Nước Nga thời Putin cải cách ra sao và thách thức phương Tây như thế nào?

Nước Nga thời Putin cải cách ra sao và thách thức phương Tây như thế nào?

Ưu thế của Putin và nước Nga trong thời kỳ “chiến dịch quân sự đặc biệt”

Trong 27 quốc gia thành viên EU, chỉ có 7 nước gửi đại diện tới dự lễ nhậm chức tổng thống Nga nhiệm kỳ 5 của ông Putin, tổ chức vào ngày 7/5/2024.

Tuy nhiên sự ủng hộ dành cho ông Putin bên trong nước Nga lớn hơn rất nhiều sau khi ông chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3/2024, dựa trên những thành công về quân sự và kinh tế của nước Nga dưới sự dẫn dắt của ông.

Trong buổi lễ nhậm chức, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng “tự chúng ta sẽ quyết định số phận của nước Nga, vì thế hệ ngày nay và tương lai”.

Mối quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc đã giúp Nga vượt qua được các lệnh trừng phạt hà khắc do phương Tây áp đặt. Việc Nga sử dụng hệ thống thanh toán UnionPay của Trung Quốc đã giúp Nga bớt khó khăn khi Mỹ cấm Nga tham gia hệ thống thanh toán SWIFT và các hệ thống khác do phương Tây kiểm soát. Nga và Trung Quốc nhất trí giao dịch hàng hóa năng lượng bằng đồng nội tệ của nhau vào năm 2022 cũng giáng đòn mạnh vào năng lực của Mỹ khi sử dụng thế thượng phong của đồng USD để chống lại đối thủ của mình.

Các động thái như vậy đã dọn đường cho hệ thống tài chính toàn cầu thoát khỏi sự thống trị của phương Tây, đồng thời cũng mang lại những lợi ích kinh tế cụ thể cho Nga. Các dữ liệu gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Nga trong năm 2024 thậm chí còn cao hơn các đối thủ châu Âu.

Thắng lợi của quân đội Nga trên chiến trường Ukraine cũng phần nào cho thấy ưu thế công nghệ của Nga khi giúp binh sĩ nước này vô hiệu hóa các loại vũ khí tiên tiến của NATO cung cấp cho Ukraine.

Viện nghiên cứu Liên quân chủng hoàng gia Anh (RUSI) thừa nhận rằng tác chiến điện tử của Nga đã hạ được 90% UAV mà phương Tây cung cấp cho Ukraine.

Mikael Valtersson, cựu sĩ quan Lực lượng vũ trang Thụy Điển, nhận xét rằng Nga đã không bị sụp đổ do các lệnh trừng phạt kinh tế cũng như không bị thất bại quân sự trên chiến trường Ukraine như mong muốn của phương Tây.

Ông Valtersson nói: “Kinh tế Nga tăng trưởng 3,6% trong năm 2023 và giờ đã vượt qua kinh tế Đức về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xét về sức mua tương đương… Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga năm 2024 có thể cao nhất trong các nước phát triển. Thành công của Nga cả về kinh tế và quân sự dĩ nhiên đã củng cố vị thế của ông Putin và không có gì ngạc nhiên khi ông nhận được trên 80% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3”.

Sau lễ nhậm chức nhiệm kỳ 5, Tổng thống Putin phát biểu vạch ra những khía cạnh chính trong chính sách đối nội và đối ngoại sắp tới của ông.

Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga sẵn lòng tham gia đối thoại với khối phương Tây trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Ông nhấn mạnh rằng Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy trật tự thế giới đa cực và một hệ thống an ninh thống nhất.

Chuyên gia Valtersson dự báo Tổng thống Putin sẽ tập trung vào gia tăng mức độ độc lập của Nga về kinh tế và công nghệ trước phương Tây và tăng cường quan hệ với các nước không thuộc phương Tây.

Những cải cách lâu dài kiểu Putin, coi trọng truyền thống và bản sắc dân tộc

Khi dẫn dắt nước Nga vào cuộc xung đột vũ trang với Ukraine, Tổng thống Putin đã định hình xã hội sang một trạng thái mới, có tính quân sự hóa cao và coi phương Tây là đối thủ sinh tử.

