
Đây được xem là bước đi nhằm khôi phục dự án răn đe hạt nhân từng bị loại bỏ hơn 3 thập kỷ trước.
Theo Army Recognition, động thái này đánh dấu nỗ lực của quân đội Mỹ trong việc tăng cường khả năng phóng tên lửa hành trình hạt nhân từ tàu ngầm tấn công, một dự án từng bị dừng lại vào năm 1992.
Trước đó, đề xuất phát triển tên lửa hành trình hạt nhân từ tàu ngầm SLCM-N đã được đưa ra từ năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hủy bỏ vào năm 2022 dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Hiện tại, Hải quân Mỹ đang hướng tới việc triển khai SLCM-N trên các tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia, vốn nổi bật với khả năng linh hoạt và độ tàng hình cao.
Loại tàu ngầm này được đánh giá là nền tảng phù hợp cho các sứ mệnh tấn công hạt nhân tầm xa nhờ công nghệ hiện đại và khả năng hoạt động sâu trong lòng đại dương mà không dễ bị phát hiện.
Về tài chính, Quốc hội Mỹ đang cân nhắc phân bổ 2 tỉ USD cho quá trình phát triển các nhiệm vụ liên quan đến tên lửa SLCM-N, cùng với 400 triệu USD bổ sung để chế tạo đầu đạn hạt nhân phục vụ loại vũ khí này. Đây là một khoản đầu tư đáng kể, phản ánh tầm quan trọng chiến lược mà Mỹ đặt vào chương trình vũ trang hạt nhân dưới biển.
Từ góc độ chiến lược, việc đưa SLCM-N trở lại giúp Mỹ tăng cường năng lực răn đe của bộ ba hạt nhân, vốn bao gồm máy bay ném bom chiến lược, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa phóng từ tàu ngầm.
Khác với hai hình thức đầu tiên vốn dễ bị phát hiện hoặc bị giới hạn bởi các hiệp ước quốc tế, SLCM-N cung cấp một lựa chọn linh hoạt và khó bị truy vết, cho phép Mỹ phản ứng nhanh với các mối đe dọa tiềm tàng mà không cần lộ diện sớm.
Ngày từ những năm 1980, Mỹ đã triển khai tên lửa hành trình hạt nhân TLAM-N trên cả tàu nổi lẫn tàu ngầm. Việc hồi sinh SLCM-N lần này thể hiện mong muốn của Washington trong việc tăng cường năng lực răn đe hạt nhân dưới biển trong bối cảnh môi trường an ninh toàn cầu ngày càng phức tạp.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: laodong.vn
Tham gia bình luận