‘Rạn nứt’ đồng minh, Mỹ từ chối bán trực thăng AH-64 Apache cho Israel?

‘Rạn nứt’ đồng minh, Mỹ từ chối bán trực thăng AH-64 Apache cho Israel?

Theo EurAsian Times, Mỹ đã từ chối yêu cầu mua lô trực thăng tấn công Apache mới của Israel. Yêu cầu từ Israel được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ukraine cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.

Truyền thông Israel cho biết, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã yêu cầu trực thăng tấn công Apache từ Mỹ nhưng cho đến nay vẫn bị từ chối. Hiện Israel chỉ có hai phi đội trực thăng chiến đấu trong biên chế, trong khi nhu cầu hoạt động trên không đang ngày càng tăng lên do xung đột tại dải Gaza.

Mặc dù một số báo cáo cho thấy Lầu Năm Góc đã thẳng thừng từ chối yêu cầu của Israel, nhưng một số báo cáo khác lại cho rằng quyết định cuối cùng về việc bán trực thăng vẫn chưa được đưa ra. Không có lời chính thức nào từ cả hai bên tại thời điểm viết báo cáo này và EurAsian Times không thể chứng thực một cách độc lập những tuyên bố này.

Tuy nhiên, có một sự thật là loại trực thăng tấn công này ngày càng phổ biến nhiều hơn kể từ khi nó lần đầu tiên ra mắt chiến đấu. Trong một yêu cầu viện trợ quân sự được đưa ra hồi đầu tháng 12 vừa qua, Ukraine đã gây bất ngờ khi yêu cầu cung cấp các loại vũ khí có giá trị lớn như máy bay trực thăng Apache và một số thứ khác.

AH-64 của Israel với pod tác chiến điện tử. Ảnh The Drive.

AH-64 của Israel với pod tác chiến điện tử. Ảnh The Drive.

Các chuyên gia tin rằng Ukraine sẽ không có được Apache

Những chiếc trực thăng này là cần thiết đối với Israel để cải thiện các hoạt động trên không tại Gaza và đối phó với các lực lượng dân quân khác đang hoạt động trong khu vực. Kể từ khi Israel tuyên chiến với Hamas, IDF đã ném bom toàn bộ Dải Gaza.

Theo thông tin được chia sẻ trên Mạng X, người ta đã nhìn thấy trực thăng tấn công AH-64 Apache của Israel giao chiến với phiến quân Hamas bằng súng máy 30 mm và tên lửa Hellfire.

IDF có hai phi đội bay trực thăng AH-64 Apache là 190 và 113. Khi xung đột nổ ra vào ngày 7/10, những đơn vị trực thăng khác đã được điều đến biên giới Gaza. Trong khi đó, những chiếc Apache được điều đến Bờ Tây và khu vực biên giới để đối phó với Hezbollah ở Nam Lebanon.

Bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn, chính quyền Israel vẫn từ chối đồng ý dừng các hoạt động quân sự của mình. Trong cuộc chiến chống lại Hamas, nước này cần nhiều nguồn lực hơn và máy bay trực thăng tấn công là một trong nhiều hệ thống vũ khí cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ. 

Hai phi đội đã có một nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Theo Ynet News, Tư lệnh Không quân Israel, Chuẩn tướng Tomar Bar, đã nhận được yêu cầu gọi các phi công đã nghỉ hưu ở độ tuổi 54-55 trở lại chiến đấu, trong khi độ tuổi tối đa cho các chuyến bay chiến đấu là 51.

Việc từ chối cấp trực thăng Apache diễn ra trong bối cảnh viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel tăng mạnh kể từ khi xung đột bùng nổ. Sự hỗ trợ này đạt mức cao nhất kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, bao gồm một loạt hệ thống vũ khí, đạn dược, máy bay không người lái và các vật tư quân sự quan trọng.

Những người biểu tình chống Israel và một số nhà lãnh đạo trên thế giới đã thẳng thừng đổ lỗi cho Mỹ đã hỗ trợ ném bom Gaza, vì những viện trợ quân sự này là công cụ đáp ứng hoạt động của IDF trên nhiều mặt trận khác nhau. Nếu không có sự hỗ trợ này, Israel sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu quân sự của mình.

Việc từ chối cung cấp máy bay trực thăng Apache gần đây cho thấy, có thể đã có sự rạn nứt giữa hai đồng minh. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra cảnh báo vào ngày 12/12 tại một buổi gây quỹ, tuyên bố rằng “việc ném bom bừa bãi” của Israel vào lãnh thổ Palestine, đang khiến nước này phải trả giá bằng sự lên án từ khắp nơi trên thế giới.

AH-64 của Israel. (Ảnh: MilitaryLeak)

AH-64 của Israel. (Ảnh: MilitaryLeak)

Trực thăng tấn công Apache của Mỹ là không thể thiếu

AH-64 Apache được đánh giá là trực thăng tấn công hàng đầu thế giới, máy bay có thiết kế buồng lái song song dành cho hai phi công điều khiển, trực thăng có thiết bị hạ cánh kiểu bánh đuôi và được trang bị hai động cơ. Trực thăng có khả năng hoạt động tốt trong đêm nhờ được trang bị các cảm biến đặt trên mũi. 

Dưới thân phía trước được trang bị pháo M230 30 mm. Trực thăng còn có bốn giá treo để chứa vũ khí, thường là các bệ tên lửa Hydra 70 và tên lửa AGM-114 Hellfire.

Ban đầu AH-64 chỉ sản xuất cho Quân đội Mỹ sử dụng, sau đó đã xuất khẩu sang Hy Lạp, Nhật Bản, Israel, Hà Lan, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và trở thành máy bay trực thăng tấn công chính của các quốc gia này.

AH-64 của Mỹ đã chiến đấu ở Iraq, Afghanistan, Vịnh Ba Tư, Panama và Kosovo. Israel cũng đã sử dụng AH-64 để chiến đấu ở Dải Gaza và Lebanon. Israel có hai phi đội trực thăng Apache do Mỹ sản xuất đóng tại Căn cứ Không quân Ramon trên sa mạc Negev. 

Giữa hai phi đội thì các mẫu máy bay trực thăng và tên tương ứng của chúng lại khác nhau. Trực thăng AH-64D do Phi đội 113 sử dụng được gọi là Seraph, trong khi trực thăng AH-64A do Phi đội 190 sử dụng gọi là Cobra. Lực lượng Không quân Israel tiếp tục phụ thuộc nhiều vào trực thăng Apache, loại trực thăng này rất cần thiết để có khả năng tấn công nhiều mục tiêu. 

Trong chiến dịch quân sự ở Jenin vào tháng 6/2023, Israel đã sử dụng trực thăng tấn công Apache ở Bờ Tây lần đầu tiên sau hơn 20 năm. Những chiếc trực thăng vũ trang Apache đáng gờm này được triển khai vào thời điểm đó, để hỗ trợ lực lượng biệt kích Israel và cho thấy sự quan trọng của nhiệm vụ được triển khai.

Lê Hưng(Nguồn: EurAsian Times)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận