Vào giai đoạn đầu trong chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, nước này chủ yếu tiếp thu những công nghệ tên lửa của Liên Xô. Tiêu biểu như tên lửa tầm ngắn Hwasong-5, 6 và 9 sử dụng nhiên liệu lỏng dựa trên thiết kế của tên lửa Scud B và C; KN-02 và tên lửa tầm trung Rodong-1 sử dụng nhiên liệu rắn tương tự tên lửa OTR-21 Tochka.
Hầu hết các tên lửa trên đều có nguồn gốc trực tiếp từ các thiết kế trước đây của Liên Xô, ngoại trừ Hwasong-9 là một phiên bản được cải tiến từ Scud với tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn và rất cơ động trong quá trình bay.
Sau khi được triển khai, Hwasong-9 đã đặt các căn cứ của Mỹ trên khắp Nhật Bản vào trong tầm bắn. Những tên lửa của Triều Tiên sau đó còn được xuất khẩu cho một số đối tác như Pakistan, Syria và Iran.
Chương trình Taepodong 2
Trong suốt những năm 2000, các nhà phân tích phương Tây gần như nhất trí báo cáo rằng, Triều Tiên đã có trình độ công nghệ tương đối cơ bản và đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dựa trên công nghệ Scud của Liên Xô. Sau đó phương Tây đặt tên cho loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa này là Taepodong 2.
Tại Mỹ, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương, George Tenet đã đưa ra lời khai trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào cuối những năm 1990 rằng, Triều Tiên đang trên đà phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể tấn công vào lãnh thổ Mỹ.
Vào thời điểm đó, George Tenet nhận xét rằng, ngành quốc phòng Triều Tiên đã đạt được những bước tiến trong công nghệ và họ có thể giải quyết một số vấn đề kỹ thuật quan trọng trong việc phát triển tên lửa có phạm vi bắn rộng lớn, bao gồm cả các khu vực của Mỹ, mặc dù độ chính xác chưa cao.
Đề cập trực tiếp đến Taepodong 2, ông tuyên bố rằng loại tên lửa nhiên liệu lỏng hai giai đoạn có thể mang tải trọng lớn hơn để đủ tầm vươn tới đất liền khu vực Alaska và Quần đảo Hawaii. Tenet còn dự đoán thêm rằng tên lửa này có thể sẽ được phát triển thành một loại dẫn xuất ba giai đoạn, có thể bao phủ phần lãnh thổ còn lại của nước Mỹ.
George Tenet cũng nói, “Mỹ quan ngại sâu sắc về vấn đề Triều Tiên có chương trình vũ khí hạt nhân bí mật và coi những cơ sở bí mật dưới lòng đất của Triều Tiên là mục tiêu chính để Mỹ theo dõi”.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power nhiều năm sau đã trực tiếp đề cập đến Taepodong 2 khi đối đầu với các nhà ngoại giao Triều Tiên. Power cáo buộc Triều Tiên phát triển công nghệ ICBM. Truyền thông Nhật Bản cũng từng đưa tin vào tháng 8/2003 rằng, Taepodong 2 không chỉ là một mối đe dọa đối với Tokyo, mà tên lửa này còn được chuyển đến Iran, nơi Triều Tiên chuẩn bị chuyển giao một nhà máy sản xuất để hỗ trợ Iran sản xuất ICBM theo giấy phép.
Mặc dù từ lâu Triều Tiên đã phô trương khả năng tên lửa của mình như một biểu tượng sức mạnh, tuy nhiên Bình Nhưỡng chưa bao giờ công bố Taepodong 2 hoặc bất kỳ tên lửa nào như mô tả của phương Tây. Các chuyên gia quân sự phân tích chương trình Taepodong 2 trên thực tế cho thấy rằng, chưa bao giờ có một loại tên lửa như vậy, các cáo buộc chống lại Triều Tiên là hư cấu và phải đến năm 2017, Triều Tiên mới đưa ICBM đầu tiên vào sử dụng.
Taepodong 2 được cho là các phương tiện phóng vệ tinh Unha-2 và Unha-3 của Triều Tiên, được sử dụng để triển khai vệ tinh quan sát thời tiết vào không gian, với các phiên bản Kwangmyongsong-2, 3 và 4. Các phương tiện phóng được cho là sử dụng động cơ tương tự như động cơ của tên lửa Rodong, nhưng chúng không thể sử dụng làm phương tiện chiến đấu.
Sự thật về Taepodong 2
Tên lửa Unha mang trọng tải khiêm tốn so với kích thước của chúng và cần nhiều ngày để lắp ráp bằng cách sử dụng các cấu trúc giàn giáo rộng lớn, khiến chúng cực kỳ dễ bị kẻ thù tấn công do thời gian triển khai chậm.
Trong khi đó, các loại tên lửa đạn đạo của Triều Tiên thường được đánh giá cao về khả năng sống sót và được triển khai từ các bệ phóng di động, thời gian phóng tên lửa chỉ trong vài phút. Khả năng này bao gồm tất cả các loại tên lửa đạn đạo từ tên lửa chiến thuật thế hệ cũ như Hwasong-5, cho đến các ICBM mới hơn có kích thước lớn như Hwasong-17.
Về việc các bệ phóng Unha không có khả năng được sử dụng trong chiến đấu, chuyên gia hàng không vũ trụ và nhà phân tích chương trình tên lửa Triều Tiên John Schilling khẳng định: “Loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sử dụng thiết kế Unha không nằm trong kế hoạch của Bình Nhưỡng”.
Đầu tiên, chúng tôi nhầm tên lửa đó (từ các bức ảnh vệ tinh) là ICBM và đặt cho nó cái tên thú vị là Taepodong-2. Nhưng Unha rõ ràng không được tối ưu hóa cho mục đích quân sự; nó quá lớn và cồng kềnh.
Tuy nhiên, những cáo buộc rằng Triều Tiên đang thử nghiệm ICBM, thay vì theo đuổi chương trình không gian một cách hòa bình, lại là cái cớ có giá trị để các cường quốc phương Tây thúc đẩy thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế để làm suy yếu quốc gia này.
Chỉ đến cuối những năm 2010, Bộ Quốc phòng Mỹ mới báo cáo rằng Taepodong-2 chưa bao giờ được triển khai như một tên lửa, đồng thời các nhà phân tích phương Tây cũng báo cáo rằng phương tiện phóng vào không gian Unha trên thực tế chưa bao giờ được sử dụng cho mục đích quân sự.
Triều Tiên thường được giới tình báo phương Tây gọi với biệt danh là “lỗ đen tình báo”, vì vậy Taepodong 2 cũng chỉ là một trong vô số những câu chuyện giật gân trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với nước này.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vtc.vn
Tham gia bình luận