"Tên lửa R-37M mang đầu đạn nặng 60kg, lớn hơn khoảng 3 lần so với đầu đạn thường được lắp trên tên lửa không đối không. Nó phù hợp để lắp đầu đạn hạt nhân thu nhỏ", Military Watch Magazine đăng tải.
Vậy tên lửa không đối không tầm xa R-37M là vũ khí gì mà nhận được sự quan tâm đặc biệt của tình báo Mỹ và phương Tây?
Tên lửa đã tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách hơn 200km
R-37M (NATO định danh: AA-13 "Axehead") là phiên bản nâng cấp của tên lửa R-37, được phát triển từ những năm 1980 bởi tập đoàn Vympel. Mục tiêu ban đầu là tạo ra vũ khí không đối không tầm rất xa (Very long range air-to-air missile - VLRAAM), có khả năng tiêu diệt máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) và máy bay tiếp nhiên liệu trên không, những mục tiêu then chốt trong chiến tranh hiện đại.
Sau nhiều lần thử nghiệm, R-37M chính thức biên chế năm 2014, trang bị chủ yếu cho máy bay chiến đấu giành ưu thế trên không như Mig-31BM và Su-35S. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga, tên lửa này đã vượt qua các bài thử nghiệm khắc nghiệt, bao gồm việc bắn trúng mục tiêu di chuyển ở độ cao 25km với tốc độ 4.500km/giờ.
![]() |
![]() |
Tên lửa R-37M hiện là một trong những dòng tên lửa không đối không có tầm bắn xa nhất thế giới hiện nay. Ảnh: TASS |
Điểm mạnh của tên lửa R-37M là khi phóng từ độ cao lớn trên 20km, nó có tầm bắn lên tới 400km và tốc bay đạt Mach 6 (gấp 6 lần tốc độ âm thanh). Đối với các mục tiêu cơ động cao, tầm bắn của tên lửa giảm xuống còn hơn 200km. Tên lửa được trang bị hệ thống radar chủ động AGSN-37 kết hợp với dẫn đường quán tính, cập nhật vị trí mục tiêu từ máy bay mang phóng ở pha giữa để tấn công mục tiêu ở khoảng cách lớn.
Chuyên gia quân sự Nga, Thiếu tướng Mikhail Khodarenok nhận xét: “R-37M không chỉ là vũ khí phòng thủ, mà nó buộc đối phương phải duy trì khoảng cách an toàn, làm gián đoạn chiến thuật tấn công tầm xa của NATO. Một phi đội máy bay Mig-31 mang R-37M có thể kiểm soát vùng trời rộng 300.000km²”. Trong thực chiến, R-37M đã minh chứng hiệu quả khi bắn hạ một mục tiêu bay ở khoảng cách kỷ lục là 217km.
Phó giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga, Konstantin Makienko trao đổi với tờ Gazeta rằng, tên lửa R-37M ban đầu được sử dụng để trang bị cho máy bay chiến đấu Su-57 thế hệ thứ 5 và máy bay chiến đấu đánh chặn MiG-31BM, nhưng hiện nay máy bay chiến đấu Su-35S thế hệ 4++ đã được thêm vào danh sách này.
Theo lời chuyên gia Konstantin Makienko, tên lửa R-37M và máy bay Mig-31BM chính là “bộ đôi” hoàn hảo khi tên lửa có thể sử dụng hệ thống radar hàng không mạnh mẽ của máy bay mang phóng để tấn công mục tiêu ở tầm siêu xa. Đặc biệt, với trang bị đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, một tên lửa R-37M có đủ khả năng tiêu diệt cả phi đôi máy bay chiến đấu đối phương chỉ với 1 tên lửa trúng đích.
R-37M qua góc nhìn của chuyên gia phương Tây
Là vũ khí mạnh mẽ trong không chiến của Nga, tên lửa R-37M cũng nhận được sự đánh giá cao từ phía các chuyên gia quân sự phương Tây. Cựu tư lệnh Không quân Mỹ, Tiến sĩ David Deptula nhận xét: "R-37M khiến đối thủ mất lợi thế về không đối không tầm xa. Ngay cả F-22 Raptor cũng phải thận trọng khi vào bán kính 300km của MiG-31”.
Thế mạnh khác của tên lửa R-37M là hệ thống radar AGSN-37 sử dụng băng tần Ka-band (27-40 GHz), khó bị gây nhiễu hơn so với tần số X-band thông thường.
Tuy nhiên, tên lửa R-37M được cho là cũng có điểm yếu khi cần phụ thuộc vào các máy bay chiến đấu mang radar hàng không mạnh để tối đa tầm bắn. Chuyên gia Justin Bronk, Viện Nghiên cứu Chiến lược Hoàng gia Anh đánh giá: "R-37M cần radar mạnh như Zaslon-M của MiG-31 để phát hiện mục tiêu xa. Nếu máy bay mẹ bị vô hiệu hóa, tên lửa coi như khó có khả năng tấn công chính xác mục tiêu ở tầm xa”.
Chuyên gia Justin Bronk nhấn mạnh, mỗi tên lửa R-37M có giá thành ước tính 2-3 triệu USD, đắt gấp 5 lần AIM-120D. Điều này khiến việc sử dụng rộng rãi loại tên lửa đắt tiền này bị hạn chế. Ngoài ra, dù tốc độ cao, tên lửa R-37M gặp thách thức khi đối đầu F-35 hay J-20 do thiếu cảm biến hồng ngoại.
![]() |
R-37M là trang bị chính trên máy bay tiêm kích hạng nặng Mig-31BM của Không quân Nga. Ảnh: RIAN |
Theo đánh giá của Tạp chí Jane's Defence, R-37M hiện dẫn đầu về tầm bắn, nhưng tên lửa AIM-260 JATM của Mỹ (dự kiến trang bị năm 2025) có thể cân bằng cục diện nhờ công nghệ dẫn đường đa chế độ.
Tạp chí quân sự Topwar thông tin, Nga có thể đang thử nghiệm phiên bản tên lửa R-37MKH với tốc độ Mach 8 và tầm bắn 500km, tích hợp cảm biến hồng ngoại để đối phó mục tiêu tàng hình. Tuy nhiên, để có khả năng chống lại vũ khí siêu vượt âm, con đường phát triển phiên bản mới của tên lửa lửa R-37 sẽ còn rất dài.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Tham gia bình luận