Tính toán của Nga khi Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS

Tính toán của Nga khi Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS

Ngày 17/10 vừa qua đánh dấu việc Ukraine lần đầu tiên sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp và loại tên lửa tầm xa này đã mang lại thành công ban đầu cho quân đội Kiev. Lần tấn công này không chỉ gây thiệt hại cho các phương tiện của Nga mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức mạnh không quân Nga, buộc Moskva phải nhanh chóng rút các căn cứ và trung tâm hậu cần của mình ra khỏi khu vực tiền tuyến. 

Toàn cảnh sân bay Berdyansk ngày 18/10/2023.

Toàn cảnh sân bay Berdyansk ngày 18/10/2023.

Vụ tấn công bằng tên lửa ATACMS đầu tiên

Theo Insider, quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa ATACMS để thực hiện các cuộc tấn công vào sân bay Berdyansk và Luhansk - hai địa điểm do Nga kiểm soát. Theo đánh giá ban đầu do Bộ Quốc phòng Ukraine đưa ra, cuộc tấn công khiến Nga mất 9 máy bay trực thăng, một bệ phóng phòng không, một số phương tiện và kho đạn. 

Trong bản cập nhật tình báo ngày 20/20, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng "có khả năng" 9 chiếc trực thăng đã bị phá hủy tại Berdyansk và 5 chiếc khác ở Luhansk. Và nguồn tin này cũng nhấn mạnh rằng, trực thăng đóng vai trò rất quan trọng đối với Nga trong việc chống lại cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, sân bay Berdyansk là căn cứ hoạt động tiền phương rất quan trọng của Nga, cung cấp khả năng hậu cần, tấn công và phòng thủ cho các lực lượng Nga ở trục phía nam Ukraine. Đây cũng là hướng tấn công chính của Ukraine trong cuộc phản công mùa hè năm nay.

Mục tiêu của Kiev dọc theo trục này là tiến ra biển Azov nhằm cắt đứt và làm gián đoạn các tuyến liên lạc, tiếp tế giữa các khu vực do Nga đang kiểm soát. Bản cập nhật của tình báo Anh cho biết, nếu tất cả thiệt hại từ cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS được xác nhận, "rất có thể những tổn thất này sẽ ảnh hưởng đến khả năng của Nga trong việc phòng thủ và tiến hành các hoạt động tấn công tiếp theo trên hướng này".

Một số mảnh vỡ và bom nhỏ còn lại của tên lửa ATACMS.

Một số mảnh vỡ và bom nhỏ còn lại của tên lửa ATACMS.

Khó khăn cho Nga

Bộ Quốc phòng Anh cho biết thêm: “Với tình trạng khó khăn trong hoạt động sản xuất quân sự của Nga hiện nay, bất kỳ máy bay nào bị mất sẽ rất khó được thay thế trong thời gian ngắn và trung hạn. Sự mất mát này cũng có thể tạo thêm áp lực lên các phi công Nga và những chiếc máy bay còn lại đang phải kiệt sức trong chiến đấu và bảo trì do chiến dịch quân sự kéo dài”.

Sức mạnh không quân của Nga đã bị ảnh hưởng không nhỏ kể từ khi Nga bắt đầu mở chiến quân sự đặc biệt vào năm ngoái. Theo Oryx, Moskva đã mất ít nhất 93 máy bay các loại, 115 trực thăng cùng với hàng trăm máy bay không người lái. 

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, các cuộc tấn công bằng ATACMS của Ukraine có thể buộc Nga phải rút các căn cứ cũng như sở chỉ huy ra xa tiền tuyến hơn, điều này sẽ sẽ gây khó khăn cho công tác hậu cần.

Nga đã từng phải làm điều này trước đây khi Ukraine nhận được các loại vũ khí tấn công tầm xa của phương Tây. Việc chuyển giao Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ viện trợ vào năm ngoái đã làm tăng phạm vi hỏa lực của Ukraine buộc Nga phải di dời các kho đạn dược, sở chỉ huy, hệ thống phòng không và các trung tâm hậu cần quan trọng ra khỏi tầm bắn của vũ khí này.

Tên lửa Storm Shadow của Anh và SCALP-EG của Pháp cũng có tác động tương tự, phần lớn Hạm đội biển Đen của Nga đã rút khỏi Sevastopol sau cuộc tấn công của Ukraine hồi tháng 9 nhằm vào một xưởng sửa chữa tàu.

Ukraine từ lâu đã mong muốn sở hữu tên lửa ATACMS bởi tầm bắn của nó gấp đôi so với tên lửa HIMARS mà Mỹ đã cung cấp cho Kiev. Một nguồn tin tiết lộ với Insider rằng, Ukraine đã sử dụng biến thể tên lửa M39 trong cuộc tấn công ngày 17/10. M39 là biến thể sử dụng đạn chùm có tầm bắn lên đến 165km, được trang bị 950 quả bom sát thương hoặc bom con APAM, M74, những quả bom con sẽ phân tán trên một khu vực rộng lớn.

Tên lửa ATACMS.

Tên lửa ATACMS.

Nhận định từ chuyên gia Nga

Theo chuyên gia quân sự Dmitry Kornev, Ukraine sử dụng ATACMS không những tấn công các căn cứ ở tiền phương của Nga mà có thể hỗ trợ cho các cuộc phản công ở mặt trận đông nam Ukraine.

Chuyên gia Kornev cho rằng ATACMS đã đặt ra mối đe dọa mới đối với các đơn vị không quân Nga ở gần chiến tuyến, do đó họ phải nhanh chóng thích nghi với điều kiện tác chiến mới.

Việc Ukraine lần đầu tiên sử dụng tên lửa ATACMS tấn công vào các sân bay dã chiến dành cho trực thăng Nga đã cho thấy rõ mục tiêu của họ. Tên lửa ATACMS mang đầu đạn chùm hoàn toàn có thể vô hiệu hóa cùng lúc nhiều máy bay hay kho bãi hỗ trợ hậu cần”, ông Kornev nhấn mạnh.

Phạm vi bao phủ của tên lửa ATACMS với tầm bắn 165km.

Phạm vi bao phủ của tên lửa ATACMS với tầm bắn 165km.

Để tránh những thiệt hại do ATACMS, buộc Nga phải di chuyển căn cứ ra xa vùng chiến sự. Vì vậy, khả năng hỗ trợ từ trên không cho bộ binh Nga sẽ giảm hoặc bị hạn chế so với trước đây.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga cũng lưu ý rằng, “thứ vũ khí được xem là thần kỳ sẽ không tồn tại” và ATACMS không thể thay đổi được cục diện cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.

Lê Hưng(Nguồn: Business Insider)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận