Sự xuất hiện của tên lửa Oreshnik không chỉ đơn giản là sự kiện của năm 2024, mà là sự kiện lịch sử trong lĩnh vực tên lửa và vũ trụ. Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khái quát về sự đặc biệt của Oreshnik: “Chưa bao giờ có chuyện như thế này xảy ra với loại vũ khí này”.
Để hiểu được sự đặc biệt về mặt kỹ thuật của IRBM Oreshnik, cần đánh giá qua những hình ảnh khi loại vũ khí siêu vượt âm này được sử dụng trong vụ tấn công nhằm vào Nhà máy Yuzhmash ngày 21-11-2024. Đầu tiên, những hình ảnh và video đưa ra ý tưởng về cách bố trí đầu đạn của tên lửa này. Mỗi tên lửa Oreshnik được trang bị 6 khối chiến đấu với mỗi khối chiến đấu mang 6 đầu đạn. Như vậy, một tên lửa tiến công mang tới 36 đầu đạn. Điều này là chưa từng có trong lịch sử ngành công nghiệp tên lửa và vũ trụ. Tiếp đó là các khối chiến đấu đều có khả năng tự dẫn để tấn công chính xác mục tiêu và né tránh các biện pháp đánh chặn từ hệ thống phòng thủ tên lửa.
Oreshnik mang lại định nghĩa về vũ khí tấn công dưới ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Ảnh: Topwar |
Theo Bộ Quốc phòng Nga, các đầu đạn Oreshnik trong đợt tấn công đầu tiên không mang chất nổ, mà đơn giản chỉ là các khối đạn tập. Tuy nhiên, ngay cả trong cấu hình này, Oreshnik vẫn được trang bị tất cả các hệ thống cơ động và bảo vệ nhiệt tiêu chuẩn.
Bảo vệ nhiệt là một vấn đề quan trọng. Tốc độ được biết đến của đầu đạn trên Oreshnik khi tiếp cận mục tiêu là Mach 10 (khoảng 3,4km/giây). Theo phía Ukraine, tốc độ này thậm chí còn lên tới Mach 11 (hơn 3,7km/giây). Hầu hết các tên lửa đạn đạo liên lục địa, cũng như các loại tên lửa đạn đạo truyền thống có đặc điểm là tốc độ đầu đạn đi vào khí quyển thấp hơn, dao động từ 3 đến 5 Mach. Ở tốc độ như vậy, nhiệt độ của đầu đạn được duy trì ở mức vừa phải để tránh bị phá hủy ngay trong khí quyển.
Điều này có nghĩa là đối với Oreshnik, các nhà thiết kế người Nga đã phát triển những vật liệu có thể chịu được nhiệt độ cao, ổn định và không bị phá hủy. Chính nhờ những vật liệu như vậy, đầu đạn của Oreshnik có thể tích lũy được động năng cực lớn để tấn công các hệ thống hầm ngầm nằm sâu dưới lòng đất.
Thành tựu thứ hai là khả năng bất khả xâm phạm của Oreshnik khi đối đầu với các hệ thống phòng không. Tổng thống Nga mới đây đã gợi ý về cuộc đối đầu giữa Oresnhik và các tổ hợp vũ khí phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Ukraine. Bài phát biểu của Tổng thống Nga đề cập đến 3 hệ thống là MIM-104 Patriot PAC-3, THAAD và Aegis Ashore. Với tầm bắn có giới hạn, các tổ hợp phòng thủ tên lửa của Mỹ không thể tiếp cận Oreshnik khi nó đang ở trong phần tăng tốc của quỹ đạo và dễ bị tổn thương nhất. Tầm bắn của Oreshnik vượt quá 5.000km và tương ứng với tên lửa đạn đạo tầm xa, trong khi tầm bắn tối đa của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa nhất của phương Tây là Aegis Ashore không vượt quá 1.200km.
Trong khu vực đỉnh của quỹ đạo đạn đạo, về mặt lý thuyết, các tổ hợp tên lửa SM-3 của tổ hợp Aegis Ashore có khả năng đánh chặn các đầu đạn của Oreshnik. Tuy nhiên, trong thực tế, xác suất xảy ra sự kiện như vậy gần bằng không. “Cần có thời gian để bay một khoảng cách như vậy, nhưng trong vài giây đó, tên lửa đã kịp giải phóng đầu đạn và mọi chuyện đã trở nên quá muộn”, Tổng thống V. Putin nhấn mạnh.
Patriot PAC-3 không thể bắn trúng đầu đạn của Oreshnik vì một lý do khác là do tên lửa đánh chặn trong khí quyển của nó quá chậm. Phiên bản Patriot MIM-104F (PAC-3) chỉ có khả năng đánh chặn mục tiêu ở tốc độ không quá 1.600m/giây và ở độ cao lên tới 40km. Trong khi đầu đạn tên lửa Oreshnik bay ở độ cao 40km này trong khoảng 10 giây với tốc độ hơn 3.700m/giây.
Cuối cùng, với tầm bắn công bố vượt quá 5.000km, Oreshnik bao quát khắp châu Âu, bao gồm Bồ Đào Nha, Anh và Bán đảo Scandinavia, cũng như toàn bộ Trung Đông và Bắc Phi.
Đồ họa về quỹ đạo bay và tấn công của tên lửa Oreshnik. Ảnh: Sputnik |
Về hướng Thái Bình Dương, tên lửa đạn đạo của Nga không chỉ có phạm vi bao quát toàn bộ Nhật Bản và Hàn Quốc, mà cả các căn cứ của Mỹ ở Guam và Okinawa cũng nằm trong tầm bắn. Và khi Oreshnik đặt ở Chukotka, toàn bộ bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ, cho đến tận Los Angeles đều có thể là mục tiêu.
Hơn nữa, giá thành của một IRBM Oreshnik thấp hơn nhiều so với ICBM. Và việc sản xuất hàng loạt sẽ khiến chi phí sử dụng Oreshnik gần bằng chi phí của các tên lửa tác chiến-chiến thuật như Kinzhal và Iskander.
Quân đội Nga đã có sẵn một kho các tổ hợp vũ khí sẵn sàng sử dụng tương tự như Oreshnik. Khi sử dụng theo nhóm, sát thương gây ra cho đối phương sẽ tương đương với việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trước Oreshnik, có một khoảng cách giữa vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân, khi vũ khí thông thường không thiếu hiệu quả và vũ khí hạt nhân thì quá mạnh. Tuy nhiên, Oreshnik chính là loại vũ khí lấp đầy khoảng trống đó. Nó là vũ khí răn đe, ngăn chặn đối phương với khả năng công phá chỉ thua kém vũ khí hạt nhân.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Tham gia bình luận