Phương Tây bất đồng trước các cuộc không kích của Anh, Mỹ chống Houthi

Phương Tây bất đồng trước các cuộc không kích của Anh, Mỹ chống Houthi

Sự khác biệt trên đã bộc lộ chia rẽ ở phương Tây về cách đối phó với Houthi, lực lượng đã nhắm mục tiêu vào các tàu dân sự ở Biển Đỏ trong nhiều tuần qua. Máy bay chiến đấu, tàu và tàu ngầm của Mỹ và Anh đã tiến hành hàng chục cuộc không kích khắp Yemen trong đêm để trả đũa các cuộc tấn công liên tục của Houthi vào một trong những tuyến đường vận chuyển thương mại bận rộn nhất thế giới.

Các quan chức Mỹ cho biết Hà Lan, Australia, Canada và Bahrain đã hỗ trợ hậu cần và tình báo cho chiến dịch này. Ngoài ra, Đức, Đan Mạch, New Zealand và Hàn Quốc đã ký vào tuyên bố chung với 6 quốc gia kể trên để biện minh cho các cuộc không kích và cảnh báo về các hành động tiếp theo để bảo vệ thương mại qua Biển Đỏ nếu Houthi không chịu lùi bước.

Văn phòng Thủ tướng Italy giải thích rằng nước này đã từ chối ký vào tuyên bố chung và từ chối tham gia vào các cuộc tấn công vì muốn theo đuổi chính sách "bình tĩnh" ở biển Đỏ.

Trong khi đó, Pháp tỏ ra lo ngại  nếu tham gia các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu, họ sẽ mất đi mọi đòn bẩy trong các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Hezbollah và Israel. Pháp tập trung phần lớn hoạt động ngoại giao trong những tuần gần đây vào việc tránh leo thang xung đột ở Lebanon.

Cùng ngày, Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc cho biết cơ quan này “rất quan ngại” về tình trạng leo thang sau khi các máy bay chiến đấu, tàu và tàu ngầm của Mỹ và Anh tiến hành hàng chục cuộc không kích khắp Yemen trong đêm nhằm trả đũa lực lượng Huthi vì trong nhiều tháng qua đã tấn công vào tàu vận tải qua lại trên Biển Đỏ.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh: “Tổng thư ký nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh những hành động có thể làm tình hình ở Yemen trở nên tồi tệ hơn. Ông kêu gọi thực hiện mọi nỗ lực để đảm bảo rằng Yemen theo đuổi con đường hòa bình và không làm gián đoạn tiến trình nhằm chấm dứt xung đột ở Yemen. Như Tổng thư ký đã nói, mọi gián đoạn giao thông trên tuyến đường thủy ở Ấn Độ Dương, Biển Đỏ, hay kênh đào Suez có thể có tác động thảm khốc đến tình hình kinh tế toàn cầu và tác động vô cùng lớn đến tình hình nhân đạo”.

Các nhân chứng xác nhận các vụ nổ tại các căn cứ quân sự gần sân bay ở thủ đô Sanaa và Taiz, thành phố lớn thứ 3 của Yemen, một căn cứ hải quân tại cảng Hodeidah ở Biển Đỏ của Yemen và các địa điểm quân sự ở tỉnh ven Hajjah.

Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết các cuộc tấn công đã nhắm vào khả năng lưu trữ, phóng và tên lửa dẫn đường tên lửa hoặc máy bay không người lái của Houthi và tác động của các cuộc không kích này đang được đánh giá.

Houthi, lực lượng đã kiểm soát phần lớn Yemen trong gần một thập kỷ, cho biết 5 tay súng của họ đã thiệt mạng trong tổng số 73 cuộc không kích. Nhóm này tuyên bố sẽ trả đũa và tiếp tục tấn công tàu bè trên biển đổ, hành động mà họ cho là nhằm hỗ trợ Hamas.

Một số tàu chở dầu lớn đã chuyển hướng khỏi Biển Đỏ sau khi Mỹ và Anh tấn công vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen, trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về nguy cơ cuộc chiến Israel-Hamas lan ra khu vực.

Trong một dấu hiệu leo thang hơn nữa, Iran hôm qua đã bắt giữ một tàu chở dầu thô của Iraq đang trên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ việc  xảy ra gần eo biển Hormuz, giữa Oman và Iran vốn là một tuyến đường vận chuyển quan trọng khác đối với thương mại toàn cầu. Giá dầu đã tăng khoảng 3% với giá dầu thô Brent giao dịch trên 80 USD. Nhiều công ty vận tải biển trong những tuần gần đây đã chọn cách tránh khu vực Biển Đỏ do rủi ro ngày càng cao.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận