải pháp mà Brave1 vừa trình diễn là một loại đạn cỡ 5.56 x 45mm – loại đạn được sử dụng phổ biến nhất trong các đơn vị bộ binh Ukraine – với đầu đạn được tối ưu hóa để tăng khả năng bắn trúng UAV bay nhanh và nâng cao hiệu quả tiêu diệt khi trúng mục tiêu.
Các thử nghiệm loại đạn mới này đã được trình chiếu trong một đoạn video đăng trên kênh Facebook của Brave1.
Mặc dù Brave1 không công bố chi tiết kỹ thuật của loại đạn giúp nó hiệu quả hơn trong việc bắn các vật thể bay, họ cho biết nhà sản xuất đã mã hóa tiêu chuẩn đạn theo đúng chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Mykhailo Fedorov, Phó Thủ tướng phụ trách đổi mới sáng tạo của Ukraine, viết trên Telegram rằng mục tiêu hiện nay là mở rộng sản xuất để mọi binh sĩ đều có một băng đạn loại này, và mọi súng máy đều có dây đạn sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa từ trên không.
Một lợi ích tiềm năng khác là loại đạn này được sản xuất theo cỡ chuẩn NATO, cho nên, có thể thu hút các nước thành viên NATO tham gia sản xuất bởi những lực lượng mặt đất của họ cũng đang đối mặt với mối đe dọa từ UAV.
Một khi được chứng minh hiệu quả trên chiến trường Ukraine, loại đạn được nhìn nhânn như một biện pháp cuối cùng bảo vệ binh sĩ ở cự ly gần này có thể được xuất khẩu công nghệ hoặc hợp tác sản xuất quy mô lớn với một nhà sản xuất châu Âu.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: baotintuc.vn
Tham gia bình luận