Tuy nhiên, mối đe dọa xung đột hạt nhân không phải là vấn đề mới vì trong quá khứ Mỹ và Liên Xô từng 5 lần đứng trên bờ vực chiến tranh hạt nhân toàn diện.
Khủng hoảng hạt nhân Cuba
Tháng 10-1962 chính là thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tại đảo quốc Cuba. Hải quân Mỹ đã bất ngờ phát hiện ra 4 tàu ngầm chạy diesel-điện của Liên Xô hộ tống các chiến hạm chở tên lửa hạt nhân tới quốc gia Caribbean này. Cùng với đó, Hải quân Mỹ không biết rằng mỗi tàu ngầm Liên Xô mang theo 22 ngư lôi trang bị đầu đạn hạt nhân có sức công phá tương đương quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima, Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đến khi cuộc khủng hoảng hạ nhiệt, nhiều thành viên kíp thủy thủ tàu ngầm Liên Xô kể lại, có nhiều thời điểm, họ đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại hạm đội Mỹ nếu nhận được mật lệnh từ Moscow.
Hải quân Mỹ săn lùng các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Liên Xô gần Cuba. Ảnh: Topwar |
Căng thẳng đỉnh điểm diễn ra vào ngày 27-10-1962, khi một tàu ngầm Liên Xô mang số hiệu B-59 bị phát hiện và bao vây bởi hạm đội Mỹ. Các tàu chiến Mỹ đã sử dụng bom chìm để buộc chiếc tàu ngầm Liên Xô phải nổi lên mặt nước. Các đòn hù dọa của Mỹ khiến kíp thủy đoàn tàu ngầm cực kỳ căng thẳng sau nhiều ngày mất liên lạc với căn cứ, cũng như sự ngột ngạt trong không gian chật hẹp của tàu ngầm.
Trước tình hình đó, thuyền trưởng Valentin Savitsky đã quyết định chuẩn bị ngư lôi hạt nhân để tấn công hạm đội Mỹ. Tuy nhiên, theo quy định, hành động tấn công như vậy cần có sự đồng ý của chính trị viên trên tàu là Ivan Maslennikov và Phó chỉ huy quân sự Vasily Arkhipov.
Sĩ quan Ivan Maslennikov không phản đối quyết định của thuyền trưởng Valentin Savitsky, còn sĩ quan Vasily Arkhipov thuyết phục các thành viên thủy thủ đoàn kiên nhẫn chờ mệnh lệnh chính thức từ Moscow. May mắn là chỉ một ngày sau, Liên Xô và Mỹ đã đạt được thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng và tên lửa hạt nhân khỏi Cuba (phía Liên Xô) và Thổ Nhĩ Kỳ (phía Mỹ).
Toàn bộ thông tin liên quan tới cuộc khủng hoảng Cuba được giữ bí mật và chỉ được công khai mới đây.
Hệ thống răn đe hạt nhân của Mỹ báo động nhầm
Đêm 25-10-1962, một vệ binh nhìn thấy một bóng người trong đêm tối đang cố gắng leo qua hàng rào ngoài căn cứ Duluth, bang Minesota. Vệ binh đã nổ súng vào bóng đen nghi ngờ đó là điệp viên của Liên Xô xâm nhập và kéo chuông báo động. Tín hiệu báo động cũng được chuyển tới các căn cứ quân sự khác, trong đó căn cứ không quân Volk Field nhận được báo động có hoạt động phá hoại. Ngay lập tức, 2 phi đội máy bay tiêm kích đánh chặn mang vũ khí hạt nhân F-106A đã cất cánh với nhiệm vụ ngăn chặn máy bay ném bom Liên Xô.
Lỗi báo động nhầm này càng trở nên nghiêm trọng khi quân đội Mỹ đang ở trong tình trạng báo động chiến đấu cao DEFCON 3. Các kíp chiến đấu nhận lệnh đều không coi báo động trên là hoạt động diễn tập, mà là bắt đầu của cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự. Ở thời điểm đó, bất kỳ nhầm lẫn nào đều có thể khơi mào cho một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Cho tới tận khi các phi đội máy bay đánh chặn hạ cánh, căn cứ Volk Field mới liên lạc với trung tâm chỉ huy Duluth và biết đó là báo động giả.
Nhiễu động từ tính do bão mặt trời
Ngày 23-5-1967, Trái đất bị ảnh hưởng nặng bởi các làn sóng điện từ mạnh mẽ do hiện tượng bão mặt trời. Hiện tượng trên cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống radar cảnh báo sớm của Mỹ theo dõi tên lửa đạn đạo của Liên Xô.
Các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa chiến thuật từng bị giới hạn tại châu Âu theo các thỏa thuận quốc tế từ thời Liên Xô đã bị hủy bỏ và mở đường cho cuộc chạy đua vũ trang mới. Ảnh: Lenta |
Không nhận biết được tình huống trên, Không quân Mỹ cho rằng, các hệ thống chiến đấu của Liên Xô đang cố gắng gây nhiễu và chuẩn bị cho kịch bản tấn công trả đũa. Đến tận phút chót, quyết định tấn công hạt nhân mới được hủy bỏ khi các nhà khoa học phát hiện ra nguyên nhân gây nhiễu là do hiện tượng bão mặt trời.
Vệ tinh Liên Xô nhầm ánh nắng là các vụ phóng tên lửa
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân toàn diện một lần nữa xảy ra vào đầu những năm 1980, khi Liên Xô đang tiến hành chiến dịch quân sự tại Afghanistan. Vào tháng 9-1983, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô đang lên đỉnh điểm sau vụ máy bay chở khách Hàn Quốc đi lạc vào không phận Liên Xô, hệ thống cảnh báo sớm tên lửa của Liên Xô đã gặp lỗi khi báo động giả có vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa từ Mỹ.
Trong ca trực của mình vào đêm ngày 25 và 26-9-1983, Trung tá Stanislav Petrov, chuyên gia làm việc tại trung tâm điều khiển vệ tinh giám sát lãnh thổ Mỹ, đã nhận được tín hiệu về 5 vụ phóng tên lửa từ Mỹ nhằm vào Liên Xô. Theo thông lệ, sĩ quan này sẽ báo cáo sự việc lên cấp trên với kết quả cuối cùng là hành động tấn công hạt nhân trả đũa từ phía Liên Xô. Tuy nhiên, sĩ quan Stanislav Petrov đã quyết định không báo cáo cảnh báo trên do cho rằng đây là tín hiệu giả.
Trong buổi trả lời phỏng vấn năm 1999, sĩ quan Stanislav Petrov giải thích về hành động trên là do nhận định nếu muốn khai chiến, Mỹ sẽ không chỉ phóng 5 tên lửa vào Liên Xô và hoạt động tấn công phủ đầu này sẽ có mặt nhiều loại vũ khí khác nhau. Cùng với đó, các đài radar mặt đất cũng không phát hiện dấu hiệu của các vụ tấn công tên lửa từ Mỹ.
Sau đó, sai sót trên được phát hiện là do vệ tinh trinh sát Liên Xô nhận diện sai sự phản chiếu của ánh nắng trên các đám mây thành các vụ phóng tên lửa.
Hoạt động giám sát hạt nhân mang tên RYAN
Năm 1983, NATO tổ chức cuộc tập trận lớn mang tên Able Archer tại châu Âu. Giới chức Liên Xô nghi ngờ hành động tập trận chỉ là vỏ bọc cho cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ. Các mũi tình báo Liên Xô nhận nhiệm vụ theo dõi cuộc tập trận và hoạt động của họ mang mật danh RYAN.
Máy bay ném bom chiến lược B-52H có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Không quân Mỹ. Ảnh: Defense News |
Theo các tài liệu của NATO và Mỹ được giải mật, cuộc tập trận Able Archer dù là hành động diễn tập thông thường, nhưng cũng tiến hành một số khoa mục đặc biệt có thể gây sửng sốt đối với Liên Xô thời điểm đó. Cụ thể, 19.000 binh sĩ Mỹ tại châu Âu đã diễn tập khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân quy mô lớn nhằm vào Liên Xô với sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược B-52.
Cuộc tập trận Able Archer được phía Liên Xô theo dõi sát sao. Do không phát hiện các hoạt động bất thường, Moscow đánh giá cuộc tập trận của NATO không tạo ra bất kỳ nguy hiểm gì và hạ cấp báo động lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược.
TUẤN SƠN (theo DefenseTalk, Spunik, vpk…)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Tham gia bình luận