Khoảng cách giữa Kiev và Moscow là hơn 800km. Mỹ hiện đang sở hữu những loại vũ khí tầm xa có phạm vi tấn công vượt xa con số này nhưng Nhà Trắng vẫn ngần ngại trong việc chuyển giao chúng cho Ukraine do lo sợ các phản ứng mạnh mẽ hơn từ Điện Kremlin. Trong khi đó, Ukraine vẫn liên tục kêu gọi Mỹ thay đổi quan điểm.
Pháo cơ động
Mỹ đã gửi cho Ukraine những khẩu pháo cơ động có cỡ nòng 155 mm, có thể bắn những quả đạn pháo nặng 45kg vào các mục tiêu cách xa hơn 32km. Mỗi quả đạn pháo chứa khoảng 10kg thuốc nổ.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi đầu năm 2022, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine 3 triệu quả đạn pháo M795. Mẫu đạn pháo này có thể được lắp bộ dẫn đường để điều hướng tự động đến mục tiêu nhắm bắn.
Việc binh lính Ukraine phải sử dụng pháo liên tục khiến nòng pháo mòn đi tương đối nhanh. Việc thay thế chúng đòi hỏi các thiết bị chuyên dụng và không dễ dàng thực hiện ngay trên chiến trường.
Pháo phản lực
Mỹ đã gửi các Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS) tới Ukraine. Hệ thống HIMARS là tổ hợp xe tải 6x6 gắn cụm sáu tên lửa M31 GMRL 227mm trang bị dẫn đường GPS có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 80,4 km với độ chính xác tương đương các cuộc không kích.
Phiên bản M142 nặng 17 tấn là “người anh em” dễ vận chuyển hơn so với M270 MLRS nặng 26,5 tấn, mang hai ống phóng tên lửa cùng loại. M142 cũng có thể phóng một tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-140 ATACMS với tầm bắn 305,7 km.
Tập đoàn quân sự Lockheed mô tả HIMARS là một hệ thống có độ tin cậy cao, đã được kiểm chứng trong chiến đấu, “vượt qua mọi yêu cầu về hiệu suất”. Việc triển khai HIMARS trên chiến trường đã đem đến cho Ukraine một số thành tựu nhất định, đồng thời cũng mang lại cho Mỹ nhiều đơn đặt hàng từ Ba Lan, Litva, Latvia, Hà Lan,...
Tên lửa đạn đạo
Tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn hay Army Tactical Missile System - ATACMS có khả năng tự dẫn đường kết hợp giữa quán tính và định vị vệ tinh GPS. Điều này giúp tên lửa có tầm bắn lên tới hơn 300km với độ chính xác cao. Khả năng công phá của tên lửa chiến thuật này là đầu đạn nổ phá mảnh nặng 227kg hoặc đầu đạn chùm để tấn công diện rộng.
Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả chúng là “tên lửa đạn đạo tầm xa” hồi tháng 4 sau khi một lô hàng ATACMS được vận chuyển đến Ukraine. ATACMS hiện là dòng tên lửa đạn đạo cấp chiến thuật duy nhất đang nằm trong biên chế Quân đội Mỹ. Ngoài khả năng mang đầu đạn thông thường, khi cần, nó có thể mang đầu đạn hạt nhân để tạo đòn tấn công hủy diệt đối thủ.
Tên lửa hành trình
Tomahawk là tên lửa hành trình được phát triển vào những năm 1970 để phục vụ cho Hải quân Mỹ. Không quân đã phát triển phiên bản Tomahawk được phóng từ trên không và Lục quân đã có phiên bản phóng từ mặt đất cho đến khi phiên bản này bị coi là vi phạm Hiệp ước INF - Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung mà Mỹ đã ký với Nga từ thời Chiến tranh lạnh.
Hiệp ước này được cho là nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh lạnh của hai quốc gia; tức là, cấm các bên phát triển và triển khai tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 500 km đến 5.500 km. Tuy nhiên, hiệp ước này đã chấm dứt vào năm 2019 khi Nhà Trắng cáo buộc Nga vi phạm một số điều khoản trong hiệp ước.
Mặc dù có nhiều phiên bản Tomahawk khác nhau nhưng nhìn chung, chúng có thể tấn công mục tiêu cách xa khoảng 1.600km khi mang theo đầu đạn thông thường. Không giống như tên lửa đạn đạo tầm xa, tên lửa hành trình như Tomahawk có cánh nhỏ cho phép chúng bay theo chiều ngang, thấp hơn so với mặt đất, đồng thời sử dụng động cơ phản lực để vượt qua khoảng cách xa hơn gấp 5 lần so với ATACMS.
Cho đến nay, vẫn chưa có cuộc thảo luận công khai nào về việc cung cấp tên lửa Tomahawk cho Ukraine, nhưng Lầu Năm Góc đang xem xét viện trợ một một loại tên lửa hành trình khác có kích thước nhỏ hơn và khả năng tàng hình tốt hơn cho quân đội Kiev.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa
Tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân và được phóng từ các hầm ngầm hoặc từ tàu ngầm. Tên lửa đạn đạo liên lục địa đang được Mỹ, Nga và Trung Quốc nghiên cứu và phát triển. Đây là loại vũ khí bay nhanh hơn gấp 5 lần tốc độ âm thanh và có khả năng tự động tránh hệ thống phòng thủ của đối phương.
Vũ khí siêu thanh
Ngoài ra, Lầu Năm Góc đang phát triển hai loại vũ khí siêu thanh có khả năng bay xa từ vài trăm đến vài nghìn km. Không giống như hầu hết các loại tên lửa mang thuốc nổ khác, đầu đạn của chúng là một khối vonfram rắn — một kim loại có mật độ dày hơn chì khoảng 70%. Loại vũ khí này có thể di chuyển với tốc độ lớn hơn Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh). Với khả năng di chuyển nhanh chóng, linh hoạt hơn nhiều so với vũ khí thông thường, vũ khí siêu thanh khó bị phát hiện và đánh chặn, tạo thách thức lớn đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vov.vn
Tham gia bình luận