Quân sự thế giới hôm nay (22-12): Xe tăng Strv 122 mạnh cỡ nào?

Quân sự thế giới hôm nay (22-12): Xe tăng Strv 122 mạnh cỡ nào?

* Xe tăng Strv 122 mạnh cỡ nào?

Theo thông tin do truyền thông Nga công bố mới đây, đã có sự xuất hiện của xe tăng Strv 122 của Thụy Điển trên chiến trường Ukraine.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Strv 122 của Thụy Điển được trang bị giáp và hỏa lực tiên tiến. Ảnh: Militarnyl 

Với vũ khí mạnh, khả năng bảo vệ và công nghệ tiên tiến, Strv 122 đã nổi lên như một mối đe dọa nghiêm trọng, đặc biệt là trong các cuộc giao tranh trực tiếp, bởi xe tăng này sở hữu hỏa lực và khả năng phục hồi vượt trội.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Strv 122 là một phiên bản sửa đổi từ mẫu Leopard 2A5 do Đức sản xuất, có một số nâng cấp đáng kể về khả năng tự bảo vệ. Là sản phẩm hợp tác giữa Thụy Điển và Đức, Strv 122 kết hợp thêm lớp giáp, hệ thống phòng thủ hiện đại và các tính năng giúp tăng cường đáng kể khả năng sống sót so với Leopard 2A5.

Vũ khí chính của Strv 122 là pháo nòng trơn Rheinmetall Rh120/L44, có khả năng bắn đạn xuyên giáp DM53A1 với sơ tốc đầu nòng 1.670m/giây. Loại đạn này có thể xuyên thủng 700-730 mm giáp cán đồng nhất (RHAe), cho phép Strv 122 vô hiệu hóa các xe tăng hiện đại ở tầm trung và tầm xa.

Một trong những nâng cấp đáng chú ý nhất là việc sử dụng giáp composite và mô-đun cải tiến. Strv 122 có lớp giáp phía trước trên tháp pháo và thân xe, mang lại khả năng chống chịu tốt hơn trước các đầu đạn xuyên phá động năng và đầu đạn nổ định hình. Thiết kế mô-đun cho phép thay thế hoặc nâng cấp các phần giáp bị hư hỏng ngay tại chiến trường, tăng cường khả năng phục hồi nhanh chóng.

Strv 122 cũng được tích hợp giáp phản ứng nổ (ERA) tiên tiến được thiết kế để chống lại các loại đạn có đầu đạn nối tiếp. Những bổ sung này cung cấp khả năng bảo vệ trước các tên lửa chống tăng hiện đại.

Ngoài những cải tiến về giáp thụ động, Strv 122 còn được trang bị bộ hỗ trợ phòng thủ (DAS) hiện đại, bao gồm các bộ thu cảnh báo laser, cảnh báo cho kíp lái khi xe tăng bị nhắm mục tiêu và súng phóng lựu khói để che xe tăng khỏi các hệ thống ngắm mục tiêu quang học và hồng ngoại.

* Nga giới thiệu phương tiện tự hành Klavesin-1RE tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, diễn ra từ ngày 19 đến 22-12 tại Sân bay Gia Lâm, Hà Nội, Nga đã giới thiệu phương tiện tự hành dưới nước (AUV) Klavesin-1RE do Cục thiết kế Rubin phát triển để thám hiểm vùng biển sâu và trinh sát dưới nước.

Mô hình AUV Klavesin-1RE của Nga tại Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2024. Ảnh: Army Recognition 

AUV Klavesin-1RE có khả năng hoạt động ở độ sâu lên tới 6.000m và phạm vi hoạt động khoảng 300km. Phương tiện được trang bị một bộ cảm biến toàn diện, bao gồm sonar quét sườn tần số cao và thấp, máy quét điện từ và máy đo độ sâu, cho phép phương tiện phát hiện và xác định các vật thể dưới đáy biển một cách chính xác. Ngoài ra, Klavesin-1RE còn được lắp đặt hệ thống camera hỗ trợ khảo sát trực quan chi tiết về địa hình và vật thể dưới nước.

Là phương tiện tự hành, Klavesin-1RE có thể thực hiện các nhiệm vụ được lập trình sẵn trong khi vẫn duy trì liên lạc qua các liên kết thủy âm và vô tuyến. Phương tiện có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ, khiến Klavesin-1RE trở thành một công cụ linh hoạt cho cả mục đích quân sự và dân sự.

* Boeing bàn giao máy bay huấn luyện T-7A Red Hawk cuối cùng cho Quân đội Mỹ

Mới đây, công ty Boeing Defense của Mỹ công bố đã bàn giao máy bay huấn luyện phản lực tiên tiến T-7A Red Hawk cuối cùng, được định danh là APT-5, cho Không quân Mỹ (USAF). Thành tựu này đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa chương trình đào tạo phi công của lực lượng không quân.

Máy bay huấn luyện Boeing T-7A Red Hawk, với thiết kế đuôi đỏ đặc trưng, đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa chương trình đào tạo phi công cho Không quân Mỹ. Anh: Boeing Defense

T-7A Red Hawk do Boeing và Saab cùng phát triển để thay thế máy bay T-38 Talon đã cũ và chuẩn bị cho phi công lái máy bay chiến đấu và máy bay ném bom thế hệ tiếp theo, như F-35 Lightning II và B-21 Raider.

Được trang bị một động cơ General Electric F404 duy nhất, máy bay này có tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao, khả năng cơ động đặc biệt và hiệu suất tốc độ cận âm, phù hợp với nhiều tình huống huấn luyện khác nhau. Buồng lái bằng kính tiên tiến có hệ thống điều khiển fly-by-wire kỹ thuật số và hệ thống điện tử hàng không giống máy bay chiến đấu hiện đại, cung cấp cho phi công những trải nghiệm huấn luyện thực tế, giúp họ chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi liền mạch sang các nền tảng hoạt động khác. Máy bay có hệ thống ghế phóng tiên tiến và độ ổn định khí động học được cải thiện, mang lại khả năng bảo vệ cao hơn cho các phi công tập sự.

Việc chuyển giao APT-5 là một bước tiến quan trọng trong chương trình T-7A, đảm bảo Không quân Mỹ có vị thế tốt trong đào tạo thế hệ phi công chiến đấu tiếp theo. Thành công của chương trình nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ thuật số và sự phát triển nhanh chóng trong việc duy trì lợi thế công nghệ của lực lượng không quân hiện đại.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận