Đây là máy bay do Ukraine tự sản xuất và gần giống với UAV Bayraktar, nguồn tin Bản đồ chiến sự (UBM) của Ukraine cho biết.
UAV Sokol-300 có chiều dài 8,5m, sải cánh rộng tới 14m, có khả năng mang trọng tải lên tới 300kg. Theo đồ họa đăng trên Twitter, UAV này có thể đạt độ cao tối đa hơn 9km, tầm tấn công 3.300km.
Theo các nhà phát triển Ukraine, tầm bắn của Sokol-300 thực sự rất ấn tượng. Với tầm tấn công 3.300km, nó có thể tấn công ít nhất 80 căn cứ không quân của Nga nằm trong Vòng Bắc Cực. Ở đó, Moscow đã bố trí một số lượng lớn máy bay ném bom và những máy bay này đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào các cuộc không kích tại Ukraine, trong đó phải kể đến các máy bay ném bom chiến lược như T-95 và Tu-160.
Sokol-300 do các kỹ sư thuộc phòng thiết kế “Lunch” của Ukraine chế tạo, có thể sử dụng nhiều loại động cơ, chẳng hạn như các động cơ điện MS-500-05C/CE và AI-450T2 của Ukraine, cũng như Rotax 914 của Áo. Trọng lượng cất cánh của Sokol-300 phụ thuộc vào loại động cơ mà máy bay sử dụng. Phiên bản nâng cấp của Sokol sử dụng hai loại động cơ chính là AI-450T2 và Rotax 914.
Hệ thống điều khiển của Sokol-300 bao gồm khối quán tính và con quay hồi chuyển laser, do công ty Arsenal phát triển. Máy bay không người lái được trang bị tên lửa RK-10, P2-M và RK-2P, có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 10 km, ngoài ra còn một số tên lửa khác có tầm bắn xa hơn. Máy bay không người lái có thể mang theo radar khẩu độ tổng hợp cùng với một trạm radar nhỏ. Khi quét mặt đất từ độ cao 5 km, độ chính xác của radar là 30×30 cm. “Đôi mắt” của máy bay không người lái Sokol-300 chính là trạm quang điện tử của Barrier-B ATGM.
Đáng chú ý, trọng lượng cất cánh của Sokol-300 không chỉ phụ thuộc vào động cơ được lắp đặt mà còn phụ thuộc vào tầm bay. Phiên bản nâng cấp của máy bay không người lái này được trang bị động cơ AP-450T2 có tầm hoạt động 1.300km. Nhưng khi được trang bị động cơ Rotax 914, tầm hoạt động có thể lên tới 3.300km. Sokol-300 có thể tấn công bất kỳ mục tiêu mặt đất nào từ xe tăng thiết giáp, mục tiêu kiên cố. Khi hoạt động trên biển, vũ khí này có thể tiêu diệt những chiến hạm cỡ nhỏ, tàu đổ bộ đối phương. Để tấn công chiến hạm cỡ lớn, Sokol-300 có thể trang bị một tên lửa chống hạm cỡ lớn với trọng lượng lên tới 300kg thay vì 4 đạn Barier-V.
Các kỹ sư Ukraine cho biết, UAV Sokol-300 có nhiều nét tương đồng với UAV Bayraktar-TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây không phải điều ngẫu nhiên. Theo một số dữ liệu chính thức, Ukraine đã tiếp nhận 50 máy bay không người lái Bayraktar-TB2 và tích cực sử dụng trong cuộc xung đột vào năm 2022. Tuy nhiên, phòng không Nga đã vô hiệu hóa được chúng, khiến Bayraktar-TB2 vắng bóng trên chiến trường hơn một năm nay.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã nhất trí xây dựng nhà máy sản xuất Bayraktar ở Ukraine. Mặc dù tin tức này đã lắng xuống vào nửa cuối năm 2023, nhưng thỏa thuận có thể bao gồm việc chuyển giao công nghệ và đóng góp vào sự phát triển của UAV Sokol-300.
Căn cứ của Nga có thể bị đe dọa?
Các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, tầm bắn của UAV Sokol-300 khiến các máy bay ném bom Nga được triển khai ở cực bắc gặp nguy hiểm. Nga được cho là đã điều động những máy bay ném bom này trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo giới phân tích, căn cứ không quân Olenya của Nga ở Bán đảo Kola có thể trở thành mục tiêu trực tiếp của UAV Sokol-300.
Trước đó, một số báo cáo cho biết, cuộc tấn công quy mô lớn của Nga vào ngày 7/2 có sự tham gia của 9 máy bay ném bom cất cánh từ Olenya. Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, 9 máy bay ném bom Tu-95, được điều động từ Olenya đã tham gia lộ trình tấn công, băng qua Biển Caspian và khu vực Saratov. Sau đó 6 trong số 9 chiếc máy bay này đã quay trở lại Olenya và tung tích của 3 chiếc còn lại vẫn chưa được xác định. Nhiều khả năng chúng đã di chuyển đến các căn cứ khác.
Ngoài Tu-95, không quân Nga được cho là triển khai 8 máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3. Ngoài ra, máy bay huấn luyện Tu-134UBL cũng được đưa vào hoạt động.
Vẫn chưa rõ liệu UAV Sokol-300 của Ukraine có thể được sử dụng để tấn công các căn cứ của Nga ở vùng Bắc Cực xa xôi hay không, nhưng sự xuất hiện của UAV này chắc chắn sẽ khiến các chỉ huy quân sự của Nga phải lo ngại.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vov.vn
Tham gia bình luận