Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã công bố đoạn phim đầu tiên về mẫu xe tăng thế hệ tiếp theo của nước này, chiếc xe tăng đã tham gia các cuộc tập trận chiến đấu và khai hỏa bằng vũ khí chính. Màn trình diễn của chiếc xe tăng là một phần của các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Hình ảnh các vũ khí của Triều Tiên xuất hiện trong duyệt binh chào mừng kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Chiếc xe tăng này được ra mắt lần đầu tiên vào tháng 10/2020, tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Kể từ đó, mặc dù xuất hiện tại nhiều cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng, nhưng chiếc xe tăng này vẫn chưa được nhìn thấy trong các hoạt động chiến đấu.
Những hình ảnh từ video mới nhất cho thấy, chiếc xe tăng xuất hiện tại một trường bắn và đã bắn một loại đạn không xác định từ pháo chính, khẩu pháo có cỡ nòng 125mm tương đồng với các mẫu xe thế hệ trước.
Tên gọi của xe tăng mới vẫn chưa được biết, một số nhà phân tích phương Tây tạm gọi nó là “M2020”. Có rất ít thông tin về chiếc xe tăng này, nhưng các chuyên gia suy đoán rằng chiếc xe được thiết kế để có thể hoạt động tốt ở địa hình đồi núi giống như các thế hệ phương tiện chiến đấu trước đây của Triều Tiên.
Chiếc xe được cho là có thể sử dụng các loại đạn AFPSDS để tăng khả năng xuyên giáp, đồng thời có những cải tiến lớn đối với hệ thống điều khiển hỏa lực và bổ sung hệ thống bảo vệ chủ động. Ngoài ra xe còn có thể được trang bị kính ngắm nhiệt và hệ thống liên lạc mới.
Triều Tiên đã sản xuất xe tăng trong hơn 4 thập kỷ kể từ lần đầu tiên được cấp giấy phép sản xuất xe tăng T-62 của Liên Xô, trong khoảng thời gian này Triều Tiên đã phát triển nhiều biến thể xe tăng theo thiết kế trong nước.
Đáng chú ý nhất là thiết kế Pokpung Ho, chiếc xe tăng được đưa vào sử dụng từ những năm 2000 với thế hệ áo giáp thứ hai và được trang bị pháo chính 125 mm. Pokpung Ho còn có những cải tiến đáng kể về hệ thống điều khiển hỏa lực, được tích hợp lớp giáp composite, trang bị giáp phản ứng nổ cho tháp pháo và máy thu cảnh báo laser.
Điều trùng hợp là xe tăng Pokpung Ho được giới thiệu sau chuyến thăm của giới chỉ huy quân sự Triều Tiên tới nhà máy sản xuất xe tăng Uralvagonzavod của Nga. Điều này khiến cho nhiều chuyên gia suy đoán rằng, xe tăng Pokpung Ho có thể đã bị ảnh hưởng bởi dòng xe tăng mới nhất của Nga vào thời điểm đó là T-90A.
Ngành công nghiệp xe tăng của Triều Tiên đã có khả năng cung cấp các gói nâng cấp cho nhiều phương tiện thiết giáp thời Liên Xô. Một ví dụ đáng chú ý là việc các chuyên gia Triều Tiên tích hợp máy đo khoảng cách laser vào xe tăng T-55 của Syria, chiếc xe tăng được sử dụng rộng rãi trong các nỗ lực chống nổi dậy của quốc gia Trung Đông này cho đến hiện tại.
Mặc dù Pokpung Ho được thiết kế tối ưu hóa hơn để có thể hoạt động trên khu vực đồi núi so với xe tăng do Hàn Quốc và Mỹ sản xuất, nhưng về tổng thể Pokpung Ho vẫn bị coi là kém khả năng hơn, chủ yếu là hệ thống điều khiển hỏa lực đã lạc hậu và kém linh hoạt.
Triều Tiên là một trong số ít các quốc gia phát triển mẫu xe tăng mới sau Chiến tranh Lạnh. Các nguồn tin của Hàn Quốc tiết lộ rằng, hơn 500 chiếc Pokpung Ho đã được đưa vào biên chế và rất có thể loại xe tăng mới cũng đang trong quá trình sản xuất hàng loạt.
Mức độ sản xuất của mẫu xe tăng mới cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn, có nhiều câu hỏi xug quanh chiếc xe tăng này, liệu những chiếc xe tăng mới đã thực sự được đưa vào hoạt động hay vẫn đang trong quá trình thử nghiệm?
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vtc.vn
Tham gia bình luận