Mỹ đã nhất trí để Đan Mạch và Hà Lan chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine, sau khi các phi công của nước này hoàn thành khóa huấn luyện sử dụng F-16 và dự kiến những chiếc máy bay chiến đấu sớm nhất sẽ đến Kiev vào đầu năm tới.
Ngày 18/8, tướng James Hecker - chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại Châu Âu nói F-16 sẽ là một sự bổ sung quan trọng cho lực lượng không quân của Ukraine, nhưng cũng không nên kỳ vọng chiến đấu cơ này có thể phá huỷ được các hệ thống phòng không hàng đầu của Nga trên chiến trường.
Tướng James Hecker nhấn mạnh, những chiếc MiG-29 của Ukraine hiện đang sử dụng cũng "rất có năng lực", nhưng F-16 sẽ phù hợp hơn với những vũ khí do phương Tây sản xuất như tên lửa săn radar mà Mỹ đã viện trợ cho Ukraine cách đây một năm.
Hecker cho biết thêm: "Vũ khí mà chúng tôi cung cấp cho Ukraine phải mất thời gian điều chỉnh để có thể trang bị cho MiG-29 hoặc Su-27, nhưng F-16 dễ dàng tương thích được với những vũ khí đó, vì vậy sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và nâng cao hiệu suất chiến đấu".
Các quan chức Ukraine đã nhiều lần yêu cầu mua F-16 vì tin loại chiến đấu cơ này sẽ mang lại lợi thế trước lực lượng không quân hùng hậu của Nga. Nhưng Hecker và các chuyên gia quân sự của Mỹ nhận định, những chiếc F-16 sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong muốn cho Ukraine. Vì ở thời điểm này, Nga đã triển khai nhiều hệ thống phòng không tiên tiến. Do đó, dù sở hữu F-16 thì Ukraine vẫn khó có cơ hội giành được ưu thế trên không trước Nga.
Hôm 18/8, tướng Hecker nói, "Đừng vội hi vọng F-16 sẽ hạ gục được SA-21 (mã định danh của NATO đối với hệ thống S-400 của Nga). Mặc dù F-16 được tích hợp những vũ khí tốt hơn, nhưng quân đội Nga cũng đã nhanh chóng thích nghi và điều chỉnh để đối phó hiệu quả”.
Ông Hecker nhận định, các lực lượng Nga đang ở ngoài tầm bắn của những loại tên lửa mà Ukraine hiện có. Sau khi Mỹ cung cấp một số vũ khí mới, có thể tấn công tới các vị trí của quân đội Nga, họ sẽ điều chỉnh lực lượng và đưa ra các biện pháp đối phó. Ví dụ, người Nga nhận thấy tên lửa của Ukraine đã vượt qua tầm bắn 40 km so với 30 km như trước, họ sẽ di chuyển tất cả các sở chỉ huy của mình vượt qua mốc 50 km.
Đào tạo phi công Ukraine
Trong tuần này, các quan chức Hà Lan tuyên bố cuối cùng Mỹ cũng đã phê duyệt việc chuyển giao F-16 cho Ukraine và cho phép tiến hành đào tạo phi công.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren bày tỏ: "Tôi hoan nghênh quyết định của Mỹ đã dọn đường cho việc chuyển giao máy bay phản lực F-16 tới Ukraine. Điều đó cho phép chúng tôi tiếp tục đào tạo các phi công Ukraine. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với các đối tác châu Âu để quyết định các bước tiếp theo".
Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra cảm ơn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vì sự hợp tác và cho biết sự chấp thuận này "đánh dấu một cột mốc quan trọng để Ukraine bảo vệ người dân và đất nước của mình".
Vào tháng 7/2023, Hà Lan và một số các quốc gia NATO khác đã cam kết sẽ đào tạo phi công của Ukraine lái máy bay F-16. Vào thời điểm đó, các quan chức Ukraine cho biết việc đào tạo sẽ bắt đầu sớm. Mặc dù thời gian cụ thể vẫn chưa xác định, nhưng Đan Mạch, một trong 11 quốc gia trong liên minh đã thông báo rằng, họ sẽ bắt đầu đào tạo phi công Ukraine vào cuối tháng này.
Trong một tuyên bố với tạp chí Insider, thư ký báo chí Lầu Năm Góc - tướng Pat Ryder cho biết, "Mỹ sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực huấn luyện phi công Ukraine của liên minh và sẽ tổ chức huấn luyện cho các phi công Ukraine ở Mỹ nếu công tác huấn luyện được tiến hành ở châu Âu".
Hôm 18/8, tướng Hecker nói đã bắt đầu đào tạo các phi công trẻ. Những phi công này đang được đào tạo ngôn ngữ ở Anh và sẽ trải qua khóa đào tạo thêm về máy bay điều khiển cánh quạt trước khi đến Pháp để bay trên máy bay huấn luyện Alpha Jet.
Tướng Hecker nói thêm, “quá trình này sẽ mất nhiều thời gian và khó có thể hoàn thành trước cuối năm nay. Vì vậy, đó là lý do tại sao ít nhất phải đến năm sau mới có thể chuyển giao F-16 cho Ukraine".
Sự tiêu hao nhanh chóng của các loại khí tài quân sự thời Liên Xô và nguồn cung vũ khí từ phương Tây tăng dần đã nhanh chóng làm thay đổi kho vũ khí của Ukraine. Các chuyên gia và quan chức phương Tây cho biết, lực lượng không quân Ukraine sẽ phải loại bỏ các máy bay chiến đấu thời Liên Xô do khó khăn trong bảo trì, để chuyển sang sử dụng các máy bay chiến đấu do phương Tây cung cấp.
Hecker lưu ý thêm, "để thuần thục sử dụng F-16 không phải là điều đơn giản. Những người lính có thể thành thạo một số hệ thống vũ khí khá nhanh, nhưng những hệ thống như F-16 phải mất một thời gian để các phi công có được những kỹ năng và trình độ đủ cao”.
Vị tướng Mỹ cũng khẳng định rằng, trong ngắn hạn những chiếc F-16 có thể giúp ích được một chút cho quân đội Ukraine, tuy nhiên chúng vẫn khó có thể mang lại những kết quả lớn trên chiến trường.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vtc.vn
Tham gia bình luận