Thế khó của Tổng thống Biden khi phải xử lý vấn đề Ukraine và Israel cùng lúc

Thế khó của Tổng thống Biden khi phải xử lý vấn đề Ukraine và Israel cùng lúc

Ảnh hưởng của Mỹ trong hai cuộc xung đột

Sau khi xung đột Israel – Hamas nổ ra, chính quyền Tổng thống Biden đã thúc giục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra lệnh tạm ngừng bắn nhân đạo ở Dải Gaza. Tổng thống Biden hy vọng rằng khoản hỗ trợ an ninh 3,8 tỷ USD mỗi năm của Mỹ có thể tác động tới quyết định hành động của nhà lãnh đạo Israel.

Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Thủ tướng Netanyahu tuyên bố Israel sẽ không đồng ý ngừng bắn. “Kêu gọi ngừng bắn là lời kêu gọi Israel đầu hàng Hamas. Chuyện đó sẽ không xảy ra”, AP dẫn lời ông nói trong một cuộc họp báo.

Đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine, vào tuần trước, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny thừa nhận ông không mong đợi một đột phá lớn trên chiến trường. Nhiều trợ lý của Tổng thống Biden đồng ý rằng cuộc xung đột đã đi đến “bế tắc” khi cả Nga và Ukraine đều không thể tạo được ngoặt đáng kể trên tiền tuyến. Bên cạnh đó, họ cũng lo ngại tuyên bố của ông Zaluzhny sẽ khiến việc kêu gọi đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ viện trợ cho Kiev trở nên khó khăn hơn.

Trong cả hai cuộc xung đột, ảnh hưởng của Tổng thống Biden đối với cách các bên tiến hành tấn công dường như bị hạn chế hơn nhiều so với dự kiến, do vai trò của Mỹ là nhà cung cấp vũ khí và thông tin tình báo.

Theo New York Times, Tổng thống Biden là một người thận trọng. Trong cả hai cuộc xung đột, ông đã nhiều lần nói rằng lực lượng Mỹ sẽ không trực tiếp tham chiến, miễn là người Mỹ ở Trung Đông hoặc các quốc gia NATO không phải là đối tượng bị tấn công.

Do vậy, trong khi vũ khí và tình báo của Mỹ là trọng tâm của cả hai cuộc xung đột, Tổng thống Biden đang đối mặt thực tế rằng các quyết định quân sự phải được đưa ra ở Israel và Ukraine, chứ không phải ở Mỹ. Điều đó khiến Washington thường rơi vào thế khó do có thể đưa ra các đề xuất chiến thuật và cung cấp vũ khí nhưng không lường trước được hậu quả của chúng.

“Chúng tôi không ngồi cạnh họ khi họ lên danh sách mục tiêu tấn công. Đây là cuộc chiến của họ”, John Kirby, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói, khi được hỏi liệu Mỹ, với tư cách là bên cung cấp vũ khí cho Israel, có phải chịu trách nhiệm về thương vong của dân thường hay không.

Khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Israel vào cuối tuần trước và một lần nữa đưa ra yêu cầu tạm ngừng bắn nhân đạo - cách tốt nhất để đưa viện trợ vào Gaza, Thủ tướng Netanyahu vẫn bác bỏ đề xuất này.

Áp lực bủa vây Tổng thống Biden vì hai cuộc xung đột

Thủ tướng Netanyahu nói rằng, quân đội Israel đang sử dụng những quả bom nặng hơn 450kg và 900kg để chiến đấu, một trong những vũ khí lớn trong bất kỳ kho quân sự nào. Mỹ cho rằng những vũ khí đó không phù hợp để sử dụng chiến đấu ở khu vực đô thị đông đúc và Washington đang cố gắng chuyển tới Israel những quả bom nhỏ hơn, phù hợp để nhằm vào các đường hầm mà không gây ra nhiều thiệt hại về tài sản.

Nhưng khi con số thương vong ở Gaza tăng cao, áp lực lên Tổng thống Biden ngày càng tăng lên. Một số thành viên đảng Dân chủ đã thúc giục Tổng thống Biden yêu cầu lệnh ngừng bắn, điều này hoàn toàn khác so với lệnh ngừng bắn nhân đạo.  

Áp lực đối với Tổng thống Biden trong cuộc xung đột ở Ukraine khác so với xung đột Israel – Hamas nhưng cũng không kém phần phức tạp. Lúc này, áp lực lên nhà lãnh đạo Mỹ không phải từ đảng Dân chủ. Thậm chí, một số thành viên đảng Dân chủ còn ủng hộ việc Mỹ gửi thêm hàng chục tỷ USD vũ khí và các hỗ trợ khác cho Ukraine.

Nhưng ở đảng Cộng hòa, sự hỗ trợ dành cho Ukraine đang suy giảm nhanh chóng. Hiện tại, chính quyền Tổng thống Biden đang gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định tiếp theo đối với Ukraine, sau khi cuộc phản công vào mùa hè của Kiev nhằm đẩy lùi lực lượng Nga không đạt được kết quả như mong đợi.

Ông Zaluzhny nói rằng sẽ cần một tiến bộ lớn về công nghệ và vũ khí để chấm dứt tình trạng bế tắc trên chiến trường, nhưng vẫn chưa rõ sự cải thiện đó sẽ như thế nào.

Các cố vấn của Tổng thống Biden cho biết, Mỹ hiện đã cung cấp cho Ukraine mọi hệ thống vũ khí mà Kiev yêu cầu. Gần đây nhất, Mỹ đã gửi cho Ukraine ATACMS, hệ thống tên lửa tầm xa mà ông Biden từng từ chối cung cấp cho Ukraine do lo ngại vũ khí này có thể khiến leo thang xung đột nếu Kiev sử dụng để tấn công vào sâu lãnh thổ Nga.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chỉ trích ông Zaluzhny vì cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine đang rơi vào bế tắc, đồng thời phàn nàn rằng phần lớn các vũ khí của Mỹ đến chiến trường quá muộn để tạo ra sự thay đổi. Trong khi đó, các cố vấn của Tổng thống Biden không đồng ý với điều này, nói rằng Mỹ đã cung cấp vũ khí ngay khi lực lượng Ukraine có thể sử dụng chúng.

Giới chức Mỹ cho rằng, Ukraine đã phớt lờ lời khuyên của Lầu Năm Góc về việc nên tập trung lực lượng để xuyên thủng một hoặc hai thành trì của Nga trong mạng lưới chiến hào và các bãi mìn thay vì dàn trải lực lượng.

Hiện tại, chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang đối mặt với những nghi ngờ cho rằng hàng tỷ USD vũ khí và viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine vẫn không đủ để giúp Kiev đẩy lùi lực lượng Nga.

“Điều tôi lo lắng là chúng ta đang đưa ra những quyết định đúng đắn để giúp họ tiếp tục chiến đấu, nhưng không đủ để họ giành chiến thắng”, Tướng về hưu Douglas Lute từng làm việc dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush và Barack Obama nói tại một sự kiện vào tuần trước.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận