Nỗ lực tái thiết Gaza trước hậu quả thảm khốc do xung đột để lại

Nỗ lực tái thiết Gaza trước hậu quả thảm khốc do xung đột để lại

Xung đột tại dải Gaza sắp bước sang tháng thứ 7. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, mức độ tàn phá tại dải đất này là chưa từng có kể từ Thế chiến II và việc tái thiết hậu xung đột có thể tiêu tốn ít nhất từ 40 tới 50 tỷ USD.

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa đưa ra báo cáo đánh giá như một phần trong nỗ lực gây quỹ dành cho kế hoạch tái thiết Gaza. Đánh giá của UNDP nêu rõ, hơn 79.000 ngôi nhà ở Gaza đã bị phá hủy hoàn toàn trong xung đột và 370.000 ngôi nhà khác bị hư hại. Trường học, cơ sở y tế, đường sá, hệ thống đường ống nước và tất cả cơ sở hạ tầng quan trọng khác đều chịu thiệt hại nặng nề. UNDP kết luận, ngay cả trong những kịch bản lạc quan về tốc độ tái thiết, quy mô tàn phá ở Gaza kể từ đầu xung đột khiến quá trình tái thiết vùng lãnh thổ này có thể kéo dài đến năm 2040 và thậm chí là hàng thập kỷ.

Ngoài ra, báo cáo đánh giá của Liên Hợp Quốc còn đề cập chỉ số phát triển con người, đánh giá các yếu tố bao gồm số năm đi học, trình độ học vấn, sức khỏe và tuổi thọ người dân.

Ông Abdallah al-Dardari, Giám đốc văn phòng khu vực dành cho các quốc gia Arab tại Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) kêu gọi cấp 100 triệu USD để bắt đầu lên kế hoạch xây dựng lại Gaza bất chấp giao tranh vẫn đang diễn ra: "Tỷ lệ nghèo đói tăng lên đáng kinh ngạc, từ 38% lên 60%, thậm chí hơn 60% chỉ trong sáu tháng đầu của cuộc xung đột và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa nếu chiến sự tiếp tục kéo dài sang tháng thứ 9.

Chỉ số Phát triển Con người của Palestine nói chung, không chỉ ở Gaza, mà đối với toàn bộ các vùng lãnh thổ của Palestine, Đông Jerusalem, Bờ Tây và Gaza, đã tụt lùi 20 năm. Riêng với Gaza, nó đã tụt lùi hơn 40 năm. Tất cả các khoản đầu tư vào phát triển con người trong 40 năm qua ở Gaza đã bị xóa sổ. Chúng ta gần như đang quay trở lại những năm 1980”.

Tổng sản phẩm quốc nội của các vùng lãnh thổ Palestine được ước tính sẽ giảm 26,9%, tương đương mức lỗ 7,1 tỷ USD so với mức cơ bản không có xung đột vào năm 2023. Nếu xung đột kéo dài sáng tháng thứ 9, tỷ lệ nghèo ước tính lên tới 60,7%, gấp 2,25 lần mức trước xung đột. Tỷ lệ thất nghiệp trên khắp các vùng lãnh thổ Palestine có thể lên tới 46,7% sau 7 tháng xung đột.

Không chỉ tàn phá hạ tầng trên quy mô lớn, xung đột còn gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại dải Gaza. Trong bối cảnh hạn chế về số lượng xe tải viện trợ được phép vào Dải Gaza, các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các nhóm viện trợ đã kêu gọi Israel mở thêm nhiều tuyến đường bộ tới Gaza để tạo điều kiện tiếp cận viện trợ và cảnh báo về nạn đói. Liên Hợp Quốc hối thúc cộng đồng quốc tế cần hành động nhanh chóng để cung cấp lại nhà ở cho người dân và đưa cuộc sống của người dân ở Gaza trở lại bình thường về mọi mặt kinh tế, xã hội, y tế và giáo dục.

Về nỗ lực khôi phục hệ thống y tế ở Dải Gaza, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác trong khu vực đã bắt đầu công việc dọn dẹp Bệnh viện Nasser, bệnh viện lớn thứ hai ở Dải Gaza nhằm sớm đưa cơ sở y tế này hoạt động trở lại, phục vụ công tác cứu chữa bệnh nhân.

Liên quan tình hình chiến sự, hôm qua (2/5 giờ địa phương), nội các chiến tranh Israel đã thảo luận khả năng Hamas từ chối đề xuất mới nhất về thỏa thuận trao đổi con tin và kế hoạch triển khai chiến dịch quân sự ở Rafah bất chấp những lo ngại và phản đối từ quốc tế.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận