Trong chiến tranh hiện đại, ngư lôi chống hạm lẫn chống ngầm đang dần nhường chỗ cho các dòng tên lửa tấn công, khi khả năng tác chiến của chúng vượt trội hơn.
Ưu điểm của tên lửa chống ngầm:
Tên lửa chống ngầm có ưu điểm là tầm bắn xa (tầm bắn hiệu quả thông thường vào khoảng từ 20 - 60km); độ chính xác cao do được trang bị nhiều công nghệ dẫn đường hiện đại như: dẫn đường quán tính, dẫn đường thủy âm chủ động/bị động; uy lực lớn; tốc độ cao (có thể đạt tới vận tốc dưới nước là 1M). Những loại tên lửa chống ngầm phổ biến nhất hiện nay trên thế giới có thể kể tới những cái tên như: RUM-139A và UUM-44/Mỹ; Red Shark/Hàn Quốc; Y-8/Trung Quốc và 91RE1và 91RE2/Nga.
![]() |
Tên lửa chống ngầm RUM-139/Mỹ. Ảnh: Seaforces |
Các loại tên lửa chống ngầm chủ yếu:
- Tên lửa chống ngầm RPK-9 Medvedka/Nga: được trang bị chủ lực cho các tàu chống ngầm cỡ nhỏ của Hải quân Nga, có thể tấn công tàu ngầm trong môi trường thủy âm phức tạp của vùng biển gần, biển nông và cả vùng biển sâu. RPK-9 có kết cấu tương tự tên lửa RUM-139A, đều gồm khoang tải ngư lôi, giảm tốc ở giai đoạn đầu, giai đoạn giữa kiểm soát và đo đạc, giai đoạn cuối dùng động cơ rocket nhiên liệu rắn. RPK-9 Medvedka có chiều dài 5,5m, đường kính thân đạn 0,4m, nặng 800kg, tầm bắn hiệu quả 27km.
Cấu hình của RPK-9, gồm động cơ tên lửa đẩy 87R, đầu đạn là ngư lôi MPT-1U, ống phóng và hệ thống điều khiển hỏa lực. Cơ chế hoạt động của RPK-9 khá độc đáo, sau khi hệ thống định vị thủy âm phát hiện tàu ngầm đối phương, sỹ quan điều khiển sẽ nạp tham số mục tiêu vào ngư lôi và phóng đi như tên lửa bình thường. Khi đến tọa độ đã định, ngư lôi sẽ tách ra khỏi tên lửa và rơi xuống nước bằng dù, kích hoạt động cơ và lao đến mục tiêu. RPK-9 sử dụng đầu dò thủy âm chủ động có thể diệt tàu ngầm đối phương ở độ sâu từ 15 - 500m.
RPK-9 được trang bị đầu tiên cho các tàu cao tốc chống ngầm Project 1141. Mỗi tàu được trang bị 2 cụm phóng chứa 8 tên lửa RPK-9. Ngoài trang bị trên tàu chiến, RPK-9 có thể được phóng từ các bệ phóng trên bờ. Gần đây, nhà sản xuất đã tiến hành nâng cấp RPK-9 Medvedka lên tiêu chuẩn Medvedka 2. Tên lửa mới sử dụng cơ cấu phóng thẳng đứng thay vì phóng nghiêng như trước và hệ thống điều khiển bay tự động cho phép tác chiến hiệu quả hơn. Việc chuyển sang cơ cấu phóng thẳng đứng giúp tên lửa dễ dàng bố trí trên các tàu chiến mới. Hải quân Nga dự định thời gian tới sẽ trang bị Medvedka 2 cho các tàu hộ tống Project 22.350.
![]() |
Tên lửa chống ngầm 91RE1/Nga. Ảnh: Wikimedia |
- Tên lửa chống ngầm 91RE1 và 91RE2/Nga: là tên lửa chống ngầm hiện đại nhất của Hải quân Nga hiện nay. Tên lửa 91RE1 thuộc biên chế của tổ hợp Kalibr-PLE (Club-S) trang bị cho tàu ngầm, 91RE2 tích hợp trong tổ hợp Kalibr-NKE (Club-N) trang bị cho các tàu chiến đấu mặt nước. 91RE1 và 91RE2 là tên lửa đạn đạo động cơ phản lực 2 tầng nhiên liệu rắn. Cả 2 loại tên lửa này được lắp ngư lôi APR-3ME (nặng 475kg, đầu đạn 74kg, đường kính 0,35m, dài 3,5m) hoặc ngư lôi chống ngầm MPT-1UME (khối lượng 300 kg, đường kính 0, 324 m, dài 3 m và đầu đạn 60kg).
Theo công bố của Nga, 91RE1 có đường kính 0.533m, dài 7,65m, khối lượng phóng 2.100kg. Tên lửa 91RE1 được phóng từ tàu ngầm qua ống phóng ngư lôi 533mm ở độ sâu từ 20 - 150 m, khi tàu ngầm đang cơ động với vận tốc 15 hải lý/giờ. Tầm bắn ở độ sâu 20 - 50m là 5 - 50km, ở độ sâu 150m là 5 - 35km.
Trong khi đó, tên lửa 91RE2 có đường kính 0.533m, dài 6,2m, khối lượng phóng 1.200kg, được phóng từ các tàu chiến đấu mặt nước có lắp giàn phóng tên lửa Club-N, tầm bắn 40km. Năm 2014, Hải quân Nga cũng đã đầu tư 1,3 triệu USD để hiện đại hóa các loại tên lửa chống ngầm thế hệ cũ, trong đó có tên lửa chống ngầm RPK-3 Metel/ RPK-4 Musson (SS-N-14 Silex), RPK-6 Vodopad và RPK-7 Veter (SS-N-16 Stallion).
![]() |
Tên lửa chống ngầm Red Shark/Hàn Quốc. Ảnh: Militaryandasianregion |
- Tên lửa chống ngầm RUM-139/Mỹ: Tên lửa chống ngầm RUM-139 được Công ty Lockheed Martin phát triển từ năm 1983 và đưa vào trang bị cho các tàu chiến đấu mặt nước của Hải quân Mỹ và đồng minh từ năm 1993 đến nay. RUM-139 được phóng bằng bệ phóng thẳng đứng Mk41. RUM-139 có chiều dài 4,89m, sải cánh 69,6m, đường kính thân 0,358m, vận tốc Mach 1, tầm bắn hiệu quả 28km. RUM-139 được trang bị hệ dẫn đường quán tính, khi tới mục tiêu được khoanh vùng, ngư lôi sẽ tách khỏi tầng đẩy và tự động tìm diệt mục tiêu. Hiện nay, trong trang bị của Hải quân Mỹ có hơn 500 quả RUM-139.
- Tên lửa chống ngầm UUM-44 Subroc/Mỹ: là loại tên lửa chống ngầm tầm xa mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm và được trang bị cho các tàu ngầm lớp Permit, Sturgeon và Los Angeles của Hải quân Mỹ. Mỗi tàu được trang bị từ 4 đến 6 quả UUM-44A. UUM-44A được phóng từ các ống phóng ngư lôi 533mm tiêu chuẩn. UUM-44A có chiều dài 4,6 m, đường kính 0,533m, nặng 1.800kg, vận tốc siêu âm, tầm hoạt động 55km, sử dụng động cơ rocket nhiên liệu rắn Thiokol TE-260G, đầu đạn hạt nhân 250 kT W-55 và sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính Kearfott SD-510.
- Tên lửa chống ngầm Y-8/Trung Quốc: Y-8 được Viện nghiên cứu 705 của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy của Trung Quốc nghiên cứu chế tạo thành công và đưa vào sử dụng từ năm 2006. Y-8 dài 5m, nặng 700kg, tầm bắn 30 km và tốc độ trong khoảng 0,9 - 0,95M; sử dụng ngư lôi 324mm và có khả năng phát hiện mục tiêu trong phạm vi 1,1 - 2,5km.
Hiện nay, Y-8 chủ yếu được trang bị cho tàu hộ tống tên lửa Type 054A. Y-8 có thể sử dụng chung hệ thống phóng thẳng đứng và hệ thống kiểm soát bắn cùng với tên lửa hạm đối không HQ-16, bệ phóng tên lửa YJ-83 trên các tàu chiến của PLAN. Báo chí Trung Quốc ca ngợi Y-8 có trình độ “tiên tiến thế giới” về phương thức phóng, tính tương thích, cự ly tấn công và độ chính xác. Y-8 có khả năng phối hợp với hệ thống định vị thủy âm của tàu; hoặc thông số về vị trí của tàu ngầm được máy bay săn ngầm và các tàu chiến khác truyền đến hệ thống điều khiển hỏa lực của tàu lắp Y-8, do đó tính linh hoạt tương đối lớn. Ngoài ra, Y-8 cũng có thể thay đổi các thông tin về mục tiêu, cài đặt lại điểm rơi theo thời gian thực, bảo đảm cho nó có thể bắn trúng vùng biển dự định.
![]() |
Tên lửa chống ngầm UUM-44 Subroc/Mỹ. Ảnh: ERKE |
- Tên lửa chống ngầm Red Shark/Hàn Quốc: Red Shark được Hàn Quốc đưa vào nghiên cứu phát triển từ năm 2000, đến năm 2009 thì chính thức đưa vào biên chế. Red Shark có chiều dài 5,7m, đường kính thân 0,38m, trọng lượng 820kg và đạt tầm bắn 20km. Tên lửa mang một quả ngư lôi chống ngầm K475 Blue Shark. Trong tác chiến chống ngầm, Red Shark được bắn đi từ bệ phóng thẳng đứng trên tàu chiến. Khi tới gần mục tiêu, ngư lôi K475 tách khỏi tên lửa và “đổ bộ” xuống mặt nước bằng dù. Sau đó, ngư lôi tự kích hoạt thiết bị dẫn đường để phát hiện và tấn công tàu ngầm. Hiện nay, Red Shark được trang bị trên các tàu khu trục lớp KDX-II/III của Hải quân Hàn Quốc. Theo kế hoạch, Hải quân Hàn Quốc sẽ nhận khoảng 60 - 70 quả Red Shark trong vòng 3 năm tới.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: kienthuc.net.vn
Tham gia bình luận