Tại sao máy bay F-16 của Ukraine vẫn chưa tham gia chiến đấu?

Tại sao máy bay F-16 của Ukraine vẫn chưa tham gia chiến đấu?

Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok với tờ Gazeta, rất khó có thể dự đoán về thời điểm Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) tung F-16 ra chiến trường vì nhiều lý do cả về mặt chiến thuật và nhiệm vụ chiến đấu.

AFU vẫn chưa có đủ một trung đoàn F-16 hoàn chỉnh

Chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok nhận định, thành công quyết định trong trường hợp xuất hiện các loại vũ khí mới trong các chiến dịch quân sự cần đáp ứng hai yếu tố quan trọng là sự bất ngờ và số lượng tham gia đủ lớn. Ở cả hai yếu tố này, máy bay F-16 của Không quân Ukraine chưa hội tụ đủ.

Việc cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine đã được Mỹ và phương Tây thảo luận cả năm qua khiến cho việc tạo bất ngờ của loại vũ khí này trước Quân đội Nga không còn. Thậm chí, những thông tin về phiên bản F-16 chuyển giao, các loại vũ khí sử dụng hay thậm chí là nhiệm vụ chiến đấu của dòng máy bay này trong biên chế AFU cũng không còn là điều bí mật.

leftcenterrightdel
Chuyến bay đầu tiên của máy bay chiến đấu F-16 viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Getty

Cùng với đó, theo thông tin từ những sĩ quan Quân đội Nga, lực lượng Hàng không-vũ trụ Nga đã nghiên cứu và phát những cuốn sổ tay hướng dẫn cách phát hiện và đánh chặn F-16 tới tất cả các đơn vị chiến đấu tham gia Chiến dịch quân sự đặc biệt. Ngoài ra, những khoản thưởng hàng chục triệu rubble cho bất kỳ quân nhân Nga nào bắn hạ chiếc F-16 đầu tiên đã khiến máy bay này trở thành “con mồi hấp dẫn” trên chiến trường.

Theo chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok, để đạt được hiệu quả chiến đấu tối ưu, AFU cần có số lượng máy bay F-16 đủ lớn để bao quát chiến trường. Điều này khó có thể đạt được trong ngắn hạn.

Hiện tại, Không quân Ukraine đã nhận được 6-10 máy bay F-16 hoặc có thể lớn hơn, nhưng khó có thể đảm bảo số lượng của trung đoàn không quân đầy đủ theo biên chế của AFU. Trong khi đó, để số lượng máy bay đủ để uy hiếp các đơn vị tác chiến không quân Nga thì cần tới ít nhất 3 sư đoàn không quân đầy đủ. Con số này có thể tăng thêm tùy vào sự tham gia của Không quân Nga tại mặt trận.

Một điều quan trọng khác chính là F-16 được thiết kế theo học thuyết tác chiến của NATO. Các máy bay không hoạt động đơn lẻ, mà có sự hỗ trợ của vệ tinh, máy bay trinh sát và cảnh báo sớm trên không. AFU hiện không có những yếu tố này.

Chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok đánh giá, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất sẽ được giao cho máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Ukraine là ngăn chặn các máy bay tiêm kích-bom mang bom lượn FAB tấn công các vị trí trên tiền tuyến.

Để hoàn thành hiệu quả nhiệm vụ này, AFU cần hệ thống trinh sát vô tuyến phát hiện thời điểm các máy bay của Nga cất cánh và theo dõi nó trên hành trình bay. Sau khi dự đoán được khu vực oanh tạc của máy bay Nga, F-16 sẽ được lệnh cất cánh, bí mật tiếp cận mục tiêu và đánh chặn bằng các loại vũ khí không đối không mang theo, thường là tên lửa đối không ngoài tầm nhìn AIM-120 AMRAAM.

Kịch bản trên chỉ có thể diễn ra nếu AFU có hệ thống radar trinh sát, điều khiển hàng không, dẫn đường mặt đất rộng khắp và tự động hóa. Và đã có thông tin về việc Ukraine đang muốn thiết lập hệ thống tương tự khi có đề xuất từ các quốc gia phương Tây cung cấp máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không Saab 340 AEW&C của Thụy Điển cho Ukraine để bù đắp cho những thiếu hụt của hệ thống radar và trinh sát mặt đất vốn đã bị tổn thất đáng kể từ đầu cuộc xung đột.

Máy bay F-16 sẽ là “bệ phóng tên lửa trên không”

Với nhiệm vụ chính như tuyên bố của Ukraine của máy bay F-16 là tiêm kích phòng không, thì dòng máy bay này sẽ phải đối đầu với các dòng máy bay tiêm kích tiên tiến của Không quân Nga là Su-35S và Su-30SM2. Rất khó có thể tìm ra sự tương đồng cán cân sức mạnh giữa F-16 (phiên bản Block 52) với các máy bay chiến đấu hiện đại, thế hệ 4+ của Nga.

Xét về mặt tương quan, Su-35S và Su-30SM2 có nhiều tính năng vượt trội so với các máy bay F-16 cũ được viện trợ cho Ukraine. Ngoài ra, AFU còn thiếu các yếu tố hỗ trợ mặt đất để Fighting Falcon có thể tiếp cận những “đối thủ” nêu trên. Chính vì thế, trong giai đoạn hiện tại, sẽ không có những cuộc không chiến giữa F-16 với các máy bay tiêm kích của Không quân Nga. Nhiệm vụ chính của máy bay F-16 có thể phương tiện mang phóng các loại tên lửa hành trình tầm xa như SCALP, Storm Shadow và có thể là AGM-158 JASSM do Mỹ cung cấp.

Hiện tại, các loại tên lửa hành trình không đối đất tầm xa do phương Tây viện trợ đang được mang phóng nhờ hoán cải các máy bay chuẩn Liên Xô cũ như Su-24, Su-27 của Ukraine nên không tận dụng được tối đa hiệu năng của vũ khí về tầm bắn, cũng như độ cao tác chiến. F-16 chính là phương tiện chiến đấu chuẩn NATO khắc phục các yếu điểm đó.

leftcenterrightdel
Vai trò đầu tiên của F-16 sẽ là bệ phóng tên lửa hành trình không đối đất tầm xa của Ukraine. Ảnh: Tên lửa AGM-158 JASSM / Defense News

Khi làm nhiệm vụ này, F-16 không cần phải tiếp cận ô phòng không của Nga, cũng như hạn chế khả năng giao chiến với các máy bay tiêm kích Su-35S và Su-30SM2. Nhiều khả năng, Không quân Ukraine sẽ được Mỹ cung cấp tên lửa cải tiến AGM-158A với tầm bắn 370km và độ chính xác rất cao. Đây là khoảng cách khá an toàn đối với máy bay F-16 trong các nhiệm vụ chiến đấu.

Chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok dự đoán, nhiều khả năng, nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên của F-16 tại Ukraine sẽ là mang tên lửa hành trình không đối đất tầm xa để tấn công tác mục tiêu nằm sâu trong hậu tuyến hoặc trên bán đảo Crimea.

Ukraine sẽ không vội đưa F-16 tham chiến không chỉ vì nó có số lượng rất ít, mà còn để tránh tổn thất gây “mất thiêng” như nhiều loại vũ khí hiện đại phương Tây viện trợ cho Ukraine. Vì vậy, máy bay F-16 của Ukraine chỉ tham chiến khi các yếu tố thành công được đảm bảo.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận