Một tài liệu thảo luận do Bộ Quốc phòng Estonia công bố đã liệt kê những trang thiết bị cần thiết. Theo đó, Ukraine hiện đang cần nhất các phương tiện phòng không để đối phó với tên lửa và chiến đấu cơ của đối phương. Kế hoạch này cho rằng Kiev sẽ cần khoảng 4.800 tên lửa phòng không hàng năm. Để đáp ứng con số này sẽ cần toàn bộ mức sản xuất tên lửa phòng không hàng năm của Mỹ (3.600 tên lửa) và mức sản xuất của các nước NATO còn lại (ước tính là 1.000 tên lửa).
Tuy nhiên, đó không phải tất cả phương tiện phòng không cần thiết để bảo vệ các thành phố và quân đội Ukraine: Với tỷ lệ tấn công hiện tại của Nga thì sẽ cần thêm khoảng 7.500 tên lửa mỗi năm.
Các nhà sản xuất vũ khí phương Tây có lẽ có khả năng tăng gấp đôi sản lượng hàng năm để đạt được con số này nhưng NATO hiện vẫn đang phải để dành kho vũ khí và tìm kiếm nguồn cung bên ngoài cho đến khi việc sản xuất đáp ứng nhu cầu.
Khó có thể tính toán số lượng trang thiết bị cần thiết cho cuộc tấn công của Ukraine. Dù vậy, các nhà phân tích Estonia dự đoán, nhu cầu đạn pháo là khoảng 2,4 triệu quả - một con số mà NATO có thể đáp ứng với sự hỗ trợ bổ sung từ Mỹ và các nguồn bên ngoài.
Nhu cầu hàng năm đối với tên lửa tầm xa ước tính là 8.760 tên lửa. Tuy nhiên, đó là "con số tối thiểu để phòng vệ" và nếu tiến hành tấn công thì sẽ cần tăng gấp 3 lần con số trên.
Sản xuất tên lửa tầm xa của Mỹ sẽ vượt con số 14.000 tên lửa vào năm 2025, đủ để đáp ứng nhu cầu phòng thủ của Ukraine. NATO có các vũ khí thay thế nhưng chúng sẽ cần chiến đấu cơ để triển khai.
Vũ khí tấn công sâu, chẳng hạn như tên lửa hành trình lại là một loại khác. Ukraine đã nhận được phương tiện này với số lượng hạn chế để tấn công các mục tiêu quan trọng. Ngoài ra, nhiều mục tiêu giá trị cao đang nằm trong biên giới Nga. Cho đến khi có đủ số lượng vũ khí tấn công sâu, được sử dụng mà không bị hạn chế, bao gồm cả việc tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga thì hiện khó có thể xác định mức độ nhu cầu của Ukraine. Tuy nhiên, về nguồn cung, NATO trước đó đã sản xuất hàng nghìn tên lửa hành trình tầm xa và Mỹ sản xuất từ 400 - 700 tên lửa hành trình mỗi năm.
Chi phí hàng năm cho tất cả vũ khí để hỗ trợ Ukraine phòng thủ là từ 16 - 28 tỷ bảng Anh và nếu tấn công thì con số này là 43 - 57 tỷ bảng Anh. Đó là chưa tính chi phí các thủ tục, vận hành và bảo trì.
Nó cũng chưa bao gồm việc huấn luyện và trang bị cho lực lượng của Ukraine nếu Kiev muốn đẩy Moscow về biên giới năm 2014. Báo cáo gần đây của RAND cho rằng, sẽ cần khoảng 14 - 21 lữ đoàn được NATO trang bị và huấn luyện để đẩy lùi các lực lượng của Nga. Việc huấn luyện và trang bị cho lực lượng với quy mô trên hoặc lớn hơn có thể mất hơn 2 năm, nếu Ukraine có thể tuyển thêm quân.
Nỗ lực hỗ trợ trang thiết bị về dài hạn cho Ukraine từ NATO theo tài liệu mà Estonia đề xuất là tương đối khả thi trong những điều kiện phù hợp. Tuy nhiên, con đường tới chiến thắng phải trả bằng một cái giá đắt hơn nhiều. Nếu Ukraine muốn đẩy lùi Nga bằng một cuộc tấn công trong 2 năm tới, sự hỗ trợ và đầu tư của phương Tây sẽ phải vượt xa những gì kế hoạch của Estonia yêu cầu.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vov.vn
Tham gia bình luận