Gói viện trợ trị giá 400 triệu USD của Mỹ cho Ukraine bao gồm hệ thống NASAMS, Patriot, tên lửa phòng không Stinger, xe bọc thép Stryker, tên lửa chống tăng TOW và Javelin, lựu pháo, tên lửa HIMARS và 28 triệu viên đạn vũ khí nhỏ.
Ngoài ra, gói viện trợ mới này cũng sẽ bao gồm Black Hornet Nano, một phương tiện bay không người lái cỡ nhỏ tinh vi và đắt tiền.
UAV quân sự nhỏ nhất trên thế giới
Black Hornet Nano là một UAV siêu nhỏ có trọng lượng chỉ 17-18 gram. Chúng có thể được quân đội mang theo và triển khai nhằm cung cấp hình ảnh và video độ phân giải cao về môi trường xung quanh. UAV này giống như một chiếc trực thăng nhỏ, dài khoảng 100 mm và rộng 25 mm, với chiều dài cánh quạt chính khoảng 120 mm và được gắn 3 camera riêng biệt.
Black Hornets do công ty khởi nghiệp UAV nano Prox Dynamics của Na Uy phát triển vào đầu những năm 2010 và hiện do FLIR Unmanned Aerial Systems sản xuất. FLIR Unmanned Aerial Systems, một công ty khác của Na Uy, đã mua lại Prox Dynamics vào năm 2016 với giá 134 triệu USD.
Black Hornet có thời gian bay lên tới 25 phút, tốc độ tối đa 21km/h, được trang bị liên kết dữ liệu kỹ thuật số có hiệu quả trong phạm vi lên tới 1,6 km.
UAV Black Hornet có giá ước tính khoảng 195.000 USD. Con số này dựa trên hợp đồng năm 2013 của Bộ Quốc phòng Anh mua 160 bộ Black Hornet (tổng cộng 320 UAV siêu nhỏ) với tổng trị giá 31 triệu USD.
Với 195.000 USD, khách hàng sẽ có một bộ điều khiển từ xa, màn hình cảm ứng cầm tay, bộ pin có thể sạc lại và 2 UAV, một được trang bị camera thông thường, chiếc còn lại được trang bị camera tầm nhiệt dùng ban đêm.
Black Hornet được quảng cáo là UAV quân sự nhỏ nhất trên thế giới. Năm 2015, Defense Media của Anh tiết lộ quân đội nước này đang xem xét các thử nghiệm sử dụng các UAV với trọng lượng chỉ 5 gram, nhưng thông tin bổ sung về các kế hoạch này vẫn chưa thành hiện thực.
Năm 2022, một công ty Trung Quốc có tên Huaqing Innovation đã giới thiệu UAV Fengniao (viết tắt là 'Hummingbird') tại triển lãm quốc phòng ở Abu Dhabi. Chiếc UAV có chiều dài 170 mm và nặng 35 gram và có khả năng truyền ảnh chụp nhanh hoặc video thời gian ở khoảng cách hơn 2 km. UAV này có thời gian bay khoảng 25 phút, hoạt động bằng loại pin có thể thay thế, thay vì bộ pin sạc lại như Black Hornet.
Fengniao được cho là có thể được sử dụng kết hợp với tối đa 15 UAV khác cùng loại để tạo thành bầy đàn và được điều khiển thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Huaqing Innovation chưa tiết lộ mức giá của UAV này.
Black Hornet đã được triển khai ở những đâu?
Kể từ năm 2011, đã có hơn 14.000 chiếc Black Hornet được sản xuất. Khách hàng mua số lượng lớn UAV Black Hornet gồm có Na Uy và các nước thành viên NATO, Algeria, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, New Zealand và Nam Phi.
Việc triển khai UAV Black Hornet trong chiến đấu lần đầu tiên được báo cáo vào năm 2013, do quân đội Anh sử dụng trong thời gian NATO triển khai lực lượng tại Afghanistan.
Mỹ bắt đầu sử dụng các phiên bản nâng cấp của UAV từ năm 2015. Phiên bản này được trang bị tầm nhìn ban đêm và khả năng định vị được cải thiện.
Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên cung cấp UAV Black Hornet cho Ukraine. Tháng 8/2022, Vương quốc Anh và Na Uy đã cùng nhau mua 850 UAV Black Hornet Nano, hứa hẹn sẽ triển khai chúng vào tháng 11 cùng năm.
Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Na Uy đã thông báo FLIR sẽ cung cấp thêm 1.000 chiếc Black Hornet, cùng với các phụ tùng thay thế, đồng thời sẽ đào tạo Ukraine sử dụng loại UAV này (quá trình được cho là chỉ mất khoảng 20 phút).
Nga có vũ khí nào để đối phó UAV Black Hornet?
Kích thước siêu nhỏ và đặc tính hoạt động yên tĩnh của Black Hornet khiến chúng về cơ bản không thể bị tiêu diệt bằng cách sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường. Tuy nhiên, các vũ khí nhỏ có thể thực hiện việc này ở cự ly gần.
Ngoài ra, Black Hornet có thể bị nhắm mục tiêu bằng các hệ thống radar chuyên dụng như RLK-MTs Valdai do nhà sản xuất tên lửa Almaz-Antey của Nga thiết kế để phát hiện, ngăn chặn và vô hiệu hóa các UAV nhỏ có tiết diện radar cực thấp trong phạm vi từ 2 km trở xuống. Tuy nhiên, những hệ thống này rất nặng và phải được gắn trên xe tải.
Các hệ thống chống UAV cấp quân sự như PARS-S Stepashka, súng chống UAV nặng 9,6 kg của Nga cũng có thể được sử dụng để đối phó với Black Hornet do chúng có khả năng chiếm quyền điều khiển UAV của đối phương, buộc UAV phải hạ cánh hoặc quay trở lại vị trí phóng. Những vũ khí này có tầm bắn hiệu quả từ 500-1.500 mét.
Ngoài ra, Nga còn có súng trường Stupor, sử dụng các xung điện từ để triệt tiêu các kênh điều khiển của UAV và áp chế chúng theo cách tương tự.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vov.vn
Tham gia bình luận