Su-57 vs F-35: Ai sẽ làm chủ bầu trời?

Su-57 vs F-35: Ai sẽ làm chủ bầu trời?

Cũng chính từ sự kiện này, giới chuyên gia quân sự quốc tế một lần nữa đặt Su-57 Felon của Nga và F-35 Lightning II của Mỹ lên bàn cân, khi chúng sẽ có nhiều khả năng đụng độ nhau trên bầu trời. Nhất là trong bối cảnh Nga đang tăng cường xuất khẩu Su-57E tới các quốc gia đồng minh, còn Mỹ cũng tích cực cung cấp F-35 các phiên bản cho các đối tác.

Chuyên gia Mỹ dự báo về kịch bản đối đầu giữa Su-57 và F-35

Trong bình luận mới nhất, nhà báo Peter Suchiu của Tạp chí Mỹ The National Interest đánh giá về kịch bản một trận không chiến giả tưởng có thể xảy ra giữa máy bay F-35 và Su-57 với lợi thế nghiêng về máy bay thế hệ thứ 5 của Mỹ.

Tuy nhiên, The National Interest thừa nhận, kịch bản không chiến giữa 2 dòng máy bay này thuộc biên chế Không quân Nga và Mỹ là khó có thể xảy ra.

“Khả năng tiêm kích F-35 của Không quân Mỹ giao chiến với Su-57 của Nga khó có khả năng xảy ra. Thành thật mà nói, đó là điều không nên xảy ra, vì nếu một vụ va chạm như vậy xảy ra, đồng nghĩa với việc chúng ta đã bước vào Thế chiến thứ ba”, nhà phân tích của Tạp chí The National Interest, Maya Carlin đánh giá.

leftcenterrightdel
F-35 được đánh giá là máy bay hiện đại, nhưng chính điều đó khiến máy bay gặp rất nhiều vấn đề kỹ thuật. Ảnh: Getty 

Tuy nhiên, không thể loại trừ một cuộc chiến giữa F-35 và Su-57 nếu Iran được Nga cung cấp dòng máy bay chiến đấu này. The National Interest viết, trong tình huống này, Su-57 có thể va chạm với F-35 của Israel. Tuy nhiên, nếu Iran muốn có được máy bay này sẽ gặp một số khó khăn. Do là phương tiện chiến đấu hiện đại nên đòi hỏi đầu tư đáng kể vào việc đào tạo phi công và bảo trì máy bay.

Tạp chí The National Interest lưu ý: “Tehran có thể có một số phi công giỏi, nhưng họ thiếu kinh nghiệm sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, trong khi Israel và Mỹ thì có. Nếu xảy ra không chiến giữa F-35 và Su-57, lợi thế dường như nghiêng về phía F-35”.

F-35 bị nghi vấn về khả năng sẵn sàng chiến đấu

Tờ Defense One dẫn lời Văn phòng Giám sát Chính phủ Mỹ đăng tải, khả năng sẵn sàng chiến đấu của phi đội máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ 5 không đáp ứng được trong vài năm qua. Chương trình F-35 đã không đáp ứng được tiêu chuẩn quan trọng về mức độ sẵn sàng trong 6 năm liên tiếp, mặc dù chi phí vận hành và bảo trì liên tục tăng cao.

Hệ số sẵn sàng chiến đấu được tính toán dựa trên tỷ lệ thời gian mà máy bay hoạt động trên không và thực hiện ít nhất một trong các nhiệm vụ được giao. Từ năm tài chính 2018 đến 2023, Lầu Năm Góc được cho là đã chi hơn 12 tỷ USD để vận hành và bảo trì phi đội F-35.

Thống kê trên cũng cung cấp tuổi trung bình của máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ là khoảng 28 năm. Trong khi đó, các máy bay chiến đấu mới, trong đó có F-35 không cung cấp đủ lớn để thay thế các đơn vị máy bay lỗi thời.

Cần nhấn mạnh rằng, máy bay F-35 được phát triển trong khuôn khổ chương trình vũ khí đắt đỏ nhất lịch sử quân sự thế giới, ước tính lên tới 1.500 tỷ USD. Theo Bloomberg, cho đến nay, F-35 đã được biên chế cho quân đội của 9 quốc gia. Tập đoàn Lockheed Martin đã và sắp bàn giao tổng cộng 970 chiếc F-35 trong tổng số hơn 3.200 chiếc dự kiến được chế tạo.

Điều đáng nói là việc phát triển F-35 vẫn chưa được hoàn tất bởi còn tồn tại hàng loạt vấn đề về kỹ thuật. Bloomberg dẫn báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, F-35 “tiếp tục còn một số lượng lớn những thiếu sót”. F-35 còn tồn tại nhiều lỗi kỹ thuật chưa được khắc phục, mặc dù số lượng máy bay được chấp nhận bàn giao đã lên tới con số hàng trăm. Những lỗi phần cứng và phần mềm chưa được khắc phục được cho là có thể làm giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực thi nhiệm vụ và bảo dưỡng của các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này.

leftcenterrightdel

Su-57 hiện là dòng máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Không quân Nga với nhiều tính năng khác biệt so với các đối thủ phương Tây. Ảnh: Rian 

Su-57 có phải là đối thủ dễ chơi?

Nhà báo David Axe của tờ Telegraph ước tính rằng Nga chỉ sản xuất được hơn 30 máy bay chiến đấu Su-57 thế hệ thứ 5 trong 14 năm với một phần ba trong số đó là máy bay thử nghiệm. Xét về tốc độ sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình, Nga đang tụt hậu so với Mỹ, quốc gia sản xuất khoảng 150 chiếc F-35 mỗi năm. Các biện pháp trừng phạt công nghệ chống lại Nga được cho là một trong những nguyên nhân.

Tuy nhiên, đặc tính kỹ thuật của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga không thể xem thường. Nó là tổng hợp nhiều công nghệ hàng không hàng đầu của Nga và kế thừa những đặc điểm của hàng không quân sự Liên Xô.

Hệ thống radar đa phổ chống lại các mục tiêu tàng hình, hệ thống điều khiển trên khoang tích hợp trí thông minh nhân tạo e-Pilot hay khả năng mang nhiều loại vũ khí tấn công thông minh cho các nhiệm vụ đối không, đối đất, phối hợp tác chiến với UAV… là những tính năng khá đặc biệt của Su-57. Những yếu tố này kết hợp với đặc tính khí động học mạnh mẽ đã được thể hiện qua các hoạt động bay biểu diễn và diễn tập khiến máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Nga không phải là đối thủ dễ dàng.

Bản thân Không quân Nga cũng đã sử dụng Su-57 trong các hoạt động chiến đấu ở Syria và Ukraine. Chính vì thế việc nhanh chóng đưa ra đánh giá về khả năng chiếm ưu thế của F-35 trước Su-57 là khá phiêu lưu. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như phi công, vũ khí và bên nào phát hiện ra mục tiêu và bắn trước…

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận