Những UAV đầu tiên được triển khai tại châu Phi năm 1978, do Nam Phi sử dụng để theo dõi tình hình cuộc nội chiến ở khu vực Rhodesia. Nam Phi cũng là quốc gia đầu tiên tại châu Phi sản xuất thành công UAV vào cuối thập niên 1980. Tuy nhiên hơn 20 năm sau đó, việc sử dụng UAV mới dần phổ biến tại châu Phi.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, UAV trở thành một bộ phận quan trọng trong biên chế quân đội các nước, phục vụ hoạt động trinh sát, thu thập tin tức tình báo, cảnh báo sớm và tấn công. Hiện nay, thiết bị bay không người lái trong lĩnh vực quân sự đang bước vào giai đoạn phát triển mới khi các thiết bị này ngày một trở nên nhỏ gọn, thông minh, nhanh, rẻ và dễ dàng cải tiến hơn. UAV đang định hình lại cách quân đội các quốc gia châu Phi thực hiện nhiệm vụ giữ gìn hòa bình, bảo vệ công dân, giám sát biên giới, chống khủng bố...
Theo Le Monde, trong 5 năm qua, hơn 20 quốc gia châu Phi đã trang bị UAV, đặc biệt ở Bắc Phi và gần đây là khu vực Sahel. Dữ liệu từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy Ai Cập có 42 UAV vũ trang. Đây là đội bay không người lái lớn nhất trên lục địa đen. Trong khi đó, Cộng hòa dân chủ Congo là quốc gia mới nhất gia nhập câu lạc bộ những nước sở hữu UAV ở châu Phi. Hồi tháng 5-2023, nước này đã mua 3 UAV CH-4 của Trung Quốc và một trạm điều khiển mặt đất để thực hiện nhiệm vụ chống nhóm phiến quân M23.
Đối với quân đội châu Phi, UAV là nhân tố thay đổi cuộc chơi. Chúng không chỉ giúp quân đội duy trì quyền kiểm soát trên không mà chi phí dành cho UAV cũng thấp hơn khoảng 20 lần so với máy bay chiến đấu thông thường. Các UAV vũ trang loại III có giá từ 2 đến 20 triệu euro, trong khi các UAV chiến thuật loại I và loại II có độ bền thấp hơn, chủ yếu được triển khai cho các nhiệm vụ tuần tra, giám sát, có mức giá dưới 1 triệu euro.
UAV Aksungur do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ảnh: Le Monde |
Theo giới chuyên gia, UAV đã tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực giám sát và theo dõi trên thực địa, thu thập thông tin tình báo ở những khu vực khó tiếp cận. Tại Nigeria, UAV được triển khai tại các cửa khẩu để tăng cường an ninh dọc biên giới, phát hiện sớm các mối đe dọa. Ngoài thực hiện nhiệm vụ giám sát, UAV còn có thể trở thành vũ khí tấn công khi mang theo chất nổ. Thậm chí, nhiều loại UAV đã được tích hợp khí tài trinh sát quang điện tử, vũ khí nhẹ có độ chính xác cao và khả năng chỉ thị mục tiêu cho phương tiện chiến đấu hạng nặng.
Những năm gần đây, số lượng và quy mô sử dụng phương tiện này tăng lên nhanh chóng ở châu Phi, kèm theo đó là những hiểm họa khó lường trước. Tháng 11 năm ngoái, ít nhất 12 thường dân đã thiệt mạng do các cuộc tấn công bằng UAV xung quanh thị trấn Kidal ở miền Bắc Mali. Và chỉ sau đó một tháng, 85 dân thường ở bang Kaduna, miền Bắc Nigeria cũng trở thành nạn nhân của loại vũ khí này.
Cũng cần biết rằng, với độ phổ biến như hiện nay, UAV có thể dễ dàng trở thành công cụ được các nhóm khủng bố cực đoan, mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia sử dụng vào mục đích do thám hoặc tấn công khủng bố. Thậm chí, các nhóm vũ trang và quân nổi dậy ở một số nước châu Phi còn sử dụng UAV trong hoạt động chiến đấu, tạo ra những mối đe dọa lớn về an ninh cho các quốc gia trong khu vực. Phương thức tấn công quân sự mới bằng máy bay chiến đấu không người lái qua các cuộc xung đột quân sự ở Syria, Libya, Nagorno-Karabakh, Ukraine và khu vực dải Gaza cũng đã chứng minh mức độ nguy hiểm và khốc liệt của nó.
Dẫu vậy, những bất ổn chính trị, xung đột, bạo lực gia tăng gần đây khiến châu Phi tiếp tục là vùng đất màu mỡ cho sự phát triển của thị trường UAV. Trung Quốc, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng nhu cầu ngày càng tăng của quân đội châu lục này để đẩy mạnh xuất khẩu các thiết bị bay không người lái. Le Monde cho biết, kể từ năm 2019, Ankara đã bán hơn 40 chiếc UAV cho khoảng 10 quốc gia ở châu Phi. Theo nhà phân tích Yunus Turhan đến từ Đại học Haci Bayram Veli ở Thổ Nhĩ Kỳ, điểm hấp dẫn lớn của các UAV Thổ Nhĩ Kỳ là giá thành rẻ hơn so với phiên bản của Mỹ hoặc Israel, dễ vận hành và đã được chứng minh tính hiệu quả trên thực địa.
UAV do Trung Quốc và Israel sản xuất cũng là những loại vũ khí đắt hàng tại thị trường châu Phi. Tờ South China Morning Post cho biết Nigeria, Tanzania, Zambia, Bolivia, Namibia, Zimbabwe và Ghana đều đã sở hữu những máy bay quân sự và UAV tấn công do Trung Quốc sản xuất. Trong khi đó, những chiếc UAV Silver Arrow Micro-V của Israel đã có mặt tại châu Phi từ khoảng 20 năm trước. Trang The Intercept nhận định, UAV của Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò rất quan trọng trong các cuộc tấn công vũ trang, còn những thiết bị bay không người lái của Israel lại sở hữu công nghệ giám sát tiên tiến.
HÙNG HÀ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Tham gia bình luận