Theo Bulgarian Military, trong cuộc xung đột Nga - Ukraine loại máy bay chiến đấu Nga bị bắn hạ nhiều nhất chính là máy bay ném bom Su-34 Fullback. Theo thống kê, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột đã có 21 chiếc Su-34 bị bắn hạ hoặc hư hại trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Một số chuyên gia đặt câu hỏi rằng, tại sao Su-34 - một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Lực lượng Hàng không - Vũ trụ Nga (VKS) lại có tỷ lệ bị bắn hạ nhiều đến như vậy.
Một số ý kiến giải thích do cuộc chiến và việc máy bay bị bắn rơi là bình thường. Tuy nhiên khi so sánh Su-34 với Su-25 lại khiến mọi người bất ngờ, bởi những chiếc Su-34 hiện đại có tỷ lệ bị bắn hạ tương đương với những chiếc Su-25 có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Chiếc Su-34 đầu tiên bị bắn rơi chỉ 5 ngày sau khi cuộc xung đột bắt đầu. Từ đó đến nay, trung bình mỗi tháng có ít nhất 1,5 chiếc Su-34 bị bắn hạ hoặc bị thương. Mức tổn thất như vậy được cho là cao đối với VKS, bởi Nga mới chỉ biên chế 148 chiếc Su-34. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 15% số Su-34 đã bị bắn rơi hoặc hư hại.
Không tàng hình
Một số chuyên gia quân sự ngay lập tức chỉ ra rằng, do Su-34 không phải là máy bay tàng hình cho nên máy bay dễ bị các hệ thống radar phát hiện. Nhưng Su-25 cũng không có khả năng tàng hình và số lượng bị bắn hạ cũng tương đương Su-34.
Bên cạnh đó, Su-27 và Su-35 cũng không có khả năng tàng hình, nhưng từ đầu cuộc xung đột đến nay Nga mới mất tổng cộng 1 chiếc Su-27 và 3 Su-35. Do vậy, khả năng tàng hình của máy bay trong một cuộc chiến không phải là yếu tố quyết định đến khả năng sống sót của máy bay.
Nơi hoạt động
Su-34 thường hoạt động ở đâu? Trên thực tế, rất khó để xác định đường bay của Su-34. Nhưng theo truyền thông Nga và các báo cáo do họ công bố, Su-34 thường phải hoạt động gần các khu vực tiền tuyến của Ukraine.
Điều này có nghĩa là những chiếc Su-34 sẽ rơi vào tầm bắn không chỉ của hệ thống phòng không mà còn cả hệ thống tác chiến điện tử (EW) của đối phương. Tuy nhiên, cũng chưa có thông tin nào cho thấy Ukraine sử dụng các hệ thống EW chất lượng.
Trong khi đó, Su-34 được trang bị hệ thống đối phó điện tử Khibiny với các trạm gây nhiễu chủ động SAP-14 và SAP-518, giúp nâng cao khả năng bảo vệ trước hệ thống phòng không đối phương.
Nga cũng tuyên bố rằng các trạm gây nhiễu SAP-14 và SAP-518 tạo ra một lá chắn không thể xuyên thủng. Tuy nhiên thực tế chiến trường cho thấy nhiều chiếc Su-34 bị bắn hạ, vì vậy nhiều câu hỏi đang được đặt ra về chất lượng của hệ thống đối phó điện tử này.
Khả năng cơ động
Một số chuyên gia nhận định rằng, Su-34 là máy bay chiến đấu kém cơ động nhất trong số những dòng chiến đấu cơ hiện đại có trong biên chế quân đội Nga.
Bởi Su-34 là một máy bay chiến đấu hạng nặng và máy bay này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ, vừa là máy bay chiến đấu vừa là máy bay ném bom. Vì vậy Su-34 luôn mang trọng tải lớn hơn nhiều so với các máy bay chiến đấu khác, nên khả năng cơ động của nó hạn chế hơn.
So sánh với Su-27, đây là chiếc máy bay có khả năng cơ động rất cao, bởi trọng lượng cất cánh tối đa chỉ là 30 tấn, trong khi Su-34 có trọng lượng cất cánh tối đa là 50 tấn. Khả năng tải trọng lớn này khiến Su-34 phải thực hiện thêm những vai trò khác và vì thế làm giảm tính cơ động của máy bay.
Một số chuyên gia cũng tuyên bố rằng Su-34 cũng có thể tham gia chiến đấu trên không. Tuy nhiên, Su-34 không thể tác chiến trên không hiệu quả như Su-27, Su-30 hay Su-35. Trọng lượng của máy bay không cho phép nó thể hiện tốc độ không chiến hiệu quả. Và thực tế chiến trường cũng ghi nhận Su-34 Nga đã thua khi đối đầu với MiG-29 và Su-27 của Ukraine.
Cường độ thấp
Một yếu tố quan trọng khác là tính chất cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra ở cường độ thấp. Mặc dù có những trận không chiến và giành ưu thế trong không gian, nhưng hành động chiến đấu chủ yếu của không quân hai bên chỉ được tiến hành ở độ cao thấp.
Dù không được thiết kế như một máy bay cường kích nhưng Su-34 nhiều lần phải hạ thấp độ cao bay để thực hiện các đòn không kích chính xác hơn. Hành động này khiến máy bay không chỉ trở nên dễ bị tổn thương trước các hệ thống phòng không tầm ngắn di động, mà còn bị đe dọa bởi cả các hệ thống phòng không di động cầm tay, chẳng hạn như Stinger.
Nhiều tình huống được quan sát cho thấy Su-34 bay theo cặp với một trong các loại máy bay chiến đấu khác như Su-27, Su-30 hoặc Su-35. Thực tế là vai trò của Su-34 như mồi nhử để dụ chiến đấu cơ đối phương xuất hiện và những loại máy bay khác như Su-27, Su-30 sẽ lo phần còn lại. Tuy nhiên do khả năng cơ động hạn chế nên có những trường hợp Su-34 không kịp thoát khỏi sự tấn công của đối phương.
Việc Su-34 bị bắn hạ thường xuyên trên chiến trường Ukraine là minh chứng cho những thách thức, mà loại máy bay này phải đối mặt trong những điều kiện xung đột đặc thù như vậy. Đây cũng là cơ sở để những nhà sản xuất khắc phục những hạn chế của loại máy bay này trong tương lai.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vtc.vn
Tham gia bình luận