Điểm dừng chân bất ngờ của tàu ngầm hạt nhân hải quân Mỹ

Điểm dừng chân bất ngờ của tàu ngầm hạt nhân hải quân Mỹ

Chú thích ảnh
Tàu USS Newport News đã có cập cảng lịch sử tại Iceland. Ảnh: Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu-châu Phi

Theo báo Business Insider (BI), ngày 9/7, tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles USS Newport News đã lần đầu tiên cập cảng Iceland.

Một đô đốc cấp cao nhận định chuyến thăm quốc đảo Bắc Âu chưa từng có này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh NATO ngày càng lo ngại về hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của Nga trên khắp Bắc Cực và vùng Cực Bắc.

Đô đốc Stuart Munsch, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu-châu Phi, cho biết việc tàu ngầm Mỹ có nhiều địa điểm cập cảng tại khu vực chiến lược này là rất có giá trị.

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với BI từ thủ đô Reykjavík của Iceland, Đô đốc Munsch cho biết lần thăm Iceland này "đóng vai trò quan trọng vì nó gửi tín hiệu chiến lược tới các đối thủ về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực" và để trấn an các đồng minh của Washington.

Với vị trí địa lý chiến lược, Iceland được Mỹ đánh giá là trọng tâm trong chiến lược Bắc Cực của nước này. Quốc gia này gia nhập NATO với tư cách là thành viên sáng lập vào năm 1949, nhưng không giống như các thành viên khác của liên minh, Iceland không có quân đội. Tuy nhiên, Iceland đã từng là nơi đồn trú của quân đội phương Tây trong Chiến tranh Lạnh, bao gồm cả sự hiện diện đáng kể của Mỹ.

"Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã duy trì một căn cứ không quân hải quân tại đây" và dựa vào các phương tiện được bố trí tại đây "để theo dõi các hoạt động của tàu ngầm Liên Xô, sau đó là các hoạt động của tàu ngầm Nga", Đô đốc Munsch nói về Iceland.

Ông cho biết "điều quan trọng đối với chúng tôi là có thêm lựa chọn cho các điểm cập cảng" và duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực trải dài từ Greenland đến Iceland và Vương quốc Anh. Đó là một điểm then chốt được nêu trong chiến lược Bắc Cực năm 2024 của Lầu Năm Góc.

Mặc dù chiến lược này nêu bật mối quan tâm ngày càng tăng về quân sự và kinh tế của Nga tại Bắc Cực, nhưng nó cũng nhấn mạnh đến những nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Mỹ coi Iceland là yếu tố quan trọng trong nỗ lực an ninh và răn đe của mình, vì hai đối thủ đang tìm cách thể hiện sức mạnh vào khu vực chiến lược.

Cùng ngày diễn ra chuyến thăm của tàu ngầm, Erin Sawyer, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Iceland, cho biết Washington và Reykjavik duy trì mục tiêu chung là duy trì căng thẳng ở mức thấp tại Bắc Cực, đồng thời “nhận thức đầy đủ về những nỗ lực của Nga trong việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực này”.

Hải quân Mỹ đã hợp tác với chính phủ Iceland trong nhiều năm, nhưng chủ yếu là từ xa. Còn việc chính thức cập cảng sẽ đánh dấu mốc quan trọng, mang ý nghĩa một tàu Mỹ có thể cập cảng để hỗ trợ việc điều động nhân sự hoặc tiếp tế hàng hóa.

Năm 2023, Iceland đã chào đón tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Mỹ vào vùng biển lãnh hải của mình. Tuy nhiên, việc tàu Newport News cập cảng tuần này - neo đậu tại một cầu tàu và đưa thủy thủ đoàn lên bờ - đánh dấu một bước ngoặt mới trong mối quan hệ.

Hơn 40 tàu ngầm lớp Los Angeles đang hoạt động, chiếm một phần đáng kể trong hạm đội tàu ngầm tấn công nhanh của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, các tàu lớp Virginia mới hơn đã đảm nhận vai trò ngày càng quan trọng. USS Newport News, một tàu ngầm lớp Los Angeles cuối những năm 1980, được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk và ngư lôi, đã thực hiện các nhiệm vụ trên khắp thế giới.

Năng lực hoạt động dưới nước được coi là nền tảng của sức mạnh hải quân Hoa Kỳ. "Lực lượng tàu ngầm đã hoạt động trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ nay. Thực sự không có khu vực nào mà chúng tôi từng nhượng lại cho bất kỳ ai khác”, Đô đốc Munsch nhấn mạnh.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận