
Theo báo Globes, sau quá trình đánh giá kéo dài hai năm, Bộ Quốc phòng Romania đã lựa chọn hệ thống phòng không Spyder của Rafael trong một gói thầu trị giá 1,9 tỷ euro (2,2 tỷ USD). Khi hợp đồng chính thức được ký kết, đây sẽ là thương vụ lớn thứ hai từ trước đến nay của một công ty quốc phòng Israel, chỉ sau hợp đồng bán Arrow 3 cho Đức trị giá 3,5 tỷ USD năm 2023.
Mặc dù không phải là một phần không thể thiếu trong hệ thống phòng không của Israel, nhưng Rafael đã bán được nhiều hệ thống Spyder ra nước ngoài. Một quan chức quốc phòng cấp cao chia sẻ: “Đây là một thương vụ rất quan trọng, mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế”.
Theo các báo cáo quốc tế, khoảng 10 quốc gia hiện đang sử dụng hệ thống Spyder, bao gồm: Cộng hòa Séc (quốc gia NATO đầu tiên mua hệ thống này), UAE, Maroc, Gruzia, Philippines, Singapore... Spyder có thể đánh chặn các mối đe dọa từ trên không ở nhiều tầm xa khác nhau, như máy bay, trực thăng, UAV và tên lửa đạn đạo tầm ngắn, nhờ hai dòng tên lửa đánh chặn Python và Derby do Rafael sản xuất.
Trong cuộc đấu thầu tại Romania, Spyder đã vượt qua các đối thủ như công ty Hàn Quốc LIG NEX1 (bị loại vì vấn đề hồ sơ), tập đoàn MBDA của Pháp với tên lửa Mistral 3, và Diehl của Đức với hệ thống IRIS.
Xung đột Nga - Ukraine từ năm 2022 đã khiến các quốc gia châu Âu đẩy mạnh xây dựng hệ thống phòng thủ nhiều lớp. Dù không được Israel đưa vào sử dụng chính thức, nhưng Spyder vẫn thu hút sự quan tâm vì tính hiệu quả, đặc biệt là trong bối cảnh chiến trường hiện đại. Tuy nhiên, so với phiên bản Vòm Sắt (Iron Dome) năm 2010, Spyder không có nhiều cập nhật phần cứng. Khác biệt chính nằm ở tên lửa đánh chặn và hệ thống chỉ huy điều khiển.
Từ khi cuộc chiến nổ ra, Bộ Quốc phòng Israel và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tận dụng Spyder để tăng khả năng phòng không dự phòng. Ví dụ, họ phát hiện một số tên lửa Python 4 trong biên chế không quân đã xuống cấp sau thời gian sử dụng dài – các mối nối giữa thân tên lửa và cánh đã yếu đi. Thay vì loại bỏ, những tên lửa này được trang bị cho các bệ phóng Spyder đặt trong nước – đặc biệt hiệu quả trong việc đánh chặn UAV.
Romania đang có kế hoạch thay thế hệ thống phòng không Hawk của Mỹ – từng là một phần của hệ thống phòng thủ Israel – bằng Spyder. Chuẩn tướng (dự bị) Ran Kochav, cựu Tư lệnh Lực lượng Phòng thủ Không quân & Tên lửa Israel, giải thích: mối đe dọa từ tên lửa đất-đối-không khác với các mối đe dọa từ không trung như tiêm kích, tên lửa hành trình và UAV. Các mối đe dọa từ không trung có khả năng cơ động cao và thường đòi hỏi hệ thống phòng không khác biệt.
Ông Kochav nói: “Nhu cầu sử dụng các hệ thống đất-đối-không của Mỹ như Patriot hay Hawk đang giảm dần, điều này đặt các hệ thống Israel vào vị thế tốt về mặt chiến lược, kỹ thuật và thương mại”.
Một lợi thế lớn của Spyder so với các hệ thống như Arrow 3 (bán cho Đức) hay David's Sling (bán cho Phần Lan với giá 317 triệu USD) là tính độc lập khỏi Mỹ. Arrow 3 và David’s Sling là sản phẩm hợp tác Mỹ-Israel, nên cần sự chấp thuận từ Chính phủ Mỹ – thậm chí là từ Tổng thống Mỹ – mỗi lần bán ra nước ngoài, khiến quy trình phê duyệt kéo dài và phức tạp.
Đôi khi, Mỹ phản đối các thương vụ vì cho rằng có sản phẩm tương đương của Mỹ trên thị trường. Ví dụ, trong thương vụ bán Arrow 3 cho Đức, Mỹ tỏ ra miễn cưỡng vì hệ thống THAAD của họ bị coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Ngược lại, Spyder là sản phẩm hoàn toàn "cây nhà lá vườn", từ thiết kế phần cứng, phần mềm đến kiến thức công nghệ.
Ngoài Rafael, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel (IAI) cũng được hưởng lợi, khi công ty con Elta cung cấp radar EL/M-2106 cho Spyder. Radar này có khả năng theo dõi cùng lúc 500 mục tiêu, hoạt động 360 độ trong mọi điều kiện thời tiết, phát hiện tiêm kích ở khoảng cách 70–110 km, trực thăng ở khoảng 40 km và UAV từ 40–60 km.
Quốc gia tiếp theo có thể mua Spyder là Hy Lạp, hiện đang xem xét xây dựng hệ thống phòng thủ nhiều lớp trị giá khoảng 2 tỷ USD. Athens muốn mua toàn bộ các lớp phòng thủ từ một nhà cung cấp duy nhất – và Barak MX có thể sẽ được mua cùng với Spyder.
Barak MX hỗ trợ nhiều loại radar và bệ phóng, có thể chống lại máy bay chiến đấu, trực thăng, UAV, tên lửa hành trình, tên lửa đất-đối-không và đất-đối-đất. Hệ thống này sử dụng các tên lửa đánh chặn tiên tiến, gồm Barak MRAD (tầm ngắn, tốc độ cao, dùng động cơ một xung), Barak LRAD (tầm trung, dùng động cơ hai xung), Barak ER: tầm xa (lên đến 150 km), trang bị thêm booster, radar dẫn đường tiên tiến. Tất cả các động cơ được sản xuất bởi công ty nhà nước Tomer – đơn vị đi đầu trong lĩnh vực động cơ tên lửa.
Không giống Spyder – vốn chỉ được Israel dùng như một phương án bổ sung – hệ thống Barak đóng vai trò then chốt trong phòng thủ đất nước. Phiên bản Barak Magen với tên lửa LRAD được triển khai trên các tàu Saar 6, đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch đối phó Iran từ biển. Không quân Israel cũng dùng Barak để đánh chặn các tên lửa từ Iran.
Chuẩn tướng Kochav kết luận: “Các hệ thống của Israel đã chứng minh năng lực vượt trội trên mọi mặt trận, đặc biệt là trong cuộc chiến gần đây với Iran. Thành công này đến từ tri thức chuyên sâu, năng lực công nghệ và kinh nghiệm chiến đấu thực tế của ngành công nghiệp quốc phòng Israel – đặc biệt là với Barak và Arrow của IAI”.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: baotintuc.vn
Tham gia bình luận