Trong báo cáo cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố: “Lực lượng vũ trang Nga đã thực hiện cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác trên bộ và trên biển cùng với các phương tiện bay không người lái nhằm vào địa điểm thử nghiệm hệ thống tên lửa chiến thuật tác chiến Sapsan của Ukraine và hệ thống phòng không NASAMS do Na Uy sản xuất bảo vệ hệ thống này. Cuộc tấn công đã diễn ra thành công. Tất cả các mục tiêu đều bị phá hủy”.

Dự án phát triển tên lửa Sapsan
Sapsan (còn được gọi là Grom-2) là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Ukraine do công ty KB Pivdenne và công ty tên lửa và phản lực hàng không PA Pivdenmash phối hợp phát triển. Đây là tên lửa nhiên liệu rắn một tầng, có đầu đạn nặng 500 kg, tầm hoạt động ước tính từ 50 km đến 500 km. Một số báo cáo cho rằng tầm bắn tối đa của tên lửa có thể lên tới 700 km.
Sapsan kết hợp các đặc điểm của cả tên lửa chiến thuật và hệ thống tên lửa đa nòng, giống với tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) của Mỹ. Nhiều khả năng nó sẽ thay thế tên lửa ATACMS.
Do ATACMS không còn được sản xuất nữa và kho dự trữ đang bị cạn kiệt, nên khả năng Mỹ tiếp tục cung cấp cho Ukraine loại tên lửa này là không cao.
Hơn nữa, các tuyên bố gần đây của Mỹ cho thấy rằng nếu cả Nga và Ukraine không có động thái rõ ràng nhằm hướng tới một thỏa thuận hòa bình, Washington có thể thu hẹp quy mô can dự vào cuộc xung đột, trong đó có việc hạn chế cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine đã bắt tay thực hiện dự án phát triển tên lửa Sapsan vào năm 2006, với mục tiêu phát triển một hệ thống tên lửa đạn đạo hiện đại để thay thế tên lửa Tochka-U có từ thời Liên Xô.
Tuy vậy, tiến độ thực hiện dự án khá chậm do hạn chế về tài chính. Đến năm 2013, dự án tạm thời bị gác lại. Tuy nhiên, Kiev đã khôi phục dự án này vào năm 2014 sau khi chiến sự ở miền Đông bùng phát.
Phiên bản xuất khẩu của hệ thống này, có tên là Hrim-2, đã được phát triển với nguồn tài trợ từ Saudi Arabia. Để tuân thủ các hạn chế của Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), Hrim-2 được thiết kế với tầm bắn giảm xuống còn 280 km.
Tính năng của tên lửa Sapsan
Tên lửa Sapsan được thiết kế để tránh các hệ thống phòng không hiện đại như S-300 và S-400 của Nga bằng cách thay đổi quỹ đạo giữa chừng và gây khó khăn cho việc đánh chặn.
Theo một số báo cáo, tên lửa Sapsan có độ chính xác cao hơn Iskander của Nga, với sai số trượt mục tiêu (CEP) khoảng 20 mét, trong khi Iskander có sai số trượt mục tiêu 30m. Ngoài ra, Sapsan nhỏ gọn hơn Iskander. Tên lửa này nặng khoảng 21 tấn còn Iskander nặng 42 tấn.
Khi Nga phát triển chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tên lửa Sapsan vẫn đang trong quá trình phát triển. Vào ngày 30/9/2022, Lực lượng hàng không vũ trụ Nga được cho là đã tấn công các xưởng lắp ráp tên lửa Tochka-U và Sapsan của Ukraine tại Nhà máy chế tạo máy miền Nam gần Dnipro (trước đây là Dnepropetrovsk). Bất chấp cuộc tấn công, Ukraine vẫn tiếp tục thúc đẩy quá trình phát triển tên lửa Sapsan.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã nhiều lần sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Sapsan tấn công Crimea và các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Nhiều báo cáo cho biết, Kiev đã thử nghiệm tên lửa vào khoảng tháng 3/2023. Ngay sau đó, Nga đã liên tiếp đánh chặn tên lửa này vào tháng 4 và tháng 5 và tháng 10/2023.
Kênh Rybar có liên hệ với Điện Kremlin cho biết, vào ngày 8/4/2023, Ukraine đã phóng tên lửa Sapsan từ bãi huấn luyện Alibey/Tuzly đã nhắm vào khu vực Feodosia ở Crimea. Tên lửa bay lên độ cao 15 km sau đó bị hệ thống phòng không S-300 của Nga bắn hạ.
Vào tháng 10/2023, hệ thống phòng không nước của Nga đã ngăn chặn nỗ lực tấn công của Ukraine sử dụng tên lửa Sapsan. Các mảnh vỡ tên lửa được cho là đã rơi xuống khu vực Dzhankoi của Crimea.
Bộ Quốc phòng Nga không báo cáo bất kỳ cuộc tấn công nào bằng tên lửa Sapsan của Ukraine từ tháng 10/2023 đến tháng 11/2024, cho thấy khả năng Kiev tạm dừng sử dụng tên lửa này. Theo giới phân tích, việc tạm dừng có thể là do những thiếu sót về mặt kỹ thuật của tên lửa, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến kiểm soát quỹ đạo và độ chính xác của quá trình tấn công mục tiêu. Ngoài ra, không loại trừ khả năng các cuộc tấn công liên tiếp của Nga vào cơ sở phát triển và thử nghiệm Sapsan đã phá vỡ nỗ lực của Ukraine nhằm tinh chỉnh và nâng cấp khả năng của tên lửa.
Hồi tháng 9/2024, lực lượng Nga tuyên bố đã phá hủy các xưởng sản xuất linh kiện của Sapsan. Đến tháng 11/2024, Moscow thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa Iskander-M vô hiệu hóa hai bệ phóng của Sapsan
Gây ra mối đe dọa lớn hơn so với ATACMS
Những cuộc tấn công này cho thấy nỗ lực của Nga nhằm gây trì hoãn hoặc làm suy yếu quá trình triển khai tên lửa nội địa của Ukraine. Tuy vậy, Tổng thống Zelensky vẫn nhấn mạnh quyết tâm của Ukraine trong việc mở rộng quy mô sản xuất tên lửa để chống lại các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia đồng thời nhấn mạng tên lửa Sapsan có khả năng đã đạt đến giai đoạn phù hợp để triển khai.
Tên lửa Sapsan cung cấp cho Ukraine khả năng tấn công tầm xa, do đó giảm sự phụ thuộc của nước này vào các hệ thống do phương Tây cung cấp, chẳng hạn như ATACMS.
Không giống như các tên lửa nước ngoài, Sapsan có thể được nâng cấp liên tục, trong đó có việc cải tiến về quỹ đạo bay và gia tăng khả năng tác chiến điện tử (EW) đêt chống lại các biện pháp đối phó phòng không (AD) của Nga.
Khi được triển khai ở quy mô lớn, Sapsan có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với lực lượng Nga so với ATACMS, bởi các quyết định nhắm mục tiêu và tấn công của Ukraine sẽ không bị giới hạn do những quy định liên quan đến việc sử dụng vũ khí Mỹ.
Tuy nhiên, khả năng triển khai Sapsan với số lượng lớn của Ukraine có thể bị hạn chế do nước này phụ thuộc vào các thành phần do phương Tây sản xuất. Nếu Ukraine không đạt được thỏa thuận hòa bình trong các cuộc đàm phán với Nga, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền ông Trump đang gia tăng sức ép, họ có thể mất quyền tiếp cận các bộ phận quan trọng này.
Tương tự như vậy, tên lửa ATACMS chỉ phát huy hiệu quả khi sử dụng dữ liệu nhắm mục tiêu do các cơ quan Tình báo, Giám sát và Trinh sát của phương Tây cung cấp. Nếu Mỹ cắt giảm hỗ trợ, Ukraine cũng có thể mất quyền truy cập vào nguồn dữ liệu đó. Nhiều nhà quan sát cho rằng, cho dù sử dụng Sapsan hay ATACMS thì đòn bẩy chiến lược của Ukraine vẫn phụ thuộc khá nhiều vào Washington.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vov.vn
Tham gia bình luận