Việc ông Putin nhậm chức tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 5 vào ngày 7/5/2024 không chỉ đánh dấu 25 năm cầm quyền của ông mà còn cho thấy Nga đã dịch chuyển thành một “cường quốc cách mạng” theo cách gọi của giới bình luận thân Kremlin. Cụ thể ở đây, cường quốc đó đòi hỏi phải thay đổi trật tự toàn cầu bấy lâu nay.

Dmitri Trenin - một nhà phân tích thân Nga, viết: “Người Nga hiện sống trong thực tế hoàn toàn mới”. Ông này cho rằng việc Nga thay đổi theo hướng chống phương Tây “mang tính triệt để và tầm vóc” cao hơn tất thảy những gì được dự báo khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Nhưng theo Trenin, đây cũng là “một nhân tố tương đối nhỏ trong quá trình chuyển đổi rộng lớn hơn đang diễn trong nền kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, đời sống tinh thần và trí tuệ của Nga”.

Để thực hiện sự cải biến này, điện Kremlin đã tiến hành một số công việc:

1- Cải cách giáo dục ở tất cả các cấp để xây dựng tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ. Chương trình học còn bao gồm các bài học quân sự bắt buộc mang tên “Các vấn đề cơ bản về bảo vệ Tổ quốc”, trong đó có cả nội dung sử dụng súng AK, lựu đạn và UAV.

2- Khuấy động tinh thần ủng hộ hoạt động tác chiến của quân đội Nga trên chiến trường Ukraine thông qua biểu tượng Z, vốn ban đầu được sơn lên sườn xe tăng Nga tiến vào Ukraine nhưng nay biểu tượng đó đã lan ra cả các tòa nhà chính quyền, áp phích, trường học và các cuộc tuần hành.

3- Đề cao vai trò lịch sử của nguyên soái Stalin. Có tới 95 tượng đài (trong tổng số 110 tượng đài Stalin) được dựng lên trong thời gian ông Putin làm lãnh đạo nước Nga.

Dưới thời Putin, lãnh tụ Liên Xô Stalin được đề cao và quảng bá rộng rãi như một thủ lĩnh mạnh mẽ thời chiến. Theo một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Levada tiến hành vào năm 2023, có tới 63% người Nga được hỏi bày tỏ thái độ tích cực về Stalin, 47% số người được hỏi thậm chí còn tỏ ra tôn kính Stalin.

Tổng thống Putin cũng là một trong những người ngưỡng mộ lãnh tụ Stalin. Hồi năm 2002, ông Putin chia sẻ rằng ông dành sự ngưỡng mộ lớn lao cho 3 nhà lãnh đạo là Pi-e Đại đế, Caherine Đại đế và Stalin, những người khát khao xây dựng một nước Nga vĩ đại.

Tổng thống Nga Putin thực tế đã nỗ lực chuyển đổi nước Nga từ cả trước khi nổ ra xung đột quân sự với Ukraine vào tháng 2/2022.

Trước khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Tổng thống Nga Putin công bố sắc lệnh được xem là sống còn đối với an ninh quốc gia của Nga. Sắc lệnh này kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ “các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga”, coi Mỹ như mối đe dọa trực tiếp.

Sắc lệnh có đoạn: “Các mối đe dọa giá trị truyền thống xuất phát từ những tổ chức cực đoan, khủng bố, một số nền tảng truyền thông mới, hành động của Mỹ và các nước không thân thiện khác”. Theo sắc lệnh này, một mục tiêu trọng yếu của Nga là “đặt nhà nước Nga lên trường quốc tế với tư cách người chăm sóc và bảo vệ các giá trị tinh thần và đạo đức phổ quát truyền thống”.

Tổng thống Putin mô tả xung đột Nga - Ukraine là cuộc chiến thần thánh. Cách nói này ngày càng được các quan chức Nga cũng như Giáo hội Chính thống giáo Nga lặp lại.

Xây dựng tầng lớp tinh hoa kiểu mới

Một thành viên trong giới tinh hoa Moscow thậm chí còn coi nỗ lực của ông Putin định hình một bản sắc dân tộc mới cho Nga là “sâu sắc ngang với Cách mạng tháng Mười” vào năm 1917.

Mikhail Zygar - một nhà báo người Nga giờ sống ở New York (Mỹ) cho rằng xung đột Nga - Ukraine thực chất là xung đột giữa Nga với Mỹ và phương Tây.

Trong thông điệp Liên bang vào tháng 2/2024, Tổng thống Putin nêu lý do ông thúc giục phụ nữ Nga sinh thêm con và tạo ra một tầng lớp công nhân và binh sĩ tinh hoa mới.

Ông Putin nói: “Chúng ta có thể thấy những gì đang diễn ra ở một số quốc gia nơi các tiêu chuẩn đạo đức và gia đình đang bị cố tình phá hủy, toàn bộ các dân tộc đang bị đẩy tới chỗ suy thoái, diệt vong… Chúng ta đã lựa chọn sự sống. Nga đã và vẫn là pháo đài bảo vệ các giá trị truyền thống mà nền văn minh nhân loại dựa vào đó”.

Ông cho rằng giới tinh hoa mới không phải là giới tài phiệt cũ - những kẻ chẳng làm gì cho xã hội nhưng lại tự coi mình là tầng lớp đặc quyền đặc lợi, đặc biệt là những ai đã lợi dụng tình hình thập niên 1990 để làm giàu nhanh chóng. Theo ông Putin, những công nhân chăm chỉ và những quân nhân quả cảm, trung thành mới là “tầng lớp tinh hoa thực sự”.

Phát ngôn viên điện Kremlin - Dmitri Peskov giải thích rằng mục đích ở đây là “khuyến khích người dân sinh càng nhiều càng tốt” để gia tăng dân số Nga.

Ám ảnh từ lâu về đà suy giảm dân số của Nga, Tổng thống Putin đã hối thúc phụ nữ Nga sinh từ 7 - 8 đứa trẻ trở lên. Trong bài phát biểu hồi tháng 11/2023, ông Putin nói: “Trong gia đình Nga, nhiều cụ kỵ của chúng ta có 7 - 8 người con, thậm chí hơn thế. Chúng ta hãy bảo tồn và làm sống lại truyền thống tuyệt vời đó”.

Thư ký báo chí của tổng thống Nga, Peskov, nói rằng điện Kremlin sẽ “tiếp tục tuyên truyền về điều này, theo nghĩa tích cực của từ này”.

Nga cũng đã cấp hơn 3 triệu hộ chiếu cho các cư dân ở miền Đông Ukraine kể từ năm 2019, theo chính Bộ Nội vụ Nga. Tại Crimea, Nga đã phát hơn 1,5 triệu hộ chiếu sau khi sáp nhập bán đảo này vào năm 2014.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh đến tinh thần tự lực cánh sinh và chủ nghĩa khắc kỷ của người Nga trong nhiều thế kỷ, cũng như thái độ hy sinh quyền lợi cá nhân để phục vụ tập thể, phục vụ nhà nước.

Nhật báo thương mại Nga RBC đưa tin, theo số liệu ngân sách liên bang, ngân sách của Nga dành cho giáo dục yêu nước và huấn luyện quân sự đối với thiếu nhi đã tăng từ 34 triệu USD trong năm 2021 lên mức 500 triệu USD trong năm 2024.

Yekaterina Kolotovkina - vợ của Tư lệnh Quân đoàn binh chủng hợp thành cận vệ số 2 (Nga), cho rằng những quân nhân trở về sau khi tham gia “chiến dịch quân sự đặc biệt” phải được xem là tầng lớp tinh hoa mới. Bà nói: “Đây là những người đã chứng tỏ tình yêu nước Nga. Họ là những người ái quốc thực sự. Họ phải nhận được công việc xứng đáng trong các thể chế nhà nước””.

Bà Kolotovkina nói tiếp: “Nước Nga mới liên quan nhiều đến các giá trị gia đình. Con cái chúng tôi phải mạnh khỏe và yêu nước. Chúng tôi sẽ loại bỏ những ai bắt đầu hủy hoại đất nước chúng tôi”.

Xem thêm:

>> Vì sao ông Putin luôn thắng trong bầu cử tổng thống Nga?

>> Những vấn đề nóng bỏng và chiến lược trong phát biểu của Tổng thống Nga Putin

>> Thông điệp cứng rắn của Tổng thống Nga Putin gửi tới Ukraine

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận