Điều này cũng giải thích cho việc nhiều chuyên gia quân sự phương Tây đang cố gắng giải mã loại vũ khí siêu vượt âm mới của Nga khi nó có thể vươn tới bất kỳ địa điểm nào tại châu Âu trong vòng 20 phút.
Chuyên gia phương Tây nói gì về Oreshnik?
Đối với phương Tây, sự xuất hiện của IRBM Oreshnik là bất ngờ lớn. Các phương tiện truyền thông lớn nhất thế giới thảo luận về loại vũ khí tấn công siêu vượt âm mới của Nga. Sự quan ngại mạnh mẽ về những gì đã xảy ra sau vụ tấn công đầu tiên của tên lửa Oreshnik được thể hiện rõ ràng qua các tiêu đề của các hãng tin: “Oreshnik đã thay đổi luật chơi”, “Phương Tây chưa bao giờ nhận một hành động răn đe như vậy”...
Hiện trường vụ tấn công của tên lửa Oreshnik tại Nhà máy Yuzhmash (Ukraine). Ảnh: Lenta |
Vấn đề quan trọng hơn là tới tận khi IRBM Oreshnik được sử dụng trong thực chiến, không có bất kỳ thông tin nào về nó được công bố, kể cả qua các báo hay dữ liệu thử nghiệm vũ khí. Chính vì thế tên lửa Oreshnik được coi là ẩn số lớn và giới chuyên gia quân sự phương Tây sau hơn 1 tuần đã có những đánh giá đầu tiên về vũ khí tấn công của Nga.
Nhiều chuyên gia quân sự phương Tây có chung quan điểm cho rằng IRBM Oreshnik là phiên bản sửa đổi của tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh. Cùng với đó, Oreshnik sử dụng nhiều công nghệ của ICBM nhiên liệu rắn RS-24 Yars vốn được chấp nhận vào biên chế Quân đội Nga từ năm 2009.
Kể từ tháng 5-2015, Nga đã thực hiện 5 vụ phóng thử RS-26 Rubezh với tầm bắn từ 2.000-6.000km. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, quá trình thử nghiệm ICBM này đã đóng băng từ năm 2018 và bị loại bỏ khỏi chương trình mua sắm vũ khí quốc gia của Nga.
Theo hướng đánh giá này, Oreshnik có thể là phiên bản hạng nhẹ của RS-26 với việc cắt giảm tầng đẩy. Nói cách khác, tên lửa siêu vượt âm mới của Nga là sự tổng hòa của các công nghệ cũ. Với lập luận này, giới chuyên gia phương Tây muốn chứng minh Nga không có đột phá trong công nghệ phát triển tên lửa, nhưng lại không giải thích được tại sao với công nghệ cũ, Moscow lại có thể tạo ra những loại vũ khí vượt trội. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây lại đang vật lộn với các thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm mới và đang bị coi là tụt hậu so với Nga và Trung Quốc.
Cùng với đó, nhiều diễn đàn quân sự quốc tế cho rằng việc sử dụng IRBM Oreshnik tại cuộc xung đột Ukraine giống như “giết gà dùng dao mổ trâu” do giá thành đắt đỏ của các loại vũ khí đạn đạo. Tuy nhiên, với các cáo buộc Nga có thể sử dụng ICBM trong xung đột thì việc sử dụng một phiên bản đơn giản hóa của RS-24 Yars như Oreshnik hoàn toàn có lợi ích về mặt tài chính, nhưng vẫn đảm bảo khả năng răn đe mọi đối thủ tiềm tàng.
ICBM RS-24 Yars của Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga. Ảnh: Lenta |
Oreshnik là vũ khí “thay đổi cuộc chơi”?
Bỏ qua những đánh giá chủ quan của các nhà bình luận phương Tây, sự thể hiện các đặc điểm kỹ-chiến thuật vượt trội của IRBM Oreshnik có thể biến nó thành vũ khí “thay đổi cuộc chơi” tại Ukraine.
Yếu tố đầu tiên chính là tốc độ bay của tên lửa. IRBM Oreshnik có thể đạt tốc độ siêu vượt âm. Tên lửa có thể vươn tới tầm bắn tối đa trong khoảng 15-20 phút. Theo đánh giá của Ukraine và phương Tây, Oreshnik có thể đạt tốc độ bay Mach 11, gấp 11 lần tốc độ âm thanh, khoảng 3km/giây.
Yếu tố thứ 2 chính là thiết kế mang đa đầu đạn có khả năng tự dẫn hướng độc lập – MIKV. Hiện tại vẫn chưa thế xác định được Oreshnik có thể mang được bao nhiêu đầu đạn, nhưng trong hình ảnh vụ tấn công đầu tiên, tên lửa Nga mang theo 6 khối đầu đạn với nhiều đạn con được giải phóng khi tiếp cận mục tiêu.
Hình ảnh tại hiện trường vụ tấn công tại Nhà máy Yuzhmash (Ukraine) cho thấy, các đầu đạn Oreshnik mang theo tấn công khá chính xác với sai số lệch mục tiêu nằm ở mức chấp nhận được với các vũ khí tấn công đạn đạo, thậm chí là khá cao khi so với các loại vũ khí cùng loại của Mỹ và phương Tây. Trong kịch bản, nhiều tên lửa Oreshnik tấn công với vũ khí phi chiến lược cũng đảm bảo phá hủy mục tiêu với động năng cực mạnh của đầu đạn.
Ví dụ, khi 6 tên lửa IRBM Oreshnik được phóng đi, một khu vực mục tiêu sẽ bị 36 đầu đạn tấn công cùng một lúc. Khả năng ngăn chặn đòn tấn công gần như là bất khả thi với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.
“Các hệ thống phòng không hiện đại hiện có trên thế giới và các hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ triển khai ở châu Âu không đánh chặn được những tên lửa như Oreshnik”, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong bài phát biểu trên truyền hình sau vụ tấn công bằng tên lửa Oreshnik hôm 24-11.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga hoàn toàn có cơ sở khi “lá chắn tên lửa” khó có thể đáp ứng khả năng ngăn chặn cùng lúc tới 36 mục tiêu bay với vận tốc siêu vượt âm. Kể cả có phát hiện và khóa mục tiêu, các hệ thống cũng khó có đủ đạn tên lửa trực chiến trên bệ để thực hiện nhiệm vụ đánh chặn.
Hình ảnh mô phỏng quỹ đạo bay của tên lửa IRBM Oreshnik. Ảnh: Topwar |
“Hàng chục đầu đạn tự tách tấn công mục tiêu với tốc độ Mach 10. Nhiệt độ của đầu đạn sau khi hồi quyển lên tới 4.000 độ C. Nếu trí nhớ của tôi chính xác, nhiệt độ trên bề mặt mặt trời là từ 5.500 đến 6.000 độ C. Như vậy, mọi vật chất ở tâm vụ tấn công về cơ bản sẽ trở thành cát bụi hay các hạt cơ bản”, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh.
Ông chủ Điện Kremlin tuyên bố, việc sử dụng rộng rãi tên lửa Oreshnik kể cả với đầu đạn thông thường cũng có sức mạnh tương đương với việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Cùng với đó, động năng lớn của đầu đạn có thể tấn công và phá hủy các mục tiêu được bảo vệ, nằm sâu dưới lòng đất.
Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga đang lựa chọn các mục tiêu ưu tiên tấn công. Chúng có thể là cơ sở quân sự và doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của Ukraine cũng như các trung tâm ra quyết định ở Kiev. Vì lý do nhân đạo, phía Nga sẽ thông báo để dân thường sơ tán, đồng thời yêu cầu công dân của các quốc gia thân thiện ở đó rời khỏi khu vực bị tấn công.
Theo các chuyên gia quân sự Nga Trong trường hợp sử dụng đầu đạn hạt nhân, Oreshnik là vũ khí đáng sợ với các đầu đạn có tổng đương lượng nổ lên tới 900 kiloton TNT, tương đương 45 quả bom nguyên tử Little Boy được Mỹ thả xuống Hiroshima vào tháng 8-1945. Điểm đặc biệt của Oreshnik là quỹ đạo bay cao lên tới 2.000km để tạo thế năng khi các đầu đạn hồi quyển. Điều này giúp giải thích tại sao các đầu đạn của tên lửa khi tấn công có đạn đạo gần như thẳng đứng, giáng xuống mục tiêu.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Tham gia bình luận